Các chủ thể trong phiên tòa phúc thẩm dân sự

Một phần của tài liệu Phiên tòa phúc thẩm dân sự theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam (Trang 28 - 30)

Phiên tòa phúc thẩm là nơi Tòa án thực hiện chức năng xét xử. Tuy nhiên, việc xét xử của Tòa án phải tiến hành thông qua hoạt động của những người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, trong phiên tòa phúc thẩm còn có sự tham gia của các chủ thể giám sát hoạt động xét xử trong những trường hợp nhất định và những chủ thể đã cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm bởi quyết định của bản án sơ thẩm, nên có đơn kháng cáo và những chủ thể liên quan đến việc kháng cáo đó. Căn cứ vào địa vị pháp lý của họ trong phiên tòa phúc thẩm có thể phân loại các chủ thể trong phiên tòa phúc thẩm thành hai nhóm:

Thứ nhất, nhóm những người tiến hành tố tụng bao gồm các thành

viên của HĐXX, Thư ký phiên tòa và Kiểm sát viên (trong trường hợp pháp luật quy định VKS phải tham gia phiên tòa).

Phúc thẩm là việc xét xử lại vụ án, nên khác với thành phần HĐXX sơ thẩm bao gồm cả Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân, thành phần HĐXX phúc thẩm chỉ gồm các Thẩm phán mà không có Hội thẩm nhân dân tham gia.

Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phúc thẩm vụ án dân sự với vai trò thực hiện chức năng giám sát hoạt động xét xử của Tòa án. Do vậy, không phải mọi phiên tòa phúc thẩm đều có Kiểm sát viên tham gia. Kiểm sát viên chỉ tham gia phiên tòa phúc thẩm trong trường hợp VKS đã tham gia phiên tòa sơ thẩm, trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại về việc thu thập chứng cứ hoặc trong trường hợp VKS kháng nghị bản án sơ

thẩm. Trong những trường hợp này, Kiểm sát viên phải tham gia phiên tòa để kiểm sát việc xét xử và để trình bày yêu cầu kháng nghị của VKS.

Thứ hai, nhóm những người tham gia tố tụng bao gồm người kháng

cáo, người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị và những người tham gia tố tụng khác.

Xét xử phúc thẩm là theo yêu cầu kháng cáo, kháng nghị nên người kháng cáo phải tham gia phiên tòa để trình bày kháng cáo và chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của mình. Người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm có thể là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ. Trong trường hợp không đồng ý với bản án, quyết định sơ thẩm họ có quyền kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ

Người liên quan đến kháng cáo, kháng nghị là đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức khác không có đơn kháng cáo nhưng việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Ví dụ, trong vụ án ly hôn, nguyên đơn kháng cáo về con chung và tài sản chung, bị đơn không kháng cáo. Tuy nhiên, việc kháng cáo của nguyên đơn dẫn đến việc Tòa án cấp phúc thẩm sẽ xem xét nội dung kháng cáo về vấn đề con chung và tài sản chung. Việc xem xét đó liên quan tới quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn, người khác không được Tòa án cấp sơ thẩm triệu tập đến tham gia tố tụng, họ là người không kháng cáo. Người liên quan đến kháng cáo, kháng nghị trong vụ án dân sự có thể là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc là người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ án nhưng chưa được Tòa án cấp sơ thẩm triệu tập đến tham gia tố tụng.

Đối với những người tham gia tố tụng khác như người làm chứng, người giám định, người phiên dịch thì việc tham gia tố tụng của họ tại phiên tòa phúc thẩm là cần thiết trong trường hợp việc giải quyết nội dung kháng

cáo, kháng nghị cần phải có sự tham gia của họ. Ví dụ: người giám định phải tham gia phiên tòa phúc thẩm khi cần phải làm rõ kết luận giám định tại phiên tòa để giải quyết được yêu cầu kháng cáo, kháng nghị.

Trong số các chủ thể trong phiên tòa phúc thẩm, thì các thành viên của HĐXX phúc thẩm giữ vai trò rất quan trọng vì họ không chỉ là chủ thể điều khiển tại phiên tòa, hướng hoạt động của các chủ thể vào việc xác định sự thật khách quan về vụ án mà còn đưa ra các phán quyết về vụ án. Vì vậy, các thành viên của HĐXX phúc thẩm luôn giữ vị trí trung tâm và có vai trò quyết định đối với hoạt động xét xử phúc thẩm của Tòa án. Do tính chất của xét xử phúc thẩm là xét xử lại vụ án vụ án theo kháng cáo, kháng nghị nên chỉ những người liên quan đến việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị mới được Tòa án cấp phúc thẩm triệu tập tham gia phiên tòa. Thành phần những người tham gia tố tụng được Tòa án triệu tập đến tham gia phiên tòa phúc thẩm hạn chế hơn so với phiên tòa sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bên kháng cáo có nghĩa vụ đưa ra các yêu cầu kháng cáo và các chứng cứ chứng minh cho các yêu cầu đó. Trong trường hợp VKS kháng nghị thì kiểm sát viên có nhiệm vụ đưa ra các căn cứ kháng nghị và các chứng cứ chứng minh cho các căn cứ đó. Bên bị kháng cáo, kháng nghị có quyền, nghĩa vụ đưa ra các chứng cứ, tài liệu phản đối yêu cầu của người kháng cáo, kháng nghị. Các chủ thể như khác người làm chứng, người giám định, người phiên dịch… được triệu tập tham gia phiên tòa phúc thẩm nếu có thể giúp cho HĐXX phúc thẩm làm sáng tỏ được các vấn đề cần giải quyết trong vụ án.

Một phần của tài liệu Phiên tòa phúc thẩm dân sự theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)