Pháp luật đã dự liệu một số tình huống phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nên đã liệt kê tại Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự. Mặc dù vậy, có những tình huống, trường hợp chưa dự liệu trong Bộ luật Tố tụng dân sự nhưng xuất phát từ thực tiễn, yêu cầu của tình hình chính trị, xã hội. Do đó, Nhà nước đã quy định thêm các biện pháp khác trong một số các văn bản
pháp luật. Khi các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định bổ sung trong các văn bản quy phạm pháp luật, Tòa án căn cứ vào quy định trong các căn bản quy phạm pháp luật đó và căn cứ vào khoản 13 Điều 102 Tòa án cũng có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Như vậy, không chỉ quy định nhiều hơn về số lượng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm bảo vệ quyền lợi cho đương sự, Bộ luật Tố tụng dân sự còn quy định tương đối cụ thể về điều kiện áp dụng đối với từng biện pháp. Việc bộ luật quy định khá đầy đủ các biện pháp khẩn cấp tạm thời như vậy đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự. Đồng thời, các quy định này đã tạo nên các cơ sở pháp lý cụ thể, giúp Tòa án có thể áp dụng đúng và phù hợp các biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 98 Bộ luật Tố tụng dân sự về bảo vệ chứng cứ trong trường hợp chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được thì đương sự có quyền làm đơn đề nghị áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn chứng cứ như: niêm phong, thu giữ, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, phục chế, khám nghiệm… Theo chúng tôi, các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều 98 Bộ luật Tố tụng dân sự này chính là các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà pháp luật có quy định. Bởi lẽ, đây là các biện pháp nhằm bảo vệ chứng cứ và mang đầy đủ hai tính chất của biện pháp khẩn cấp tạm thời là tính chất khẩn cấp và tạm thời.
Điều 207 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 qui định Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời niêm phong tài sản để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đương sự trong các vụ tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, mọi hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó sẽ bị niêm phong khi có yêu cầu hợp pháp của chủ thể có quyền lợi bị xâm hại.
Điều 40 Bộ luật hàng hải năm 2005 có quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời bắt giữ tàu biển. Theo đó, bắt giữ tàu biển là việc không cho
phép tàu biển di chuyển hoặc hạn chế di chuyển bằng quyết định của Tòa án để đảm bảo giải quyết khiếu nại hàng hải, cũng chính là đảm bảo quyền lợi của đương sự. Khi bị áp dụng biện pháp này, người điều khiển tàu biển không được phép cho tàu rời khỏi cảng biển và chỉ sau khi quyền lợi của người khiếu nại được giải quyết bằng một biện pháp bảo đảm thay thế hoặc theo yêu cầu của chính người yêu cầu bắt giữ không áp dụng biện pháp này nữa thì tàu biển bị bắt giữ mới được thả.
Trong Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006, Điều 44 có quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời bắt giữ tàu bay để đảm bảo lợi ích của chủ nợ, chủ sở hữu hoặc người thứ ba ở trên mặt đất và những người khác có quyền và lợi ích đối với tàu bay. Thực chất biện pháp này là cấm người điều khiển tàu bay không được phép bay trên đường bay. Việc bắt giữ chỉ chấm dứt khi các khoản nợ đã được thanh toán đầy đủ hoặc đã áp dụng biện pháp bảo đảm thay thế, hoặc khi người yêu cầu bắt giữ đề nghị thôi bắt giữ.
Như vậy, hai biện pháp khẩn cấp tạm thời bắt giữ tàu bay và bắt giữ tàu biển đã phân tích ở trên được áp dụng riêng hànghai lĩnh vực riêng biệt là hàng không và hàng hải. Đây chính là những biện pháp được cụ thể hóa từ biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm hoặc buộc thực hiện một số hành vi trong Bộ luật Tố tụng dân sự.
Như vậy, có thể thấy rằng các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định trong pháp luật tố tụng dân sự hiện hành là rất đa dạng. Việc áp dụng các biện pháp này được thực hiện khi thỏa mãn một số điều kiện cơ bản như trong tình thế khẩn cấp, cần ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra, đảm bảo cho việc giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án. Bên cạnh đó, việc áp dụng mỗi biện pháp cụ thể cũng phải tuân thủ những điều kiện riêng biệt mà pháp luật có quy định.