Đây là biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể được áp dụng trong các vụ án kinh doanh, thương mại, tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, về lao động và chỉ áp dụng đối với người có nghĩa vụ có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước hoặc có tài sản đang gửi giữ và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án và thi hành án sau này.
Ngày nay, nền kinh tế ngày càng phát triển, đời sống của người dân ngày một nâng cao, do vậy việc có tài khoản riêng tại các ngân hàng, kho bạc là rất phổ biến. Đây là một quy định mới so với Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự trước đó và là sự kế thừa biện pháp phong tỏa tài khoản trong Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế. Quy định này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội hiện nay.
Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước là việc cô lập, không cho chuyển dịch tài sản ở các tổ chức trên. Phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ là việc cô lập không cho chuyển dịch tài sản đang do người khác nhận gửi giữ. Sau khi Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này thì mọi giao dịch với tài khoản, cũng như với tài sản ở nơi gửi giữ đó đều vô hiệu cho đến khi Tòa án có quyết định khác về tài khoản, tài sản bị phong tỏa.
Theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Tố tụng dân sự thì Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước khi đương sự có yêu cầu và trong quá trình giải quyết vụ án theo có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước và cần thiết phải áp dụng biện pháp này để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc bảo đảm cho việc thi hành án.
Ngoài ra, Điều 113 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ được Tòa án quyết định áp dụng khi đương sự có yêu cầu và trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản đang có tài sản gửi người khác giữ và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc bảo đảm cho việc thi hành án. Việc chứng minh bên có nghĩa vụ có tài khoản hoặc có tài sản đang gửi giữ ở đâu đó là trách nhiệm của bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp, Tòa án sẽ phải xem xét việc áp dụng biện pháp này có thật sự cần thiết hay không. Tính
cần thiết của việc áp dụng thể hiện ở chỗ, nếu không áp dụng thì sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hoặc làm cho việc thi hành án sau này gặp khó khăn. Như vậy, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này chỉ được thực hiện nếu có đủ các điều kiện sau đây:
- Bên bị áp dụng biện pháp này có nghĩa vụ trả tiền;
- Có căn cứ chứng minh bên có nghĩa vụ có tài khoản, hoặc có tài sản đang gửi giữ;
- Cần thiết phải áp dụng biện pháp này để đảm bảo việc thi hành án sau này.
- Bên yêu cầu áp dụng biện pháp này phải thực hiện biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật thì Tòa án mới ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Khi áp dụng biện pháp này, Tòa án chỉ được phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện mà không được phong tỏa tài sản ít hơn hoặc vượt quá nghĩa vụ đó. Chẳng hạn, người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ trả nợ hoặc bồi thường thiệt hại có giá trị là 500 thì chỉ phong tỏa tài khoản với mức 500 triệu, không được phong tỏa tài khoản quá số tiền mà bên có nghĩa vụ trả nợ.
Ví dụ: Vụ kiện đòi lại tiền đặt cọc mua cổ phần Công ty trách nhiệm
hữu hạn Huyền Trang tại thị xã Phan Rang - Ninh Thuận, giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Hoài Linh và bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ - Du lịch -Khách sạn Huyền Trang do ông Lê Văn Tri là người đại diện pháp luật. Do công ty này chỉ còn tài sản duy nhất là khách sạn Huyền Trang, nhưng vừa qua đã được bán cho công ty Taxi Mai Linh thông qua Trung tâm bán đấu giá Ninh Thuận, và số tiền này sẽ được chuyển về tài khoản tại Ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh tỉnh Ninh Thuận. Theo yêu cầu của nguyên đơn
và xem xét các chứng cứ liên quan Tòa án nhân dân thị xã Phan Rang Tháp Tràm đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời "Phong tỏa tài khoản của Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ, Du lịch, Khách sạn Huyền Trang tại ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn - Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận số tiền là 680.000.000đ.