Các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định cụ thể tại Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004. Điều luật này quy định 12 biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa án có thể áp dụng và ngoài ra, Tòa án cũng có thể áp dụng những biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà pháp luật có quy định. Có thể nhận xét rằng, phạm vi các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 quy định là rộng hơn so với các văn bản về tố tụng dân sự từ trước đến nay. Có một số biện pháp lần đầu tiên được bổ sung quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự như các biện pháp về phong tỏa tài sản, tài khoản, buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm v.v... Điều đó cho thấy các đương sự có thể lựa chọn yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trên phạm vi rộng hơn. Tuy vậy, không phải trong bất kỳ trường hợp nào yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng được Tòa án chấp nhận mà nó phải đáp ứng những điều kiện nhất định. Biện pháp khẩn cấp tạm thời chỉ được áp dụng với điều kiện trong tình thế khẩn cấp và cần phải ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra trong quá trình giải quyết vụ việc hoặc khi thi hành án. Tình thế khẩn cấp tức là cần phải được giải quyết ngay, không chậm trễ. Đó có thể là giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự có liên quan trực tiếp đến vụ việc đang được giải quyết nếu không sẽ ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng, sức khỏe …của các đương sự; hoặc bảo vệ chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy, hoặc bảo toàn tình trạng tài sản hiện có; bảo đảm việc thi hành án. Dưới đây, luận văn sẽ đi vào phân tích sâu hơn về từng loại biện pháp khẩn
cấp tạm thời cụ thể và điều kiện áp dụng đối với từng loại biện pháp mà pháp luật có quy định.