trong tất cả các Cục thuế ở khu vực miền trung. Hiện nay, số thu của Cục thuế Thanh Hoá cũng nằm trong tốp đầu của khu vực miền trung và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Để làm được như vậy, trong những năm qua Cục thuế Thanh Hoá đã có nhiều nỗ lực để đổi mới công tác quản lý, phát triển nguồn nhân lực ở địa phương. Điểm nổi bật trong công tác phát triển nguồn nhân lực của Cục thuế Tỉnh Thanh Hóa là công tác dự báo nguồn nhân lực.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc đáp ứng được kịp thời và đầy đủ nhu cầu nhân lực trong hiện tại và tương lai, Cục thuế Thanh Hóa đã tiến hành công tác dự báo nhu cầu nhân lực của toàn ngành thuế Thanh Hóa theo từng giai đoạn. Cục thuế đã tiến hành phân tích công việc bằng các phương pháp thu thập thông tin như phỏng vấn, bảng câu hỏi, quan sát tại nơi làm việc,… để tiến hành lập lại bảng mô tả công việc và bảng tiêu chuẩn công việc cho từng vị trí, từng loại công việc trong toàn ngành; căn cứ vào kế hoạch, mục tiêu của đơn vị theo từng giai đoạn, các trang bị kỹ thuật hiện có tại đơn vị (các chương trình, máy tính,…), số lượng, chất lượng lao động hiện có của đơn vị, tỷ lệ nghỉ việc trong nhân viên,… dùng phương pháp định lượng và định tính để xác định nhu cầu nguồn nhân lực qua các năm theo công thức sau:
Nhu cầu cần tuyển = Số cần có – Số hiện có + (% nghỉ việc*số hiện có) Trên cơ sở đó, Cục thuế Thanh Hóa sẽ hoạch định nguồn nhân lực hàng năm, xác định chính xác thừa những lao động nào, thiếu những các lao động nào. Từ đó, Cục thuế Thanh Hóa sẽ đề ra các biện pháp, chính sách phù hợp. Tùy tình hình thừa, thiếu lao động cụ thể, Cục thuế sẽ tập trung vào các chính sách cơ bản sau đây:
Đối với lao động thừa: Cục thuế sẽ cố gắng tái đào tạo hoặc điều chuyển để tận dụng tối đa nguồn lực hiện có của đơn vị. Trường hợp không thể tận dụng được nguồn lao động này thì Chi cục sẽ xin ý kiến cấp trên để có chính sách khuyến khích họ nghỉ hưu sớm hoặc nghỉ việc để được hưởng ưu đãi.
Đối với lao động thiếu: Cơ bản Cục thuế cũng sẽ tận dụng lao động nội bộ trước, tức là đơn vị sẽ ưu tiên tiến hành đề bạt nội bộ, tăng cường đào tạo để có thể sử dụng lực lượng lao động dưới quyền trong bộ phận hoặc lao động ở các bộ phận khác, chuyên môn khác. Ngoài ra có thể tính toán làm thêm giờ nếu không thường xuyên hoặc có thể thuê lao động thời vụ hoặc cộng tác viên bên ngoài nếu thấy hiệu quả. Trường hợp không thể tận dụng được lực lượng lao động nội bộ hoặc thuê lao động
thời vụ hoặc cộng tác viên thì lúc ấy Cục thuế sẽ xin được tuyển thêm nguồn lao động từ bên ngoài . Chính vì vậy mà công tác quản trị nhân sự tại Cục thuế đã thực sự phát huy hiệu quả.
Về công tác tuyển dụng, Cục thuế Thanh Hóa luôn đi theo phương châm: “ Công Khai – Minh Bạch - Hiệu Quả”. Vì vậy, trong những năm vừa qua cục thuế Thanh Hóa luôn tuyển chọn được nguồn nhân lực đầu vào chất lượng cao, chính quy và làm việc chuyên nghiệp, điều đó được thể hiện ở hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ thuế của ngành.