Việt Nam đẫ và đang đi vào những sân chơi lớn trên thế giới với các tổ chức kinh tế của khu vực và quốc tế như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Tổ chức thương mại thế giới, Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Diễn đàn hợp tác Á – Âu, Liên minh châu Âu, ASEAN,.... hay Tổ chức Hải quan thế giới, Liên Hợp Quốc.... chúng ta phải có một hệ thống pháp luật hài hòa, phù hợp, thống nhất với những quy chế, quy ước, qui định mà các tổ chức này đặt ra để thực thi nhằm mang lại lợi ích cho các bên tham gia. Hầu hết, các tổ chức này có những điểm tương đồng về mặt pháp luật, tất cả đều dựa trên nguyên tắc: không phân biệt đối xử, công bằng, cạnh
tranh lành mạnh, minh bạch hóa các chính sách pháp luật, quyền của các thành viên hành động khẩn cấp trong những trường hợp cần thiết, cắt giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan, giảm và loại bỏ các trở ngại khác nhằm khai thông thương mại, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất, đầu tư, thương mại và du lịch... phát triển một cách bền vững.
Nhằm góp phần hoàn thiện quản lý thuế nhập khẩu của ngành Hải quan nói chung và Chi cục HQCK cảng Vũng Áng nói riêng, luận văn đưa ra một số kiến nghị đối với Bộ Tài Chính, Tổng Cục Hải quan như sau:
- Sử dụng các biện pháp miễn thuế, giảm thuế và hoàn thuế phải bảo đảm hiệu quả kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, phù hợp với thông lệ quốc tế và hạn chế những sơ hở, dễ bị lợi dụng, gây thất thu cho ngân sách nhà nước:
+ Tuỳ theo mục tiêu điều chỉnh xuất nhập khẩu, cần có sự phân biệt theo tiêu chí các ngành nghề, địa bàn sản xuất, khu vực thị trường, nhóm sản phẩm xuất nhập để thực hiện miễn, giảm và hoàn thuế có hiệu quả thiết thực.
+ Miễn thuế thì cần tuỳ theo mục tiêu điều chỉnh mà có tiêu chí miễn thuế phù hợp. Ở nước ta hiện nay, cần áp dụng thuế suất 0% đối với hàng xuất khẩu để khuyến khích xuất khẩu; thực hiện miễn thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu để đầu tư phát triển, các mặt hàng công nghệ kỹ thuật cao, hàng viện trợ nhân đạo ( cho ytế, giáo dục)…nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu.
+ Giảm thuế là biện pháp trung gian có thể áp dụng cho một số trường hợp đặc biệt để thúc đẩy nhất thời một luồng hàng hóa cụ thể hoặc đối với một số Doanh nghiệp cụ thể.
+ Hoàn thuế chủ yếu áp dụng đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu. Để qui định rõ thời hạn được hoàn thuế Bộ Tài Chính cần có bổ sung hướng dẫn thời hạn cuối cùng được xét hoàn thuế. Hiện nay thông tư 59/2007/TT-BTC ngày 11/6/2007 chưa được qui định vấn đề nay dẫn đến việc chậm thanh khoản thuế, gây thất thu cho Ngân sách nhà nước.
- Từng bước cơ cấu lại các sắc thuế gián thu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, tiến tới nâng dần tỉ trọng thuế trực thu, giảm tỉ trọng thuế gián thu (đặc biệt là thuế nhập khẩu) trong cơ cấu thu NSNN, hạn chế tới mức thấp ảnh hưởng của việc cắt giảm thuế quan đối với thu NSNN.
Ở nước ta, trong cơ cấu thuế, thuế gián thu chiếm 46%, bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất - nhập khẩu; thuế trực thu chiếm 39%, bao gồm
thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, thuế tài nguyên, thuế nhà đất, thuế chuyển quyền sử dụng đất…; và các loại thu khác chiếm 15%. Do tỉ trọng thuế gián thu cao làm cho tăng chi phí đầu vào, đẩy giá thành sản phẩm lên cao làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trong điều kiện thực hiện Hiệp định thuế quan theo các cam kết với WTO, và các hiệp định cắt giảm thuế quan khác, nếu các thuế khác không thay đổi, việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu tỉ trọng các loại thuế. Hiện thuế nhập khẩu chiếm 25% tổng thu NSNN, nếu cắt giảm thuế này thì nguồn thu từ thuế nhập khẩu giảm đi, kéo theo sự thay đổi của tỉ trọng thuế gián thu trong tổng thu NSNN. Để đảm bảo tỉ trọng hợp lý giữa các loại thuế, cần tiến hành cơ cấu lại theo hướng tăng tỉ trọng thuế trực thu và giảm tỉ trọng thuế nhập khẩu và thuế gián thu trong tổng thu NSNN. Trong giai đoạn tới ở nước ta, cần cơ cấu lại nguồn thu từ thuế nội địa theo hướng tăng tỉ trọng thuế trực thu có thể thực hiện theo hướng mở rộng đối tượng và phạm vi áp dụng các hình thức thuế trực thu như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài sản và các loại thuế đất. Trong đó, mở rộng nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân và thuế đất có vị trí quan trọng. Hiện nay, nguồn thu NSNN từ thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với các nước trên thế giới (khoảng 3,4% tổng thu NSNN).