CỦA PHÉP THẾ LÂM THỜI TRONG VIỆC HÌNH THÀNH PHONG CÁCH TÁC GIẢ
2.2. Vai trò của phép thế trong việc hình thành phong cách tác giả
Như vậy, qua việc tìm hiểu phép thế được thể hiện như thế nào trong tác phẩm của hai nhà văn tiêu biểu trong dòng chảy văn xuôi Việt Nam hiện đại, ta có thể khẳng định được phép thế có một vai trò tương đối đắc lực trong việc hình thành phong cách nhà văn ở các khía cạnh: đề tài và đối tượng phản ánh,
– thời đại và bối cảnh xã hội mà tác giả sinh sống.
Về đề tài và đối tượng phản ánh, ta thấy mối quan tâm của Nam Cao và Nguyễn Huy Thiệp có những điểm khác nhau. Nam Cao là một đại diện tiêu biểu và xuất sắc của dòng văn chương hiện thực phê phán nên sự quan tâm của ông là cuộc sống khốn cùng và bế tắc của người dân ở nông thôn cũng như thành thị với hai tầng lớp cơ bản được nhà văn chú ý là nông dân và người trí thức. Đó là những kiếp người đang từng ngày từng giờ bị tha hóa, tủi nhục, bần cùng hóa, lưu manh hóa… Điều này được thể hiện một cách tương đối rõ nét qua nội dung ngữ nghĩa của các thế tố, hiện thân của phép liên kết thế lâm thời trải ra trong khắp các tác phẩm.
Với Nguyễn Huy Thiệp, ông là thế hệ nhà văn Việt Nam sống ở thời bình sau 1975 nên những quan tâm của ông có nhiều thay đổi. Văn chương Việt Nam thời kỳ sau 1975 có thể nói là trăm sông đổ về biển lớn, thu về một mối, không còn phải chia thành nhiều dòng, nhiều sự lựa chọn như văn chương của các thời kỳ trước. Vì lẽ đó, nhà văn hướng sự quan tâm của mình vào những giá trị vững bền, vĩnh cửu, mang tính nhân văn đẹp đẽ phù hợp với mọi xã hội, mọi thời và mọi đời. Đề tài và đối tượng phản ánh của Nguyễn Huy Thiệp trải rộng, kéo dài trong nhiều giai đoạn của lịch sử, bên cạnh đó, nhà văn muốn phản ánh một cách chân xác nhất dòng chảy ào ạt và tàn nhẫn của môt xã hội đương đại, khi đối xử giữa con người với con người đã có nhiều đổi thay. Vì lẽ đó mà các thế tố trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp mà chúng tôi thu được có một màu sắc khác hẳn với Nam Cao.
Về giọng điệu câu văn, câu văn của Nam Cao bộc lộ chất điển hình của một giọng điêu hiện thực phê phán. Lối tả rất khách quan, nghiệt ngã nhưng thực chất ẩn chứa bên trong là nỗi niềm đau đáu xót xa, là những chia sẻ vô bờ của một trái tim nhân đạo đối với những thân phận bị đọa đày đau khổ, những thân phận bế tắc không lối thoát. Còn với Nguyễn Huy Thiệp, giọng điệu câu văn cũng giàu chất hiện thực nhưng là hiện thực của thời kỳ đương đai nên câu
văn tối giản một cách cùng cực, điều này làm cho mạch văn, hơi văn đi thật nhanh, thật gấp gáp mà cũng vô cùng sống động.
Ngôn ngữ của mỗi tác giả cũng phản ánh chính môi trường văn hóa và thời đại mà họ sống. Có những từ ngữ ngoại lai, vay mượn chỉ có ở thời của Nam Cao, lại có những cách nói đậm đặc chất khẩu ngữ, dung tục chỉ xuất hiện ở thời kỳ sau của Nguyễn Huy Thiệp. Bên cạnh đó, chính trào lưu hoặc thi pháp mà mỗi tác giả theo đuổi cùng những sự quan tâm khác nhau đến đề tài, đối tượng phản ánh đã làm cho phong cách ngôn ngữ của mỗi tác giả mang những nét khác biệt điển hình