CỦA PHÉP THẾ LÂM THỜI TRONG VIỆC HÌNH THÀNH PHONG CÁCH TÁC GIẢ
2.1. Một vài nhận xét về xu hướng và cách thức sử dụng
Việc sử dụng các phép liên kết hình thức trong một văn bản nghệ thuật, trong đó có phép thế lâm thời là một điều tất yếu, có thể gặp trong tác phẩm của mọi nhà văn ở mọi thời. Việc có nhiều hay ít phép thế lâm thời chưa kết luận được tác phẩm có giá trị nhiều hay ít, nhà văn tài năng lớn hay trung bình, nhưng cũng có thể khái quát nên nhiều điều thú vị về phong cách mỗi nhà văn và những đặc điểm mang tính phổ niệm về thi pháp của truyện ngắn.
Quả vậy, nếu số lượng thế lâm thời trong mối quan hệ với các thành tố khác của tác phẩm theo kiểu của Nguyễn Huy Thiệp thì hệ quả là ta sẽ có được một phong cách ngôn ngữ văn xuôi với giọng điệu, màu sắc, kết cấu mang tính chất duy lí, phản ánh một xã hội đương đại đang trôi chảy với tốc độ nhanh, mạnh, con người sống với nhau ngày càng nhạt tình, thay vào đó là sự lợi dụng, thực dụng toan tính, mưu mô, xảo trá, dối lừa, vô cảm và thậm chí tàn nhẫn trước đồng loại.
Trái lại, cách thể hiện thế lâm thời trong tác phẩm của Nam Cao cho ta cảm nhận về một điệu hồn của lớp người xưa cũ, sống ở thời nửa đầu thế kỷ trước. Họ đối xử với nhau giàu lòng trắc ẩn, nhiều tình yêu thương hơn. Họ sợ sự tổn thương đến nguời khác, họ giàu lòng tự trọng hơn và biết nghĩ về các gía trị tinh thần hơn. Vì lẽ đó mà câu văn của Nam Cao hay đi đường vòng, mềm mại mà không đanh gọn, khô khốc như câu văn Nguyễn Huy Thiệp. Ta hình dung rằng, khi cùng nói về một vấn đề, Nam Cao sẽ diễn tả một cách gián tiếp, nói vòng nói tránh còn Nguyễn Huy Thiệp sẽ diễn tả một cách trực tiếp, nói thẳng băng thậm chí lạnh lùng.