Con thú lớn nhất đời mình

Một phần của tài liệu bước đầu tìm hiểu phép thế và phép thế lâm thời trong văn bản nghệ thuật (dựa trên cứ liệu của nam cao và nguyễn huy thiệp) (Trang 77)

CỦA PHÉP THẾ LÂM THỜI TRONG VIỆC HÌNH THÀNH PHONG CÁCH TÁC GIẢ

3.1.19.Con thú lớn nhất đời mình

Tôi cho rằng, đây là thế tố gợi nên nhiều niềm kinh dị nhất trong các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiêp. Thế tố dùng để nói về một lão thợ săn trong bản nhỏ Hua Tát, cả đời ước ao săn được con thú lớn vài tạ mà vẫn chưa bao giờ thành công. Lão sống cùng vợ một cách cô đơn, âm thầm, biệt lập bởi cả bản xa lánh vợ chồng lão. Rồi đến một năm tình hình săn bắn rất khó khăn, suốt ba tuần trăng lão chẳng kiếm được con gì. Lão đã gây nên một tai họa khi bắn nhầm vào vợ lão tay đang cầm bộ lông chim công. Và có lẽ sai lầm lại nối tiếp sai lầm khi lão quyết định dùng xác vợ làm mồi để săn con thú lớn nhất đời mình. Truyện kết thúc bằng chi tiết ba ngày sau người ta lôi xác lão ra khỏi bụi cây, một vết đạn xuyên qua trán lão. Tác giả kết truyện bằng câu: “Lão đã bắn được con thú lớn nhất đời mình”. Thế tố này có thể mang đến nhiều cách hiểu khác nhau cho mỗi người đọc. Về mặt nghĩa đen, đúng là lão đã săn đươc con thú lớn nhất đời mình – một sự săn được ngoài ý muốn. Nhưng ở một tư duy bề sâu, ta cảm thấy lão cũng chỉ là một nạn nhân của cuộc đời. Không có một chi tiết nào trong truyện nói với chúng ta rằng vợ chồng lão độc ác bất nhân với thế gian để mọi người xa lánh lão. Lí do khiến dân bản xa lánh chỉ được nhà văn nói một cách rất ngắn gọn là do họ “ghen tị và bất bình”. Việc lão phải bắn giết quá nhiều muông thú suy cho cùng cũng bởi nghề nghiệp quy định, lão cũng chỉ có một cách duy nhất để nuôi sống bản thân và vợ lão trong suốt bao năm. Việc bắn nhầm phải vợ cũng là một tai nạn nghề nghiệp ngoài ý muốn. Lão chỉ có một sai lầm duy nhất là đem xác vợ làm mồi nhử thú. Cái chết của lão mang đến hai cách hiểu: lại có một người thợ săn khác bắn nhầm phải lão hoặc lão tự bắn vào trán mình. Ở cách hiểu thứ nhất, nó cho ta suy nghĩ về những tai nạn bất đắc dĩ trong đời, xa hơn nữa là một sự báo ứng nghiệt ngã, một cái gì như là sự khắc nghiệt của đời sống. Ở cách hiểu thứ hai, nó cho ta suy nghĩ về sự ân hận, ăn năn, dày vò của lão. Lão chọn cách tự sát như con đường duy nhất để sám hối về sai lầm không thể cứu chữa của lão với vợ mình. Nếu lão không tự sát,

lão cũng có thể chết vì đói. Nhưng khép lại tất cả, thế tố “con thú lớn nhất đời mình” nói với ta về sự bất ngờ của đời sống. Sự bất ngờ ấy được nâng lên thành một biểu tượng, một thi pháo trong nhiều tác phẩm nghệ thuật đương đại. Cái bất ngờ đó không cần phải giải thích hoặc có muốn giải thích cũng không sao giải thích được. Đó chính là một màu sắc mới mẻ, riêng biệt, không bị nhòa lẫn với bất cứ thế tố nào khác của thế tố “con thú lớn nhất đời mình”.

Một phần của tài liệu bước đầu tìm hiểu phép thế và phép thế lâm thời trong văn bản nghệ thuật (dựa trên cứ liệu của nam cao và nguyễn huy thiệp) (Trang 77)