Cái thằng chó ấy, đồ ruồi nhặng và thằng ngu nhƣ chó

Một phần của tài liệu bước đầu tìm hiểu phép thế và phép thế lâm thời trong văn bản nghệ thuật (dựa trên cứ liệu của nam cao và nguyễn huy thiệp) (Trang 78)

CỦA PHÉP THẾ LÂM THỜI TRONG VIỆC HÌNH THÀNH PHONG CÁCH TÁC GIẢ

3.1.20.Cái thằng chó ấy, đồ ruồi nhặng và thằng ngu nhƣ chó

Ba thế tố này nằm trong ba truyện ngắn khác nhau của Nguyễn Huy Thiệp. Thế tố “cái thằng chó ấy” nằm trong truyện Chút thoáng Xuân Hương. Thế tố “đò ruồi nhặng” nằm trong truyện Không có vua. Thế tố “thằng ngu như chó” nằm trong truyện Chảy đi sông ơi. Ba thế tố này có đặc điểm giống nhau là cùng thể hiện một chất khẩu ngữ của thời hiện đại tương đối đậm đặc trong giọng văn của Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng ba thế tố này còn có điểm đặc biệt nữa là, khi mới quan sát, ta cảm tưởng những nhân vật được miêu tả bởi ba thế tố này đều là những nhân vật xấu, nhưng thực ra không phải. Thế tố “cái thằng chó ấy” nói về người chồng của thiếu phụ trên thuyền chở ngô, có thể tạm coi (bằng niềm tin) là thế tố này nói về một nhân vật phản diện. Nhưng thế tố “đò ruồi nhặng” để nói về Đoài qua lời lão Kiền (bố của Đoài) trong truyện Không có vua lại không hẳn thế. Theo tôi Đoài là một nhân vật không tốt nhưng cũng không xấu. Đây là một nhân vật nằm ở lớp trung gian, một biểu hiện mới của thi pháp hiện đại trong thủ pháp xây dựng nhân vật. Còn thế tố “thằng ngu như chó” để nói về nhân vật Tôi trong truyện ngắn Chảy đi sông ơi thì tuyệt nhiên Tôi là nhân vật chính diện, một nhân vật tốt, không có bất cứ sai lầm nào cả. Hoàn cảnh để nhân vật Tôi chịu nhận một danh xưng “thằng ngu như chó” chỉ là do câu nói có tính chất cửa miệng của ông chủ thuyền, không hề có tính chất hạ bệ uy tín và danh dự đối phương. Điều này thật khác với hai trường hợp còn lại, khi người phát ngôn lến tiếng mắng người nghe là “ruồi nhặng” và “chó” thì cũng đồng nghĩa với việc họ rất bất bình với đối tượng. Nhắc lại ba thế tố trên,

một lần nữa khẳng định về một bút pháp đậm chất khẩu ngữ và có nhiều nét mới trong xây dựng hình tượng nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp.

3.2. Tiểu kết

Có thể thấy, hệ thống các thế tố trong tác phẩm của hai nhà văn không chỉ có một hình thức ngữ pháp đa dang, phong phú mà chúng còn có vai trò quan trọng trong việc tạo ra những liên kết ngữ nghĩa, nói với chúng ta nhiều điều về gía trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, những đặc sắc của phong cách mỗi tác giả cũng như những đóng góp quan trọng vào dòng chảy văn học dân tộc của mỗi văn tài.

Nam Cao và Nguyễn Huy Thiệp sống vào hai thời kỳ xã hội khác nhau của Việt Nam, điều này dẫn đến những điểm xuất phát khác nhau rất căn bản của mỗi nhà văn như sự quan tâm về đề tài và đối tượng phản ánh, ngôn ngữ văn học của mỗi thời kỳ, sự thay đổi về thi pháp do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, thế giới quan và nhân sinh quan của mỗi nhà văn. Nhưng tựu trung lại, ta thấy Nam Cao và Nguyễn Huy Thiệp đều là những tài năng lớn, những tên tuổi lớn, thực sự là đại diện tiêu biểu cho hai thời kỳ khác nhau của nền văn xuôi Việt Nam. Nhìn về đóng góp và tài năng của hai tên tuổi trên qua lăng kính thế lâm thời, có thể nói hai tác giả đã biết tận dụng triệt để nhất giá trị và khả năng của phép liên kết này trong hành trình kết nối với nhiều đơn vị khác của mỗi tác phẩm để làm nên một chỉnh thể nghệ thuật

Ngữ có thể thấy là đơn vị cơ bản của thế lâm thời, là nòng cốt tạo nên hệ thống các thế tố. Hai đơn vị bậc dưới của ngữ (từ) và bậc trên của ngữ (câu) có vai trò góp phần thêm để tạo nên sự đa dạng trong các biểu hiện của thế tố. Điều này giải thích vì sao những đơn vị thế tố là một ngữ lại chiếm tỉ lệ cao nhất và tương đối tương đương nhau trong hệ thống các thế tố của Nam Cao và Nguyễn Huy Thiệp

Bên cạnh giá trị ngôn ngữ học, phong cách học mà hệ thống thế tố đem lại, ta còn nhận thấy ở các thế tố, một cách trực tiếp hay gián tiếp, còn chứa đựng những giá trị văn học sâu sắc, từ cả hai góc độ nội dung tư tưởng lẫn hình thức biểu hiện. Điều này thêm một lần nữa phản ánh tính chất liên ngành đầy hấp dẫn của đề tài nghiên cứu, là gợi mở quan trọng cho những công trình tiếp theo.

KẾT LUẬN

1. Ngôn ngữ học văn bản đã gợi ra nhiều hướng nghiên cứu thú vị mà những quan tâm đến liên kết hình thức trong văn bản là một hứa hẹn đây hấp dẫn. Việc nghiên cứu phép thế lâm thời qua các tác phẩm văn học của Nam Cao và Nguyễn Huy Thiệp là mở rộng phạm vi nghiên cứu một phép liên kết văn bản trong thế nghiên cứu liên ngành ngôn ngữ học văn bản – ngữ pháp học – phong cách học – văn học với nhiều đóng góp và phát hiện mới mẻ về sự liên quan chặt chẽ giữa tính đa dạng ngữ pháp của tác phẩm với phong cách ngôn ngữ tác giả, giọng điệu văn chương của mỗi tác giả. Nếu như tiếp tục mở rộng phạm vi khảo sát tư liệu ra nhiều tác giả khác chắc chắn sẽ có thêm những kết quả mới, bổ sung cho những nhận định bước đầu của luận văn này.

2. Những thế tố trong tác phẩm văn học của hai nhà văn có tính đa dạng cao về hình thức, biên độ dung lượng giãn nở. Trong mỗi trường hợp của hình thức ngữ pháp của thế tố, sự đóng góp về nội dung ngữ nghĩa, sắc thái biểu cảm cũng theo đó mà khác nhau. Phép thế lâm thời với sự hiện diện của các thế tố vẫn có liên hệ chặt chẽ với các phép liên kết hình thức khác trong tác phẩm như phép lặp, phép liên tưởng, phép tuyến tính, phép đối, phép thế đại từ. Tuy nhiên, phép thế lâm thời đã khẳng định được vai trò đặc thù và không thể thay thế của mình, hỗ trợ đắc lực cho việc tạo ra một câu văn sống động, giàu liên tưởng và rộng mở, tránh đi sự nhàm chán và lặp lại.

3. Phép thế lâm thời cùng sản phẩm của nó là các thế tố đã chỉ ra nhiều nội dung ngữ nghĩa đặc sắc trong gia tài văn học của mỗi nhà văn. Việc sử dụng phép thế lâm thời khác nhau dẫn tới một sự tương ứng là hai nhà văn có hai lối hành văn khác nhau, ngôn ngữ và giong điệu khác nhau, khả năng biểu cảm khác nhau, đề tài quan tâm và phản ánh khác nhau. Nhưng chính sự khác biệt đó đã làm nên sự đa dạng và phong phú của vẻ đẹp của văn bản nghệ thuật.

4. Nam Cao và Nguyễn Huy Thiệp là hai tên tuổi văn xuôi lớn trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Văn tài và sự cống hiến của mỗi người là quá rõ ràng, nhưng trong trường hợp này, chúng tôi thử làm một cuộc thử nghiệm khi nhìn tài năng và phong cách của hai ông qua một lăng kính thật nhỏ nhắn theo phương pháp nghiên cứu trường hợp (case study): lăng kính thế lâm thời. Giống như câu ngạn ngữ của muôn đời: “Mọi con đường đều dẫn đến thành Roma”, chân dung của mỗi nhà văn, giọng điệu và ngôn ngữ của từng tác giả cho đến nhân sinh quan – thế giới quan chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ môi trường xã hội mà nhà văn sinh sống đã lần lươt hiện lên một cách sáng tỏ, góp phần khẳng định mạnh mẽ hơn nữa về vị trí và tầm cỡ của hai tên tuổi này. Từ đây, chúng tôi tin rằng nhiều công trình nghiên cứu về liên kết văn bản sẽ được mở rộng ra trên nhiều góc độ, tạo thêm một hướng đi thú vị cho những ai say mê tìm tòi và dám dấn thân trên con đường nghiên cứu và sáng tạo.

Một phần của tài liệu bước đầu tìm hiểu phép thế và phép thế lâm thời trong văn bản nghệ thuật (dựa trên cứ liệu của nam cao và nguyễn huy thiệp) (Trang 78)