Nguyên tắc tìm gia đình thay thế cho trẻ em

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi qua thực tiễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 71)

7. Kết cấu của luận văn

2.3.1 Nguyên tắc tìm gia đình thay thế cho trẻ em

Tìm gia đình thay thế cho trẻ em là một yêu cầu bắt buộc trong hoạt động nuôi con nuôi quốc tế, vấn đề được đưa ra bàn bạc từ những năm 60 của thế kỷ trước. Tại Hội nghị Leysin, các nước tham dự cho rằng “trước khi đưa một trẻ em ra khỏi môi trường của nước mình cần nghiêm túc xem xét những khả năng hiện có tại chính đất nước của trẻ em”. Các nước Châu Âu đưa ra nguyên tắc này vào những năm 60 nhằm tăng cường số lượng trẻ em được nhận làm con nuôi trong nước [9]. Nguyên tắc này được hiểu như là các biện pháp được tiến hành trong nước nhằm giúp cho trẻ em được nuôi dưỡng trong môi trường thích hợp nhất tại nước gốc của mình như đỡ đầu, nhận chăm sóc trẻ, giao trẻ vào gia đình hoặc cơ sở nuôi dưỡng hoặc nuôi dưỡng tạm thời. Công ước Lahay 1993 đưa ra nguyên tắc bổ trợ một cách “mềm dẻo” hơn với yêu cầu nước gốc phải tiến hành mọi biện pháp thay thế trước khi cho trẻ em làm con nuôi quốc tế, và công nhận rằng con nuôi quốc tế tạo ra cho trẻ em một môi trường gia đình bền vững và lâu dài cho trẻ em khi không tìm được gia đình thích hợp ở trong nước gốc của trẻ. Cho đến nay các nước thành viên của Công ước

65

Lahay 1993 đều tuân thủ nguyên tắc bổ trợ trong hoạt động nuôi con nuôi quốc tế. Pháp luật của một số nước gốc là thành viên của Công ước Lahay 1993 đều đưa ra thời hạn phải tuân thủ khi tiến hành biện pháp tìm gia đình thay thế trong nước như: Belarut chỉ giải quyết cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài sau 6 tháng kể từ khi trẻ em có quyết định tiếp nhận vào cơ sở nuôi dưỡng; ở Nga Bộ luật gia đình quy định Chính phủ tập trung danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế, danh sách đó được đăng 2 tháng ở cấp địa phương và vùng, ở cấp Trung ương danh sách trẻ em đó được lưu giữ trong nhiều tháng; ở Ấn Độ thời gian tìm gia đình cha mẹ nuôi trong nước là 2 tháng trước khi giải quyết cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài [9].

Nguyên tắc tìm gia đình thay thế cho trẻ em từng được quy định trong Thông tư số 08/2006/TT-BTP và tiếp tục được quy định rõ hơn tại Điều 15 Luật Nuôi con nuôi. Mục đích cơ bản của nguyên tắc này là tạo cơ hội tối đa để đem lại cho trẻ em mái ấm gia đình trong nước. Trường hợp trẻ em không được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình gốc thì cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em đó. Thủ tục này là một bước tiến quan trọng trong quy định pháp luật về nuôi con nuôi ở Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam tham gia Công ước LaHay về nuôi con nuôi thì thủ tục này là một thủ tục bắt buộc trước khi tiến hành các thủ tục giải quyết cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài. Một thời gian dài Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến nguyên tắc ưu tiên nuôi con nuôi trong nước.

Cho dù trước đây chúng ta chưa thực sự quan tâm đến nguyên tắc ưu tiên tìm gia đình thay thế ở trong nước trước khi cho trẻ làm con nuôi nước ngoài nhưng vì đặc thù văn hóa, phong tục Việt Nam nên việc cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài thường ít hơn so với trẻ em được cho làm con nuôi trong nước. Theo tổng hợp báo cáo số liệu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 68/2002/NĐ-CP, thống kê từ năm 2003 đến năm 2007

66

thì số trẻ em được nhận làm con nuôi trong nước là 13.748 trẻ, số trẻ em được nhận làm con nuôi nước ngoài là 5.687 trẻ. Riêng tại tỉnh Thừa Thiên Huế theo số liệu thống kê từ năm 2001 đến năm 2011 thì số trẻ em được nhận làm con nuôi trong nước là 139 trẻ, số trẻ em được nhận làm con nuôi người nước ngoài là 35 trẻ.

Tuy nhiên cũng cần phải nhìn nhận rằng do từ trước đến nay chúng ta chưa thực hiện tốt nguyên tắc này nên vô tình đã làm giảm cơ hội trẻ em được người trong nước nhận nuôi.

2.3.2 Các biện pháp tìm gia đình thay thế cho trẻ em

Trong việc thực hiện các biện pháp tìm gia đình thay thế theo Điều 15 Luật Nuôi con nuôi thì yêu cầu đặt ra là:

- Xác định và lập danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế

Việc trẻ em phải sống trong các cơ sở nuôi dưỡng chỉ là tạm thời và cần phải rút ngắn thời gian này để tìm gia đình thay thế. Các cơ sở nuôi dưỡng trẻ phải thường xuyên và nắm chắc danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế. Trong việc tìm gia đình thay thế cần xem xét cả hai khía cạnh: hoàn cảnh xã hội và hồ sơ pháp lý của trẻ. Theo Điều 6 Nghị định số 19/2011/NĐ- CP thì danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế trong nước phải có ý kiến phê duyệt của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội trước khi chuyển cho Sở Tư pháp, quy định này nhằm đề cao vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương và thống nhất tập trung một đầu mối trong việc xét duyệt danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ nắm được số lượng trẻ em cần tìm gia đình thay thế trên phạm vi toàn tỉnh, toàn quốc. Trên cơ sở đó có thể đề xuất ban hành các chính sách quản lý phù hợp.

- Thông báo danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế tại địa phương và trên toàn quốc

67

Việc lập danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế là cần thiết nhằm thực hiện nguyên tắc ưu tiên tìm gia đình trong nước cho trẻ em trước khi bắt đầu các thủ tục giải quyết cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.

Trong thời hạn 60 ngày Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế tại tỉnh, nếu không có người nhận, Sở tư pháp chuyển danh sách cho Cục Con nuôi để Cục tiến hành thủ tục tìm cha mẹ nuôi trong nước trên phạm vi toàn quốc. Điều đó không có nghĩa là cố gắng làm mọi thủ tục cho xong và để dành trẻ em để cho làm con nuôi nước ngoài, mà phải xác định việc tìm gia đình thay thế trong nước cho trẻ em phải được tiến hành một cách chủ động, tích cực từ phía các cơ quan nhà nước, tránh hình thức.

- Quản lý danh sách trẻ em cần tìm gia đình cha, mẹ nuôi trong nước

Đây là một nhiệm vụ mới được quy định trong Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 19/2010/NĐ-CP, giao trách nhiệm cho Sở Tư pháp và Bộ Tư pháp trong việc quản lý danh sách trẻ cần tìm gia đình thay thế. Một trong những khó khăn trong việc quản lý danh sách này chính là thiết lập hệ thống dữ liệu trẻ em không được cha mẹ chăm sóc, bảo vệ cũng như sự biến động của trẻ em trong danh sách vì nhiều lý do như: trẻ đã được nhận làm con nuôi, trẻ được đoàn tụ gia đình, trẻ bị chết… Do đó cần sự nỗ lực trong sự phối hợp thường xuyên giữa các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Mặc dù Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP đã quy định rất cụ thể về phương pháp, cách thức thực hiện các biện pháp tìm gia đình thay thế cho trẻ em, nhưng thực tế thực hiện lại là một vấn đề cần phải xem xét lại. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, sau khi Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP có hiệu lực, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị thực hiện trên địa bàn tỉnh, giao trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị thực hiện

68

các nhiệm vụ cụ thể, trong đó giao cho Sở Lao động- Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở nuôi dưỡng báo cáo định kỳ danh sách trẻ em đang nuôi dưỡng tại về Sở Tư pháp. Sở Tư pháp cũng đã có công văn đốc thúc, nhưng cho đến nay Sở Tư pháp vẫn chưa nhận được danh sách các trẻ em cần tìm gia đình thay thế.

Công tác tham mưu quản lý về mặt nhà nước đối với các cơ sở nuôi dưỡng, từ thiện trong toàn tỉnh hiện nay còn nhiều điều bất cập. Ví dụ: trường hợp tổ ấm Bình Minh tại Thuận An, Phú Vang, Thừa Thiên Huế có nuôi một số trẻ và được cho làm con nuôi, nhưng khi tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật thì không đảm bảo cơ sở pháp lý do việc thành lập tổ chức này có nhiều vấn đề chưa rõ ràng. Khi hỏi các cơ quan chức năng như: Sở Lao động- Thương binh và Xã hội; Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội; UBND huyện; UBND xã thì mọi người đều không biết và cho rằng không thuộc thẩm quyền quản lý của mình. Trao đổi với cán bộ có thẩm quyền của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh về danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế cũng như danh sách trẻ em đang sống trong các cơ sở nuôi dưỡng trên toàn tỉnh hiện nay thì chỉ nhận được câu trả lời là chưa có. Qua đó thể hiện sự lơi lỏng trong thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung và việc nuôi con nuôi nói riêng.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế về bảo vệ trẻ em thì cần phải rút ngắn nhất thời gian trẻ em sống trong các cơ sở nuôi dưỡng và sớm tìm cho trẻ em một môi trường gia đình thay thế. Do đó, Luật Nuôi con nuôi quy định các biện pháp, trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em là hoàn toàn phù hợp. Người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng phải ý thức được điều này, phải nắm chắc danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế. Nhưng dường như người đứng đầu của các cơ sở nuôi dưỡng tại Thừa Thiên Huế chưa nhận thức rõ được vấn đề này nên đã không chủ động, tích cực trong việc lập danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế.

69

Với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế- xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế có thể sẽ có nhiều trẻ em cần được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình. Nếu không lập được danh sách trẻ em cần tìm gia đình nuôi dưỡng thì những trẻ em này sẽ không thể có cơ hội được sống trong môi trường gia đình.

Do các tổ chức nuôi dưỡng chưa lập được danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế trên toàn tỉnh, nên UBND tỉnh cần ban hành văn bản chỉ đạo cho các cơ quan chức năng có biện pháp tích cực, thậm chí phải áp dụng chế tài để yêu cầu các tổ chức nuôi dưỡng thực hiện nhiệm vụ này.

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi qua thực tiễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 71)