Vấn đề nuôi con nuôi thực tế mà chưa đăng ký

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi qua thực tiễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 108)

7. Kết cấu của luận văn

3.1.4 Vấn đề nuôi con nuôi thực tế mà chưa đăng ký

Trên thực tế tại tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều quan hệ nuôi con nuôi được xác lập, nhưng lại không đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tình trạng nuôi con nuôi không đăng ký không chỉ phổ biến tại các vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số mà còn có cả ở vùng nông thôn, thậm chí ngay cả ở thành phố. Toàn tỉnh hiện chưa có một cuộc khảo sát, báo cáo thống kê đầy đủ, toàn diện về số lượng nuôi con nuôi thực tế mà chưa đăng ký. Tuy nhiên

102

chúng tôi nắm số liệu trên sự theo dõi và trao đổi nghiệp vụ từ các cán bộ tư pháp các xã/phường/thị trấn và từ thực tế, được biết có khoảng 15 trường hợp nuôi con nuôi. Trong đó:

Tại huyện Phú Vang : 09 trường hợp Thành phố Huế : 03 trường hợp Tại huyện Quảng Điền : 02 trường hợp Tại huyện Hương Thủy : 01 trường hợp

Và nhiều trường hợp khác đang thực tế tồn tại nhưng chúng tôi không có đủ thời gian và điều kiện nên chưa tiến hành khảo sát một cách đầy đủ và khoa học.

Con nuôi thực tế xuất phát từ một thực tiễn là có nhiều trường hợp, vì những lý do chủ quan và khách quan, trẻ đã được nhận nuôi, sau một thời gian dài gắn bó, giữa người nuôi và người được nuôi đã phát sinh quan hệ tình cảm và muốn đăng ký việc nuôi con nuôi để được pháp luật công nhận, nhưng gặp nhiều trở ngại do không có đầy đủ thủ tục và điều kiện theo quy định của pháp luật.

Trường hợp cháu Đặng Hóa, 5 tuổi, đã được ông bà Đặng V, cư trú tại xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế xin từ tổ ấm Bình Minh thuộc thị trấn Thuận An mang về nuôi từ khi mới lọt lòng mà không làm bất cứ thủ tục gì. Nay ông bà Đặng V muốn đăng ký khai sinh và làm thủ tục đăng ký nuôi con nuôi thì gặp nhiều trở ngại. Do UBND xã Phú Mỹ không xác định được nguồn gốc của trẻ và tổ ấm Bình Minh không đủ điều kiện để giao con nuôi…

Cháu Hoàng Ngọc K, sinh năm 2001, bị bỏ rơi tại phường Phú Hiệp, Huế, được ông bà Hoàng Ngọc H nhặt về nuôi từ năm 2001. Hiện cháu K đang ở với ông bà H tại xã Phú Thượng, Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Ông bà H nuôi cháu K đã hơn 10 năm nhưng không tiến hành làm bất cứ thủ tục gì

103

mà chỉ khai báo miệng tạm thời để cháu K được đi học. Nay nhà trường yêu cầu cháu K phải có giấy khai sinh để bổ sung vào hồ sơ để cấp giấy chứng nhận học xong chương trình tiểu học. Ông bà H mới đến UBND xã Phú Thượng để làm thủ tục khai sinh cho con. Được sự hướng dẫn của cán bộ tư pháp xã Phú Thượng, ông bà H mới biết việc mình nhận nuôi con nuôi bấy lâu nay chưa được pháp luật công nhận.

Do ảnh hưởng của đời sống kinh tế khó khăn với 619.972/1.090.900 người sinh sống ở vùng nông thôn, sống chủ yếu bằng nghề nông, ngư nghiệp với những phong tục tập quán, truyền thống tín ngưỡng là yếu tố luôn gắn bó chặt chẽ với đời sống của nhân dân, thì vấn đề nuôi con nuôi thực tế mà không đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền là hiện tượng khá phổ biến. Những quan hệ nuôi con nuôi này được xã hội, cộng đồng thừa nhận, các bên đã thực hiện quyền và nghĩa vụ của quan hệ cha mẹ và con trên thực tế.

Xuất phát từ cách nghĩ đơn giản, nhiều người nhận con nuôi chỉ với mục đích bù đắp cho trẻ khỏi bị thiệt thòi do mồ côi, bị bỏ rơi hoặc cha mẹ đẻ quá nghèo… mà họ không nghĩ rằng phải thực hiện việc đăng ký thì mới được pháp luật công nhận. Mặt khác, rất ít người nhận thức được rằng khi quan hệ nuôi con nuôi của họ không được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì quan hệ nuôi con nuôi không được pháp luật công nhận và không làm phát sinh những hệ quả pháp lý giữa cha mẹ nuôi với con nuôi, khi xảy ra tranh chấp sẽ không được pháp luật bảo vệ.

Xét trên khía cạnh pháp lý thì việc nuôi con nuôi không đăng ký đã để lại những hệ quả pháp lý khá phức tạp, đặc biệt là phát sinh những vấn đề về quyền nhân thân và tài sản. Với những trường hợp đã xác lập quan hệ nuôi con nuôi giữa cha mẹ nuôi và con nuôi nhưng không đăng ký, đến một thời điểm nhất định nào đó khi phát sinh các mối quan hệ như: đại diện cho con,

104

bồi thường thiệt hại cho con, thừa kế.... thì các bên mới đi đăng ký với mong muốn được pháp luật thừa nhận quan hệ nuôi con nuôi của họ.

Để bảo vệ quyền lợi của các bên trong quan hệ nuôi con nuôi, Điều 50 Luật Nuôi con nuôi có quy định việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước ngày 01/01/2011 thì sẽ được đăng ký trong thời hạn 05 năm nếu các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi, giữa người nhận nuôi và người được nhận làm con nuôi có quan hệ cha mẹ con và có sự chăm sóc, nuôi dưỡng nhau nhưng việc nuôi con nuôi chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là một giải pháp quá độ cần thiết ổn định xã hội, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích các bên trong quan hệ cha mẹ và con trong gia đình, hạn chế những tranh chấp xảy ra.

Theo quy định của Luật Nuôi con nuôi, để được đăng ký thì việc nuôi con nuôi thực tế này phải thoả mãn một số điều kiện như: các bên phải có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi; quan hệ cha mẹ và con giữa các bên vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống; giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con. Như vậy, nếu thiếu một trong các điều kiện này thì cũng không thể đăng ký được hoặc nếu một trong hai bên đã chết thì cũng không thể đăng ký được. Nghị định số 19/2011/NĐ-CP cũng đưa ra một quy trình khá đơn giản, có tính khả thi cao để làm cơ sở cho việc đăng ký nuôi con nuôi thực tế. Tuy nhiên để xác định được vào thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi các bên có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật không thì cũng cần phải xem xét, bàn luận thêm. Bởi hầu hết các trường hợp đăng ký nuôi con nuôi thực tế xảy ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế để xác định các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của

105

pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi là quá khó khăn đối với các cán bộ tư pháp – hộ tịch, do thời điểm, địa điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi đã quá lâu và khó xác định. Lý do trẻ được nhận từ địa phương khác đến hoặc trẻ bị bỏ rơi tại các cơ sở nuôi dưỡng không chính thống, không đủ cơ sở pháp lý để thực hiện việc cho nhận trẻ. Tại Thừa Thiên Huế có một số tổ chức nuôi dưỡng thuộc các tổ chức tôn giáo, khi tiếp nhận trẻ vào các tổ chức này đã không thực hiện đúng quy định pháp luật. Sau đó các trẻ này được cho làm con nuôi của những gia đình thuộc thành viên của tôn giáo đó. Những trường hợp này hầu hết không đảm bảo về điều kiện tại thời điểm phát sinh, nhưng thực tế quan hệ nuôi con nuôi vẫn đang tồn tại, không trái với mục đích của việc nuôi con nuôi và đạo đức xã hội. Giữa người nhận nuôi và người được nhận nuôi có mong muốn thiết lập quan hệ cha mẹ và con, đồng thời các bên thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con đối với nhau để xây dựng một gia đình thật sự.

Có thể kể đến một số trường hợp như: Gia đình ông Đinh Quốc D và bà Phạm Thị D đã xin một cháu trai từ Tổ ấm Bình Minh năm 2009 làm con nuôi và nuôi dưỡng cháu bé từ đó cho đến nay, điều đáng lưu ý ở đây là các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật vào thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi hay không. Nghĩa là vào năm 2009 Tổ ấm Bình Minh có đủ tư cách pháp lý để cho trẻ làm con nuôi ông bà D hay không? Nếu Tổ ấm Bình Minh hông đủ tư cách pháp lý để cho làm con nuôi thì trường hợp này có được công nhận là con nuôi thực tế hay không?

Hoặc trường hợp của ông Lê văn H và bà Hồ Thị T kết hôn với nhau gần 10 năm không có con, năm 2010 ông bà tình cờ gặp bà P mới sinh con nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên viết giấy tay đồng ý cho con làm con nuôi hai vợ chồng ông bà H rồi bỏ đi đâu không ai biết. Ông bà H đưa trẻ ra Huế nuôi từ năm 2010 đến nay muốn đăng ký nuôi con nuôi thì cán bộ tư pháp -

106

hộ tịch không biết thực hiện như thế nào, áp dụng quy định về nuôi con nuôi thực tế hay đăng ký nuôi con nuôi bình thường, đồng thời rất khó xác định nguồn gốc trẻ do không thể tìm lại được mẹ đẻ của trẻ.

Thực tế được đặt ra là nếu các trường hợp nuôi con nuôi thực tế mà chưa đăng ký khi thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi theo quy định thì quá trình xác minh, điều tra về nguồn gốc trẻ, điều kiện nuôi con nuôi vào thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi được tiến hành như thế nào? Nếu nguồn gốc, điều kiện đó không đảm bảo thì có thực hiện việc đăng ký không, khi mà các bên thực tế đang có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con. Vấn đề vướng mắc bất cập nhất khi áp dụng thực hiện đó là chứng minh các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi. Do đó, cán bộ tư pháp – hộ tịch đang mong chờ một kế hoạch, một hướng dẫn cụ thể từ cơ quan có thẩm quyền theo hướng công nhận các quan hệ nuôi con nuôi thực tế đang diễn ra mà hiện tại các bên có đủ điều kiện theo luật định chứ không phụ thuộc vào điều kiện tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi.

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi qua thực tiễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 108)