Đăng ký nuôi con nuôi tại cơ quan có thẩm quyền

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi qua thực tiễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 65)

7. Kết cấu của luận văn

2.2.4 Đăng ký nuôi con nuôi tại cơ quan có thẩm quyền

So với các quy định của Luật HN&GĐ năm 2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi trong Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP được quy định đầy đủ và chặt chẽ hơn, bảo đảm về tình trạng nhân thân, về điều kiện của người nhận và người được nhận theo hướng lựa chọn cha mẹ nuôi có phẩm chất đạo đức tốt, có khả năng giáo dục con cái, có điều kiện vật chất và sức khỏe để nhận con nuôi, nhưng vẫn bảo đảm đơn giản hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi được quy định tại Luật Nuôi con nuôi và cụ thể hóa tại Nghị định số 19/2011/NĐ-CP. Về cơ bản, các quy định về thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi vẫn kế thừa các quy định pháp luật về nuôi con nuôi trước đây, cụ thể như sau:

59

2.2.4.1 Thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước

Khoản 1 Điều 9 của Luật Nuôi con nuôi quy định UBND cấp xã nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận nuôi đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước. Như vậy, theo quy định này thì người nhận con nuôi có thể nộp hồ sơ xin nhận con nuôi tại UBND cấp xã của một trong hai nơi.

Đối với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi chưa được chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng và chưa đăng ký hộ khẩu thường trú, thì theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP, UBND cấp xã nơi lập biên bản xác lập nhận trẻ em bị bỏ rơi có thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi. Đối với trường hợp trẻ em đang sống tại cơ sở nuôi dưỡng thì UBND cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng có thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi.

Để tạo thuận lợi cho việc đăng ký nuôi con nuôi, riêng đối với trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ/chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác, ruột nhận cháu làm con nuôi hoặc có sự thỏa thuận của người nhận con nuôi với cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của người được nhận làm con nuôi, thì việc nuôi con nuôi được đăng ký tại UBND cấp xã nơi thường trú của người nhận con nuôi.

Những quy định của Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 19/2011/NĐ- CP so với các quy định tại Luật HN&GĐ và Nghị định số 158/2005/NĐ-CP được quy định đầy đủ và chặt chẽ hơn về tình trạng nhân thân và điều kiện của người nhận con nuôi. Thực tế giải quyết việc nuôi con nuôi ở trong nước tại Thừa Thiên Huế nhiều năm qua cho thấy, vấn đề tồn tại là thiếu việc đánh giá các điều kiện để nuôi con nuôi đối với người nhận con nuôi. Hầu hết người nhận nuôi đã có sự lựa chọn con nuôi trước và đã có một khoảng thời gian nuôi trẻ rồi sau đó mới đi đăng ký việc nuôi con nuôi, do đó, UBND cấp xã thực hiện đăng ký nuôi con nuôi luôn chứ không cần xác minh người nhận

60

con nuôi có đủ điều kiện về sức khỏe, chỗ ở, kinh tế, đạo đức tốt bảo đảm việc nuôi con nuôi.

Về thời hạn giải quyết việc nuôi con nuôi là 30 ngày, kể từ ngày UBND cấp xã nhận đủ hồ sơ hợp lệ, so với Nghị định số 158/2005/NĐ-CP trước đây quy định thời hạn giải quyết là 05 ngày, nếu cần xác minh thì thời hạn kéo dài thêm không quá 05 ngày. Do trước đây việc giải quyết nuôi con nuôi trong nước chỉ đơn giản là công nhận việc nuôi con nuôi, Cán bộ tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký việc nuôi con nuôi và Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi (Khoản 3 Điều 27 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP). Nay Luật Nuôi con nuôi quy định UBND cấp xã phải có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, lấy ý kiến của cha mẹ trẻ em, người giám hộ và bản thân trẻ em (đối với trẻ em từ 9 tuổi trở lên). Đây là thủ tục bắt buộc, sau đó mới tiến hành đăng ký việc nuôi con nuôi và tổ chức giao nhận con nuôi. Như trước đây thời hạn giải quyết việc nuôi con nuôi là 05 ngày thì không đủ thời gian để tiến hành các công việc cần thiết, đảm bảo sự chặt chẽ, chính xác, đúng mục đích trong việc đăng ký nuôi con nuôi. Luật Nuôi con nuôi giao cho công chức tư pháp hộ tịch trách nhiệm phải nghiên cứu, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh của những người liên quan. Trường hợp người được nhận làm con nuôi có cha mẹ đẻ thì công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra việc cha mẹ đẻ có thỏa thuận với cha mẹ nuôi để giữ lại quyền, nghĩa vụ đối với con và cách thức thực hiện quyền, nghĩa vụ đó sau khi đã cho làm con nuôi. Tuy nhiên theo ý kiến của một số cán bộ tư pháp- hộ tịch tại Thừa Thiên Huế, để thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả nhiệm vụ này đối với họ rất khó khăn bởi nhiệm vụ được giao cho cán bộ tư pháp- hộ tịch quá nhiều, trước đây ý chí của các bên cha mẹ đã được thể hiện trong Giấy thỏa thuận, việc kiểm tra, xác minh chủ yếu tập trung vào việc xác minh nguồn gốc của trẻ, nay đòi hỏi cán bộ tư pháp-hộ tịch phải thực hiện lấy ý kiến của những người liên quan, tư vấn cho họ về mục

61

đích, các quyền, nghĩa vụ phát sinh sáu khi thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi… trong khi đó cán bộ tư pháp-hộ tịch cấp xã không được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng này. Đồng thời việc lấy ý kiến của các bên cũng gặp khó khăn nhất là đối với những đứa trẻ là con ngoài giá thú hoặc cha mẹ đã ly hôn, do người kia không tích cực hợp tác trong quá trình bố trí thời gian để cán bộ tư pháp-hộ tịch lấy ý kiến.

Luật Nuôi con nuôi cũng quy định cụ thể, chi tiết hơn về việc cho nhận con nuôi, giúp cho các bên xác định rõ các quyền và nghĩa vụ của mình. Pháp luật cũng quy định việc sau khi đăng ký việc nuôi con nuôi, cha, mẹ nuôi có nghĩa vụ 6 tháng 1 lần thông báo tình hình phát triển của trẻ cho UBND cấp xã nơi họ thường trú về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của con nuôi với cha mẹ nuôi, gia đình, cộng đồng. Tuy nhiên thực tế tại tỉnh Thừa Thiên Huế từ trước đến nay quy định này hầu như không được cha mẹ nuôi trong nước thực hiện do nhận thức và phong tục tập quán của người Việt Nam là muốn che dấu thông tin về việc nuôi con nuôi, không muốn mọi người và con nuôi biết việc nuôi con nuôi. Vì vậy dẫn đến thực trạng là các cơ quan có thẩm quyền không thể phối hợp quản lý và đánh giá việc thực hiện nuôi con nuôi có đảm bảo đúng mục đích, để có biện pháp can thiệp kịp thời khi có sự vi phạm về nuôi con nuôi hoặc cha mẹ nuôi có hành vi hành hạ, xâm hại đến con nuôi.

2.2.4.2 Đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài

Theo Điều 31 Luật Nuôi con nuôi thì hồ sơ xin nhận con nuôi của người nước ngoài thường trú ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi theo Luật Nuôi con nuôi về cơ bản cũng giống như hồ sơ xin nhận nuôi con nuôi trong nước và không thay đổi nhiều so với quy định pháp luật về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trước đây. Ngoài ra còn quy định thêm hai loại giấy tờ cần phải có đối với

62

hồ sơ của trẻ em được giới thiệu làm con nuôi là: văn bản về đặc điểm, sở thích, thói quen đáng lưu ý của trẻ em và tài liệu chứng minh đã thực hiện việc tìm gia đình thay thế trong nước cho trẻ em nhưng không thành. Đây là quy định hoàn toàn mới so với Nghị định số 68/2002/NĐ-CP và Nghị định số 69/2006/NĐ-CP trước đây, do chưa có cơ chế bảo đảm quyền ưu tiên nuôi con nuôi trong nước, chưa quan tâm đến việc thu xếp mái ấm cho trẻ ở trong nước, tạo kẽ hở để cho trẻ làm con nuôi nước ngoài mà một số tỉnh đã lợi dụng việc này để cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài để trục lợi.

Việc cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài là vấn đề cực kỳ hệ trọng, nó liên quan đến số phận một con người sẽ phải sống xa quê hương, đất tổ của mình. Một quyết định không được cân nhắc kỹ lưỡng, thiếu chính xác, một nhận thức không đúng về vấn đề nuôi con nuôi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích cơ bản của trẻ.

Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP khẳng định trách nhiệm của cơ quan nhà nước mà cụ thể là Sở Tư pháp trong việc kiểm tra, thẩm định hồ sơ của trẻ em và xác nhận việc trẻ em có đủ điều kiện để cho làm con nuôi nước ngoài. Đối với những trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì phải có cơ quan công an cấp tỉnh xác minh, trước khi được Sở Tư pháp xác nhận có đủ điều kiện cho làm con nuôi nước ngoài. Việc xác nhận trẻ em đủ điều kiện cho làm con nuôi nước ngoài do Sở tư pháp thực hiện đối với từng trường hợp, bảo đảm trẻ em đáp ứng đủ các yêu cầu về độ tuổi, đối tượng theo quy định của pháp luật.

Về cơ bản, điều kiện của người nước ngoài xin nhận con nuôi vẫn kế thừa các quy định hiện hành. Về nguyên tắc, người xin nhận con nuôi phải thường trú ở những nước là thành viên của điều ước quốc tế hợp tác về nuôi con nuôi với Việt Nam và đáp ứng đủ các điều kiện nuôi con nuôi theo Luật Nuôi con nuôi, cũng như pháp luật của nước ngoài hữu quan.

63

Chúng ta có thể thấy thủ tục giải quyết cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi nước ngoài đã có sự thay đổi cơ bản, đặc biệt là về trình tự giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài. Tuy nhiên, để thực hiện đúng trình tự thì bên nhận nuôi phải đi lại nhiều lần, nhất là đối với những trường hợp cha dượng, mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi. Ví dụ: trường hợp ông P, người Anh nhận cháu Tiến là con riêng của vợ làm con nuôi, ông đã phải từ Anh về Việt Nam ít nhất 04 lần mới hoàn tất: lần thứ nhất để nộp hồ sơ, lần thứ 2 để lập và nộp hồ sơ của trẻ, lần 3 để được lấy ý kiến và lần thứ 4 để tổ chức giao nhận con nuôi. Ông P đã rất bức xúc bởi thực tế ông đã kết hôn với mẹ cháu Tiến từ lâu và đã nuôi dưỡng cháu Tiến từ khi còn rất nhỏ, hiện cả gia đình đang sống ở Anh, mỗi khi đi lại cả gia đình đều phải đi. Ông P cho rằng nếu như trước đây thì ông chỉ phải về Việt Nam khoảng 2 lần khi nộp hồ sơ và khi nhận con, bởi không có thủ tục lấy ý kiến trực tiếp, vì ý chí của các bên đã được thể hiện trên giấy tờ đầy đủ khi nộp hồ sơ nhận con.

Luật Nuôi con nuôi đã đặt ra quy định về điều kiện đối với người nhận con nuôi trong những trường hợp theo Khoản 3 Điều 14 thì cũng nên có những quy định giản lược trong quy trình giải quyết đối với các trường hợp này, để tránh cho các bên việc đi lại nhiều lần, mất thời gian và tốn kém về tiền bạc khi phải đi lại giữa hai quốc gia. Nhằm thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước nhưng vẫn đảm bảo tối đa quyền lợi của các bên trong việc nuôi con nuôi.

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi qua thực tiễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 65)