CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ PHÂN TÍCH HIỆU QUẢ KINH DOANH TRONG CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN
2.3.1. Công tác chuẩn bị phân tích
Lập kế hoạch phân tích
Đây là khâu quan trọng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng, thời gian và tác dụng của phân tích hoạt động kinh doanh. Công tác chuẩn bị bao gồm:
- Xác định mục tiêu phân tích: Mục tiêu cơ bản của phân tích hiệu quả kinh doanh là cung cấp thông tin cần thiết, giúp những người sử dụng thông tin có thể đánh giá được hiệu quả kinh doanh và tiềm năng của ngân hàng. Trên cơ sở đó, ra quyết định lựa chọn phương án tối ưu.
- Xây dựng chương trình phân tích hiệu quả kinh doanh: Xác định rõ nội dung phân tích, phạm vi phân tích cũng như thời gian ấn định trong chương trình phân tích (mỗi giai đoạn, nội dung phân tích cần bao nhiêu thời gian và nguồn lực). Đồng thời, sưu tầm, thống kê và kiểm tra, lựa chọn tài liệu; xây dựng hệ thống chỉ tiêu phân tích, lựa chọn phương pháp phân tích thích hợp cho từng nội dung cụ thể; tổ chức lực lượng cán bộ phân tích sao cho phù hợp.
Thu thập thông tin
Sự phát triển của ngân hàng thương mại phụ thuộc nhiều yếu tố, bao gồm các yếu tố bên ngoài và các yếu tố bên trong
- Các yếu tố bên ngoài là: Sự tăng trưởng của nền kinh tế, tiến bộ khoa học kỹ thuật, chính sách tiền tệ, chính sách thuế…..
- Các yếu tố bên trong: cơ cấu tổ chức ngân hàng thương mại, tính chất kinh doanh, năng suất lao động, trình độ quản lý….
Công tác phân tích hiệu quả kinh doanh có mục tiêu đưa ra những dự báo tài chính giúp cho việc ra quyết định về mặt tài chính, giúp cho việc dự kiến kết quả trong tương lai của NHTM nhưng bên cạnh đó cũng cần thiết phải liên hệ với các thông tin chung của ngành ngân hàng. Cụ thể là:
• Thông tin chung:
Các thông tin chung là những thông tin có liên quan đến cơ hội kinh doanh, nghĩa là tình hình chung về kinh tế tại một thời điểm cho trước. Sự suy thoái hay tăng trưởng có tác động mạnh mẽ đến kết quả kinh doanh. Khi cơ hội thuận lợi, các hoạt động của ngân hàng được mở rộng, lợi nhuận của ngân hàng biến động cùng chiều với các hoạt động
Khi phân tích hiệu quả kinh doanh tại NHTM, điều quan trọng là phải nhận thấy sự xuất hiện của cơ hội mang tính chu kỳ, qua thời tăng trưởng sẽ đến giai đoạn suy thoái và ngược lại
• Thông tin theo ngành kinh tế:
Nội dung nghiên cứu trong phạm vi ngành là việc đặt sự phát triển của ngân hàng trong mối liên hệ với các hoạt động chung của ngành kinh doanh.
Đặc điểm ngành kinh doanh liên quan đến tính chất của các sản phẩm.
Những nghiên cứu của ngành được công bố trong báo cáo định kỳ của ngành hoặc trong các tạp chí kinh tế, kỹ thuật, nghề nghiệp. Những nghiên cứu này chỉ rõ tầm quan trọng của ngành nghiên cứu trong nền kinh tế, các sản phẩm và hoạt động khác nhau của ngành, quy trình công nghệ, các dự án đầu tư lớn, cơ cấu ngành và độ nhạy cảm của ngành trước những biến động của cơ hội, độ lớn của thị trường và triển vọng phát triển…..
• Thông tin về ngân hàng:
Các thông tin về NHTM rất đa dạng, ngoài một số thông tin bắt buộc và công khai còn có nhiều thông tin khác chỉ dành cho nhà quản lý ngân hàng
Để phân tích hiệu quả kinh doanh tại ngân hàng thương mại, người phân tích cần sử dụng các báo cáo tài chính của ngân hàng. Đây là nguồn thông tin quan trọng
nhất, chủ yếu nhất và là những báo cáo tổng hợp nhất phản ánh một cách tổng quát và toàn diện tình hình tài sản, nguồn vốn cũng như kết quả kinh doanh của ngân hàng
• Các thông tin khác:
Để có thể đánh giá, nhận định chính xác và sát thực, phân tích hiệu quả kinh doanh còn cần có các thông tin về chiến lược kinh doanh, định hướng phát triển của
ngân hàng, tình hình kinh doanh của ngân hàng như thị phần ngân hàng đang chiếm lĩnh, việc đa dạng hoá các hoạt động kinh doanh, hoạt động nghiên cứu và phát triển….
Các thông tin phục vụ phân t ích hiệu quả kinh doanh rất phong phú và đa dạng, vấn đề là người sử dụng cần biết lựa chọn, phân tích để hình thành các dự báo cần thiết cho việc ra quyết định.