6. Đóng góp mới của đề tài:
3.3.3. Không gian đối lập
Song song với vấn đề không gian là không gian đối lập. Đó chính là những địa điểm hoàn toàn trái ngược nhau nhưng thực chất lại bổ sung ý nghĩa cho nhau, Đó có thể là không gian giữa thành phố >< nông thôn, văn minh >< tự nhiên, nhà >< vườn, không gian chuyển đổi >< không gian cố định, không gian công cộng >< không gian riêng tư, không gian quá độ >< vĩnh cửu. Tất cả những không gian này được định nghĩa về mặt văn hóa, và vì thế cũng có khả năng thay đổi, thông thường chúng cũng liên quan mật thiết với việc bộc lộ thái độ và những đánh giá có giá trị. Để làm rõ sự khác nhau giữa văn hóa Đông >< Tây, “tôi” đặt mình trong nhiều không gian khác nhau, tiêu biểu nhất cho sự đối lập là không gian công ty và không gian lớn bên ngoài cửa sổ. Ngay từ trang đầu của tác phẩm, qua cách kể chuyện của nhân vật “tôi”, ta đã thấy thấp thoáng sự xuất hiện của hai không gian đối lập này: “Ngày mùng 8 tháng Giêng năm 1990, chiếc thang máy nhả tôi lên tầng cuối cùng trong tòa nhà của công ty Yumimoto. Ô cửa sổ cuối sảnh thu hút tôi, giống như người ta bị hút về phía cửa sổ máy bay bị vỡ. Ở phía xa, rất xa là thành phố xa tới mức tôi cứ ngỡ như chưa bao giờ đặt chân tới” [1, tr. 7]. Bằng cách giới thiệu này, “tôi” đã tạo ngay sự chú ý cho người đọc về sự đối lập giữa hai không gian, đồng thời khơi gợi tính tò mò của bạn đọc. Phải có một sự khác biệt nào đó giữa không gian trong và ngoài ô cửa sổ mới có cách giới thiệu như vậy. Nghiễm nhiên, ô cửa sổ trở thành ranh giới ngăn cách giữa hai không gian. Theo dõi tiếp các tình tiết trong tác phẩm, ta thấy sự xuất hiện đối lập của hai không gian này càng nhiều. Cách “tôi” kể lại quá trình làm việc của mình trong công ty Yumimoto gắn liền với không gian bên trong công ty. Nó giống như một xã hội thu nhỏ về văn hóa công sở Nhật Bản. Tại đây, tôi đã nếm trải biết bao những sự kiện, những tình huống bất ngờ, những câu chuyện dở khóc dở cười chốn công sở - những thứ mà có lẽ trước khi tới
làm việc “tôi” chưa thể hình dung được. Cái hào hứng, tự tin khi được làm việc ở một trong những công ty lớn của Nhật Bản được thay dần bằng cảm giác chán nản, suy sụp, “sững sờ” đến mức “run rẩy”. Không gian công ty với những quy định hà khắc, những lối hành xử theo kiểu chèn ép giữa cấp trên đối với cấp dưới khiến “tôi” cứ tụt dốc dần trên con đường tạo dựng sự nghiệp và nâng cao chuyên môn bản thân. Cũng tại không gian đó, “tôi” nhận thức được kể cả những người như ông Tenshi đầy tốt bụng và nhiệt huyết vẫn không thể tránh khỏi sự hành hạ từ cấp trên. Một hệ thống quy tắc đã được thiết lập ngầm giữa bản thân những người làm đến chức lãnh đạo cũng như những nhân viên với nhau. Đó là nơi mà người ta, dù có bản lĩnh đến đâu, nếu không đứng ở một vị trí cao về chức vụ cũng không thể tránh khỏi “lưỡi hái tử thần”, không có quyền tự do cá nhân, không tránh khỏi những lời hăm dọa và nhục mạ. Ngay cả Fubuki – người phụ nữ mang đầy quyền lực và đóng góp trực tiếp vào sự tụt dốc của “tôi” cũng trở thành nạn nhân bởi cơn phẫn nộ đến mức cực điểm của lão phó chủ tịch Omochi: “Với bất kỳ ai, nhất là đối với bất kỳ người Nhật Bản nào, hơn nữa là cô Mori kiêu hãnh tuyệt vời này, không có gì tủi nhục hơn là sự hạ nhục trước đám đông này. Rõ ràng là con quái vật muốn cho cô ta mất thể diện. Lão chậm rãi tiến về phía cô ta, như thể để tận hưởng trước sức mạnh quyền uy hủy diệt của mình. Fubuki không hề chớp mắt. Trông cô rực rỡ hơn bao giờ hết. Rồi đôi môi dày bự bắt đầu rung rung và Omochi hét ra một tràng những tiếng rú bất tận” [1, tr. 106]. Sự kiện này đã khiến cho bản thân “tôi” vô cùng bất ngờ và phải tự đặt cho mình những câu hỏi chứa đầy nỗi băn khoăn: “Fubuki đã phạm tội nghiêm trọng cỡ nào để nỡ phải chịu hình phạt như vậy? Tôi chẳng thể biết. Song rốt cuộc, tôi hiểu rõ người đồng nghiệp của tôi: năng lực, tinh thần làm việc hết mình và ý thức nghề nghiệp của cô là vô cùng đặc biệt. Dù cô có mắc sai lầm nào chăng nữa thì chúng hẳn cũng chẳng đáng kể gì. Và thậm chí dù không phải như thế
chăng nữa, thì chí ít cũng phải tính tới giá trị đặc biệt của người phụ nữ thượng thặng này chứ” [1, tr. 107]. Như vậy là, đến đây, “tôi” hiểu ra mục đích của những sự chèn ép giữa cấp trên với cấp dưới trong công ty không hẳn chỉ vì lí do muốn hạn chế sự thăng cấp mà còn muốn làm cho đối phương “mất thể diện” – một trong những điều đáng sỉ nhục nhất đối với con người Nhật Bản. Qua không gian công ty, có thể thấy rằng, văn hóa Nhật Bản càng đề cao những giá trị tốt đẹp thì con người Nhật Bản trong công sở hình như lại càng muốn làm hạn chế những điều tốt đẹp từ người khác. Vì thế rất nhiều lần, “tôi” nhìn ra cánh cửa sổ: “Chẳng thế mà một điều kỳ diệu đã xảy ra với tôi: tâm trí tôi rời bỏ thân xác. Tôi bỗng như được buông thả. Tôi đứng lên. Tôi tự do. Chưa bao giờ tôi cảm thấy được tự do đến thế. Tôi bước ra tận cánh cửa kính khổng lồ. Thành phố lấp lánh ánh đèn ở rất xa phía dưới kia. Tôi đang ngự trị thế giới. Tôi là Thượng đế. Tôi ném thân mình qua cửa sổ để thoát ra” [1, tr. 72]; “Theo bản năng, tôi đi ra phía cửa sổ. Tôi gí trán vào tấm kính và biết rằng tôi sẽ rất nhớ chỗ này: không phải ai cũng được ngự trên tầng thứ bốn mươi tư cao ngất. Cánh cửa sổ là ranh giới giữa ánh sáng khủng khiếp và bóng tối đáng yêu, giữa những ngăn phòng vệ sinh và cái vô tận, giữa vệ sinh và cái không thể lau chùi, giữa cái giật nước và bầu trời. Chừng nào còn có những cánh cửa sổ thì người nhỏ bé nhất trên trái đất sẽ còn phần tự do” [1, tr. 167]. Không gian bên ngoài công ty Yumimoto, nơi “tôi” thoát khỏi những công việc như pha trà, bóc lịch, tính toán, lau chùi nhà vệ sinh tuy không được miêu tả ở bất cứ dòng nào nhưng đó là không gian của một nước Nhật rộng lớn, không gian của tự do. Chính “tôi” đã khẳng định điều này một cách chắc chắn: “Những trang viết vừa qua hẳn làm cho mọi người tin rằng tôi không hề có cuộc sống khác bên ngoài Yumimoto. Không phải vậy. Ngoài công ty ra, tôi còn có một cuộc sống khác không hề trống rỗng và vô nghĩa” [1, tr. 143]. Chỉ với một đoạn văn ngắn, người kể chuyện đồng thời là nhân
vật trong tác phẩm đã giúp người đọc thấy rõ sự khác biệt giữa không gian làm việc và không gian đời thường của nhân vật.
Một không gian đối lập nữa không thể không nhắc tới trong Sững sờ và run rẩy là không gian hiện tại >< không gian quá khứ. Không gian hiện tại
được nói đến ở hầu hết các trang truyện, trong đó, không gian quá khứ được miêu tả hạn hẹp và nhắc tới trong một số lượng rất ít các trang truyện. Không gian quá khứ chủ yếu được tái hiện lại từ không gian hiện tại, từ những tình tiết xảy ra ở hiện tại. Trong cuộc nói chuyện thân mật với cô Mori Fubuki, những ấn tượng đẹp đẽ ban đầu về người phụ nữ này khiến “tôi” nhớ lại quá khứ với khát vọng cao đẹp của mình: “Danh sách của Yumimoto lướt qua trong đầu tôi: “Mori Fubuki, sinh ở Nẩ ngày 18 tháng Giêng năm 1961… Cô ấy được sinh ra vào mùa đông. Tôi chợt tưởng tượng ra cơn bão tuyết tràn trên thành phố Nara tuyệt vời, trên vô số những tháp chuông trong thành phố - âu cũng là chuyện thường khi cô gái tuyệt vời này được sinh ra vào cái ngày mà vẻ đẹp của bầu trời đã buông xuống chạm tới nhan sắc của trái đất. Fubuki kể cho tôi nghe về thời thơ âu của cô ở Kansai. Tôi kể với cô về tuổi thơ của mình ở làng Shukugawa, gần núi Kabuto, cách không xa Nara – việc gợi lại những nơi huyền thoại này khiến mắt tôi ngấn nước… Và đó cũng là nơi con tim tôi luôn nhớ về cái ngày tôi rời bỏ vùng núi Nhật để sang sa mạc Trung Hoa khi mới năm tuổi. Chuyến di cư đầu tiên ấy đã để lại dấu ấn sâu đậm tới mức tôi cảm thấy có thể chấp nhận hết thảy để được hòa nhập trở lại với đất nước mà tôi đã coi là cội nguồn của mình từ lâu lắm rồi” [1, tr. 23 – 24]. Trong kí ức của “tôi”, Nhật Bản là một đất nước đẹp đẽ với những kỉ niệm tuổi thơ đầy xúc động. Chính không gian này khiến “tôi” quyết định gắn bó với đất nước Nhật Bản. Nhưng những trải nghiệm trong không gian hiện tại trong một năm làm việc đã làm “tôi” nghĩ về quá khứ nhưng ít nhiều đã với bớt đi những thiện cảm đã có giống như khi mới bắt đầu: “Song chỉ một khoảnh khắc sau, tôi những
muốn phát khóc khi nghĩ tới những cái cây tội nghiệp vô tội mà cấp trên của tôi đã phí phạm để trừng trị tôi. Tôi tưởng tưởng ra những cánh rừng Nhật Bản của tuổi thơ tôi, những cây phong, cây bách Nhật và cây bạch quả, chúng bị đốn trụi chỉ để trừng phạt một con người chẳng có nghĩa lý gì như tôi. Và tôi nhớ họ của Fubuki có nghĩa là rừng” [1, tr. 32].
Như vậy, qua việc thể hiện những không gian đối lập trong tác phẩm, Amélie Nothomb đã gián tiếp nói về không gian văn hóa, một cách ngầm ám chỉ khi nói về phương Đông và phương Tây.