Khái niệm không gian

Một phần của tài liệu Trần thuật trong sững sờ và run rẩy của Amélie Nothomb (Trang 65)

6. Đóng góp mới của đề tài:

3.1. Khái niệm không gian

Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên),

không gian được định nghĩa là: “1. Hình thức tồn tại cơ bản của vật chất (cùng với thời gian), trong đó các vật thể có độ dài và độ lớn khác nhau, cái nọ ở cách cái kia. 2. Khoảng không bao trùm mọi vật xung quanh con người” [16, tr. 511].

Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì “Sự miêu tả, trần thuật trong nghệ

thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn, diễn ra trong trường nhìn nhất định, qua đó thế giới nghệ thuật cụ thể, cảm tính bộc lộ toàn bộ quãng tính của nó: cái này bên cạnh cái kia, liên tục, cách quãng, tiếp nối, cao, thấp, xa gần, rộng, dài tạo thành viễn cảnh nghệ thuật. Không gian nghệ thuật gắn với cảm thụ về không gian, nên mang tính chủ quan. Ngoài không gian vật thể, có không gian tâm tưởng (Gần nhau đây mà xa biết bao nhiêu. Giữa hai đứa mênh mông là biển rộng – Tố Hữu). Do vậy, không gian nghệ thuật có tính độc lập tương đối, không quy được vào không gian địa lý. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học có tác dụng mô hình hóa các mối liên hệ của bức tranh thế giới như thời gian, xã hội, đạo đức, tôn ti trật tự. Không gian nghệ thuật có thể mang tính địa điểm, tính phân giới – dùng để mô hình hóa các phạm trù thời gian như bước đường đời, con đường cách mạng, không gian nghệ thuật có thể mang tính cản trở, để mô hình hóa các kiểu tính cách con người. Không gian nghệ thuật có thể là không có tính cản trở, như trong cổ tích làm cho ước mơ, công lý được thực hiện dễ dàng. Ngôn ngữ của không gian nghệ thuật rất đa dạng và phong phú. Các cặp phạm trù cao – thấp, xa – gần, rộng – hẹp, cong – thẳng, bên này – bên kia, vững chắc – bập bênh, ngay – lệch… đều được dùng để thể hiện các phạm vi giá trị phẩm chất

của đời sống xã hội. Không gian nghệ thuật chẳng những cho thấy cấu trúc nội tại của các tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng, mà còn cho thấy quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay của một giai đoạn văn học. Nó cung cấp cơ sở khách quan để khám phá tính độc đáo cũng như nghiên cứu loại hình của các hình tượng nghệ thuật [24, tr. 160 – 161].

Kharapchenko đưa ra định nghĩa: “Không gian nghệ thuật như một quan niệm về thế giới và con người, như một phương thức chiếm lĩnh thực tại, một hình thức thể hiện cảm xúc và các khái quát về thế giới con người, tư tưởng, thẩm mỹ để từ đó lý giải khả năng phản ánh hiện thực của một hệ thống tác phẩm nhất định” [13].

Manfred Jahn định nghĩa không gian văn học là “môi trường định vị vật thể và nhân vật, nói rõ hơn, môi trường trong đó nhân vật sống và hoạt động” [12, tr. 81 – 82].

Như vậy, nhắc đến không gian trong tác phẩm văn học, chúng ta phải hiểu ngay đó là không gian mang tính nghệ thuật – không gian nghệ thuật. Không gian ấy bao gồm tất cả các yếu tố của không gian thực, không gian địa lý nhân vật sinh sống, và hơn thế, không gian nghệ thuật còn là không gian hư cấu – không gian đã qua xử lý nghệ thuật của nhà văn xuất phát từ những dụng ý sáng tạo khác nhau, có thể là các không gian tâm lý, không gian với các môtip biểu tượng hay không gian với các tín hiệu huyền thoại không có thực… Không gian nghệ thuật của tác phẩm sẽ giúp chúng ta khám phá ra quan niệm của nhà văn về con người, về thế giới và mối quan hệ giữa chúng.

Không gian hiện thực một khi được đưa vào tác phẩm và trở thành không gian nghệ thuật khi được nhìn nhận dưới con mắt của người kể chuyện và biểu hiện qua ngôn ngữ (lời kể). Như vậy, không gian nghệ thuật trong tác phẩm không thể được hiểu và cảm nhận theo kiểu nhìn ngắm mà được cảm nhận thông qua lời kể của người kể chuyện, của nhân vật, diễn giải qua ngôn

ngữ và từ việc cảm nhận qua ngôn ngữ, câu chữ, người đọc tái hiện trong đầu một hình ảnh cụ thể. Như vậy, giữa việc tri giác (nhìn) với việc cảm nhận không gian được đề cập tới cũng như việc “biến” không gian ấy vào tác phẩm văn học được kể lại bằng ngôn ngữ người kể chuyện không hề đơn giản, đúng như I.U.M. Lotman đã từng nói: “Những nguyên tắc thể hiện không gian hai chiều và có giới hạn của bức tranh trở thành ngôn ngữ đặc thù của nó… Tính chất đặc biệt của sự tri giác thế giới – phẩm chất vốn có của con người và có kết quả là các đối tượng không gian nhìn thấy nào đó đã dẫn tới việc tri giác cụ thể các mô hình ngôn ngữ” [14, tr. 336 – 337].

Một phần của tài liệu Trần thuật trong sững sờ và run rẩy của Amélie Nothomb (Trang 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)