6. Đóng góp mới của đề tài:
2.1. Khái niệm giọng điệu
Mỗi một nhà văn đều có một phong cách riêng. “Phong cách được xem như cách biểu hiện sự khai thác hình tượng đối với hiện thực, như cách biểu hiện sự tác động tư tưởng, tình cảm không thể đồng nhất với hình thức của tác phẩm, cũng hệt như phương pháp không thể đồng nhất với nội dung”[13, 166]. Cái mà người ta gọi là hình thức nghệ thuật – cốt truyện, nhịp điệu, bố cục, ngôn ngữ…, trong ý nghĩa chung của chúng là thuộc về phong cách : “Là một yếu tố cấu thành của tác phẩm nghệ thuật, sáng tác của nhà văn nói chung, phong cách là một hệ thống phức tạp. Trong hệ thống đó, trước hết phải chú ý tới sự tổng hợp của những phương thức giọng điệu. Đề tài, tư tưởng, hình tượng chỉ được thể hiện trong một môi trường giọng điệu nhất định, trong một phạm vi của thái độ cảm xúc nhất định đối với đối tượng sáng tác, đối với những mặt khác nhau của nó. Hiệu suất cảm xúc của lối kể chuyện của hành động kịch, của lời lẽ trữ tình trước hết thể hiện ở giọng điệu chủ yếu vốn là đặc trưng của tác phẩm văn học với tư cách là một thể thống nhất hoàn chỉnh” [19, tr. 167].
Như vậy, có thể nói giọng điệu là yếu tố đầu tiên cấu thành phong cách nhà văn. Trong công trình của M.Jahn [13], theo Genette, thuật ngữ “giọng điệu” (voice) “gợi lên” một trong những phạm trù ngữ pháp cơ bản của các
hình thức động từ: thì, thức và giọng điệu. Trong thuật ngữ giọng điệu, một
động từ có thể là “chủ động” hoặc “bị động”. Một định nghĩa khái quát hơn, giọng điệu thể hiện ở cách xưng hô, cách dùng từ ngữ nhằm biểu hiện tình cảm thành kính, thân mật hay xa lạ, khinh bỉ, châm biếm, giễu nhại. Nó chỉ ra “mối quan hệ của chủ thể - động từ với hành động mà động từ biểu đạt” (webter’s Collegiate). Trong trần thuật học, câu hỏi về giọng điệu cơ bản là
“Ai nói?” (= Ai kể chuyện này?). Giọng điệu cũng được hiểu là đặc điểm thanh âm (cái không hiểu được) hay chất giọng (cái có thể hiểu).
Từ điển Tiếng Việt năm 2006 của Viện Ngôn ngữ học định nghĩa giọng
điệu là: “1. Giọng nói, lối biểu thị một thái độ nhất định. 2. Như ngữ điệu” [16, tr. 403]. Ngữ điệu trong tài liệu này được định nghĩa là: “Những biến đổi về độ cao của giọng khi nói, khi đọc, có liên quan đến cả một ngữ đoạn và có thể dùng để biểu thị một số ý nghĩa bổ sung” [16, tr. 695].
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, giọng điệu là “một yếu tố đặc trưng của
hình tượng tác giả trong tác phẩm, là một phạm trù thẩm mĩ của tác phẩm văn học” [24, tr. 135]. Nếu như trong đời sống ta thường chỉ nghe lời nói nhận ra con người thì trong văn học, giọng điệu giúp chúng ta nhận ra tác giả. Có điều giọng điệu ở đây không giản đơn là một tín hiệu âm thanh có âm sắc đặc thù để nhận ra người nói, mà là một giọng điệu mang nội dung tình cảm, thái độ, ứng xử trước các hiện tượng đời sống. Theo M.Khrapchenko thì “Hệ số tình cảm của lời văn,… được biểu hiện trước hết ở trong giọng điệu cơ bản [13, tr. 128]. Theo B.Brecht có thể hiểu giọng điệu trong kịch như một tư thế biểu cảm. Ông đã nói về các cử chỉ biểu cảm như cúi đầu, ngẩng đầu, khoát tay, ngoảnh mặt,… đều có ý nghĩa biểu cảm. Do đó, giọng điệu trong văn học không chỉ biểu hiện bằng cách xưng hô, trường từ vựng, mà còn bằng cả hệ thống tư thế, cử chỉ biểu cảm trong tác phẩm.
Giọng điệu có cấu trúc của nó. Xét lời văn trong quan hệ với các chủ đề của anh ta thì ta có giọng điệu cơ bản. Xét lời văn trong quan hệ với người đọc ngoài văn bản thì ta có ngữ điệu. Sự thống nhất hai yếu tố này tạo ra giọng điệu. Nền tảng của giọng điệu là cảm hứng chủ đạo của nhà văn. V. Belinxki từng nói: Cảm hứng là một sức mạnh hùng hậu. Trong cảm hứng nhà thơ là người yêu say tư tưởng, như yêu cái đẹp, yêu một sinh thể, đắm đuối vào trong đó và anh ta ngắm nó không phải bằng lý trí, lý tính, không
phải bằng tình cảm hay một năng lực nào đó của tâm hồn, mà là bằng tất cả sự tràn đầy và toàn vẹn của tâm hồn mình. Nếu cảm hứng là cao cả thì giọng điệu là cao cả, nhà văn sẽ sử dụng các từ cao cả, to lớn, những từ cổ kính có âm hưởng biểu hiện thống thiết, về cú pháp sẽ sử dụng các câu hỏi, câu cảm thán, câu mệnh lệnh… Các hình thức đó thể hiện niềm tin, khát vọng, ý chí của tác giả.
Vị thế của nhà văn cũng tạo ra giọng điệu. Nhà văn tự coi mình là nhà tiên tri, nhà truyền đạo, vị quan tòa, người tố cáo,… thì có giọng điệu thích hợp với vị thế đó. Nếu nhà văn có cảm hứng chính luận, phê phán, bất mãn với thực tại thì anh ta sẽ có giọng điệu lên án, tố cáo. Lúc đó anh ta sẽ sử dụng các biện pháp mỉa mai, châm biếm, nhại. Như vậy, người đọc có thể nhận thấy tất cả các chiều sâu tư tưởng, thái độ, vị thế, phong cách, tài năng cũng như sở trường ngôn ngữ, cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ thông qua giọng điệu. Trong khi trần thuật, tác giả sử dụng nhiều giọng điệu, nhiều sắc thái trên cơ sở một giọng điệu cơ bản chủ đạo chứ không đơn điệu. Tạo được sự phong phú, đa thanh, nhiều bè, nhiều giọng điệu là đánh dấu một bước trưởng thành trong tư duy nghệ thuật.
Tóm lại, giọng điệu là nét khu biệt giữa nhà văn này với nhà văn khác, là “tiếng nói riêng” không lẫn với ai, là yếu tố để xác định tài năng văn học. Một nhà văn tài năng phải là một nhà văn biết chọn một môi trường giọng điệu chủ âm cho tác phẩm nói riêng và toàn bộ sáng tác nói chung. Đúng như I. X. Turgenev đã ví “mỗi nghệ sĩ giống như con chim. Mỗi loại chim có một cấu trúc thanh quản khác nhau, bởi thế tiếng hót của chúng khác nhau. Cũng tương tự như thế, mỗi một nhà văn phải biết tạo ra một giọng điệu nghệ thuật riêng. Giọng điệu ấy đích thị phải là tiếng hót cất lên từ thanh quản của nghệ sĩ, mang chứa một quan niệm, một thái độ, một hình thức ứng xử đối với hiện thực của nghệ sĩ” [6, 131].