Không gian trong truyện kể

Một phần của tài liệu Trần thuật trong sững sờ và run rẩy của Amélie Nothomb (Trang 69)

6. Đóng góp mới của đề tài:

3.3.1. Không gian trong truyện kể

Không gian trong truyện kể có vai trò trong việc tạo môi trường cho nhân vật hoạt động. Làm việc trong công ty Yumimoto nên không gian bối cảnh chủ yếu ở đây là không gian của tòa nhà thuộc công ty Yumimoto. Vì vậy, tất cả các sự kiện liên quan đến nhân vật trung tâm đều diễn ra trong không gian bối cảnh này. Tác giả đã tạo dựng được một không gian bối cảnh lý tưởng cho nhân vật của mình xuất hiện và hoạt động.

Không gian trong tác phẩm chủ yếu gắn với không gian của công ty Yumimoto, nhưng trước khi xét tới không gian chủ yếu này chúng ta còn thấy một không gian bối cảnh rộng lớn hơn, đó chính là không gian nước Nhật. Tuy nhiên, không gian này chỉ được nhắc tới qua hồi tưởng của nhân vật Amélie: “Tôi chợt tưởng tượng bão tuyết trên thành phố Nara tuyệt vời, trên vô số những tháp chuông của thành phố” [1, tr. 24]. Nước Nhật còn hiện lên qua hồi tưởng của Amélie với những hình ảnh cụ thể về núi Phú Sĩ khổng lồ phủ đầy tuyết, về những khóm bách Nhật, những bông hoa cẩm chướng. Tất cả những hình ảnh ấy đều hiện lên rạng ngời trong tâm trí Amélie đến mức cô phải tự hào khi coi mình như một người con sinh ra tại Nhật Bản: “Tôi kể với cô về tuổi thơ của mình ở làng Shukugawaa, gần núi Kabuto, cách không xa Nara” [1, tr. 24]. Từ việc ca ngợi vẻ đẹp, Amélie dồn lại thành niềm tự hào của một người con xa quê đang hướng về nước Nhật yêu thương. Tình cảm sâu đậm ấy khiến cho Amélie có cảm tưởng rằng cô có thể hòa nhập hoàn toàn với đất nước này. Như vậy, trong tác phẩm này, không gian của những thành phố, ngôi làng hay những cánh rừng Nhật Bản hay núi Phú Sĩ vừa gợi lên vẻ đẹp hùng vĩ, cổ kính của nước Nhật, vừa cho thấy tình yêu của Amélia dành cho Nhật Bản. Mỗi không gian đều gợi tới một kỉ niệm khó quên, làm

trào dâng tình cảm thắm thiết về quê hương thứ hai của Amélie: “Việc gợi lại những nơi huyền thoại này khiến mắt tôi ngấn nước” [1, tr. 24].

Nếu không gian rộng là nước Nhật với vẻ đẹp cổ kính, hùng vĩ gợi lên một tình cảm gần gũi thân quen của nhân vật, thì không gian truyện kể trong cuốn tiểu thuyết (là không gian của công ty Yumimoto) lại đại diện cho một thế giới hiện đại, và đó cũng chính là nước Nhật thu nhỏ. Không gian công ty này xuất hiện ngay đầu tác phẩm: “Chiếc thang máy nhả tôi lên tầng cuối cùng của tòa nhà công ty Yumimoto, ô cửa sổ cuối sảnh thu hút tôi, giống như người ta bị hút về phía cửa sổ máy bay bị vỡ” [1, tr. 7]. Công ty Yumimoto thuộc hai tầng nhà trong một tòa nhà gồm mấy chục tầng, cụ thể là tầng thứ bốn mươi ba và bốn mươi tư. Chính độ cao của không gian này là cơ hội để nhân vật được phóng tầm mắt của mình ra xa, được thả hồn mình vào khoảng không gian rộng lớn, kiếm tìm cho mình một “góc tự do” riêng, tạo nên không gian tâm lý - không gian tự do riêng của nhân vật. Xét tới không gian trong tác phẩm, chúng tôi đặc biệt chú ý đến hai không gian cụ thể là văn phòng và phòng vệ sinh ở tầng thứ bốn mươi tư.

Một phần của tài liệu Trần thuật trong sững sờ và run rẩy của Amélie Nothomb (Trang 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)