Giọng điệu trong tác phẩm văn học

Một phần của tài liệu Trần thuật trong sững sờ và run rẩy của Amélie Nothomb (Trang 31)

6. Đóng góp mới của đề tài:

2.2. Giọng điệu trong tác phẩm văn học

Giọng điệu thường gắn với nhãn quan ngôn từ của người sáng tác, như

“một phạm trù thẩm mĩ” (Từ điển thuật ngữ văn học). Giọng điệu làm thành

bản sắc riêng của một trào lưu, một trường phái hay một giai đoạn văn học. Giọng điệu được biểu hiện ở cách lựa chọn và sử dụng ngôn từ - một yếu tố thuộc về cái vỏ bên ngoài của tác phẩm văn học nhưng lại biểu hiện thái độ, tình cảm, lập trường, tư tưởng của nhà văn. Vì thế, để tìm hiểu giọng điệu, phải đi từ việc phân tích, “bóc tách” lớp vỏ ngôn từ bên ngoài của tác phẩm đến việc phát hiện ra thái độ, bản sắc riêng, độc đáo mà nhà văn muốn gửi gắm trong lớp vỏ ngôn từ đó. Thực chất con đường này là quá trình tự tìm hiểu sự chuyển hóa giữa hình thức và nội dung, xuất phát từ văn bản tác phẩm để phát hiện ra được thái độ của nhà văn đối với hiện thực được phản ánh, qua đó, đánh giá thế giới quan, lập trường, tư tưởng đạo đức của nhà văn.

Trong một tác phẩm văn học, giọng điệu thường bao gồm giọng điệu của người kể chuyện, giọng điệu nhân vật và giọng điệu ẩn của tác giả.

Giọng điệu người kể chuyện là giọng điệu của “nhân vật” người kể chuyện – một hình tượng văn học được tác giả hư cấu nên để “mang” trên mình nó lời kể trần thuật và chỉ im lặng khi nhân vật lên tiếng.

Giọng điệu nhân vật là giọng điệu biểu hiện qua lời nói của nhân vật, để qua đó người đọc hiểu được sâu hơn thế giới bên trong của nó. Tiếng nói của nhân vật bao gồm ngôn ngữ được thốt ra thành lời (đối thoại) và ngôn ngữ không thốt ra thành lời (độc thoại nội tâm).

Giọng điệu tác giả ẩn là giọng điệu đứng đằng sau tất cả mọi giọng điệu, bao trùm lên và thể hiện rõ nhất tư tưởng, tình cảm, thái độ của nhà văn.

Việc khu biệt các cấp độ giọng điệu không hề đơn giản vì giữa các loại giọng điệu này thường có sự giao thoa, đan chéo, xen lẫn vào nhau. Để có thể

cảm thụ được giọng điệu độc đáo, riêng biệt của truyện, người ta phải đọc tác phẩm với sự cảm nhận sâu sắc và tinh tế hơn bao giờ hết.

Một khía cạnh nữa đáng được chú ý khi nói về vấn đề giọng điệu là câu hỏi “Ai là người mang giọng điệu cho tác phẩm?”. Ở tác phẩm này, người kể chuyện thiết lập mối quan hệ với người nhận – người nghe kể chuyện (cô sếp Fubuki, ông Saito…). Trong từng trường hợp, giọng điệu có cách thể hiện khác nhau, tùy vào hoàn cảnh. Giọng văn của tác phẩm được viết bằng một giọng dửng dưng, tình cảm miêu tả không nhiều lắm ngoại trừ nhằm mục đích trào phúng. Có những đoạn thật sự rất thú vị như : “Ông Haneda là cấp trên của ông Omochi. Ông Omochi là cấp trên của ông Saito. Ông Saito là cấp trên của cô Mori. Và cô Mori là cấp trên của tôi. Còn tôi không là cấp trên của ai hết. Hoặc có thể nói theo cách khác. Tôi làm theo lệnh của cô Mori, cô Mori làm theo lệnh của ông Saito, và cứ tiếp tục như thế, các mệnh lệnh được truyền từ trên xuống dưới qua các cấp thứ bậc với sự chính xác này. Vậy là,

trong công ty Yumimoto, tôi y theo lệnh của tất cả mọi người.”. Và có những

đoạn xen kẽ cả hài hước lẫn mỉa mai, chua chát: “Bạn đói chứ gì? Hãy ăn vừa thôi vì bạn phải giữ mình mảnh khảnh... bạn có bổn phận phải lấy chồng, tốt nhất là trước 25 tuổi, đó là hạn sử dụng của bạn. Bạn có bổn phận phải sinh con, và bạn phải đối xử với nó như với ông hoàng bà chúa cho tới khi chúng được 3 tuổi, bạn phải xem chồng như một ông vua và nghỉ việc ở nhà chăm sóc bố mẹ chồng nếu họ muốn...". Các chi tiết có vẻ liền mạch với nhau, không bị đứt quãng nhưng toàn vấp. Tác giả đã khéo léo bóc tách sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Đông – Tây thành những thử thách tâm lý sống động, mang tính châm biếm thú vị.

Theo Jakobson, trong diễn ngôn trần thuật (giống như bất cứ diễn ngôn nào khác) có thể thực hiện nhiều “chức năng” khác nhau, chủ yếu là: chức năng “định hướng” người nhận (bao gồm sự tiếp xúc với người nhận); chức

năng “thuyết phục” người nhận tin hoặc làm một điều gì đó; chức năng “gợi cảm xúc” hoặc “biểu hiện” (bộc lộ tính cách chủ quan của anh/cô ta). Trong chương này, người viết kết hợp việc tìm hiểu trong tác phẩm các sắc thái giọng điệu gắn với các chức năng.

Một phần của tài liệu Trần thuật trong sững sờ và run rẩy của Amélie Nothomb (Trang 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)