Với tư cách là một thành viên của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, thuộc tập đoàn điện lực quốc gia Việt Nam, các quy định luật pháp, chính sách về sử dụng lao động của Công ty nằm trong khuôn khổ những quy định chung của Tổng công ty và không trái với những quy định của Chính phủ Việt Nam. Trong quá trình xây dựng các văn bản mang tính pháp qui về sử dụng lao động và tạo động lực cho người lao động, công ty phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Chính Phủ và cơ quan quản lý nhà nước; tuân thủ và vận dụng sáng tạo nhiều
quy định của Tập đoàn điện lực Việt Nam và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia. Cụ thể là:
Quyết định số 113/QĐ-NPT ngày 30 tháng 06 năm 2008 của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia về việc thành lập và phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty Truyền tải điện 1. Đây là quy định chung nhất ảnh hưởng đến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, trong đó có hoạt động quản trị nhân lực. Quyết định này được ban hành nhằm thừa nhận tính pháp lý của công ty cũng như quy định về điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty. Theo quyết định này, công ty Truyền tải điện 1 là một trong năm đơn vị thành viên của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, có chức năng quản lý, vận hành hệ thống truyền tải điện ở khu vực Miền bắc và thí nghiệm, đầu tư, xây dựng một số công trình liên quan đến truyền tải điện. Quyết định cũng quy định rõ cách thức tổ chức, hoạt động và cơ chế quản lý tài chính của công ty, trong đó có quy định chức năng, nhiệm vụ của các chức danh lãnh đạo chủ chốt, các đơn vị trực thuộc. Đây là căn cứ quan trọng nhất để xây dựng các văn bản pháp qui quy định mọi hoạt động trong nội bộ công ty. Các chính sách sử dụng nhân lực cũng như tạo động lực cho người lao động trong công ty cũng được xây dựng trên cơ sở tuân thủ và vận dụng sáng tạo những điều lệ trong Quyết định này.
Ảnh hưởng trực tiếp nhất đến công tác tạo động lực cho người lao động tại công ty là các văn bản: Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định Hệ thống thang, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các Công ty Nhà nước; Nghị định số 206/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định Quản lý lao động tiền lương và thu nhập trong các Công ty Nhà nước; Nghị định số 141/2007/NĐ-CP ngày 05 tháng 09 năm 2007 của Chính phủ quy định Chế độ tiền lương đối với Công ty mẹ do Nhà nước làm chủ sở hữu và các Công ty con trong Tập đoàn kinh tế; Nghị định số 86/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 05 năm 2007 của Chính phủ quy định Quản lý lao động tiền lương trong Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ; Nghị định số 28/2010/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu chung; Nghị định số 108/2010/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm
2010 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp...; Các thông tư: 15/2007/TT-LĐTBXH ngày 31/08/2007; 19/2007/TT-LĐTBXH ngày 04/10/2007; 06/2010/TT-BLĐTBXH ngày 07/04/2010 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện các Nghị định nói trên; Văn bản số 4654/LĐTBXH-LĐTL ngày 10/12/2008 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc tiền lương, phụ cấp lương đối với Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia. Đây là hệ thống các quy định điều chỉnh chính sách tiền lương của công ty mà hiện nay công ty đang áp dụng. Trong đó có các quy định về kế hoạch quỹ tiền lương; các quy định về định mức lao động; về thang lương, bậc lương; về phương thức phân phối tiền lương cho người lao động trong công ty. Những văn bản này có vai trò quan trọng trong việc xây dựng quy chế phân phối tiền lương của công ty nhằm phát huy vai trò đòn bẩy của tiền lương, gắn vấn đề phân phối tiền lương và thu nhập với quá trình tạo động lực cho người lao động; làm cho lợi ích của mỗi CBCNV thống nhất với lợi ích của Công ty Truyền tải điện 1. Công ty cũng coi đây là cơ sở để xây dựng các mức tiền lương cho người lao động đúng với quan điểm sử dụng nhân lực mà lãnh đạo công ty đã thống nhất “Coi tiền lương là công cụ quan trọng trong quản trị nguồn nhân lực nói chung, đặc biệt là trong tổ chức, bố trí lại lực lượng lao động; đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực, thu hút, giữ gìn nguồn nhân lực chất lượng cao”
Tiếp theo là các văn bản: Quyết định số 234/2005/QĐ-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng chính phủ về chế độ đặc thù đối với công nhân viên chức một số ngành, nghề trong các công ty nhà nước; Công văn số 4654/LĐTBXH- LĐTL ngày 10 tháng 12 năm 2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tiền lương và phụ cấp lương đối với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia; Quyết định số 1138/QĐ-NPT ngày 04 tháng 09 năm 2009 của Hội đồng thành viên Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia về quy chế thưởng an toàn điện ban hành kèm theo. Các văn bản này quy định việc phân phối và sử dụng quỹ tiền thưởng vận hành an toàn tại công ty. Thưởng vận hành an toàn là chế độ đặc thù áp dụng cho CBCNV có liên quan trực tiếp đến quá trình sản xuất kinh doanh điện. Mục đích của quỹ là khuyến khích, động viên các công nhân viên chức trong dây chuyền sản
xuất phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ truyền tải, vận hành an toàn hệ thống điện với các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tốt nhất và chất lượng cao theo kế hoạch sản xuất hàng năm. Trên cơ sở các văn bản này, công ty xây dựng quy chế thưởng vận hành an toàn trong nội bộ công ty, coi tiền thưởng vận hành an toàn như một khoản bổ sung vào tiền lương của người lao động, là công cụ quan trọng trong tạo động lực cho người lao động.
Ngoài ra, công ty còn vận dụng các văn bản: Qui chế Thi đua, Khen thưởng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành ngày 15/6/2008; Quy chế Thi đua, Khen thưởng của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia ban hành ngày 20/10/2008. Hai văn bản này quy định về việc tổ chức các hoạt động thi đua khen thưởng trong các đơn vị trực thuộc tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, trong đó chỉ rõ mục tiêu, các hình thức thi đua, khen thưởng, đối tượng áp dụng, cách thức tổ chức và quản lý các hoạt động thi đua khen thưởng. Đây là cơ sở để công ty xây dựng quy chế thi đua khen thưởng tại công ty nhằm khuyến khích người lao động tại công thi thi đua trong lao động sản xuất, nâng cao hiệu quả thực hiện công việc.