5. Cấu trúc luận văn
3.3.2. Miêu tả hành động
“Hành động của nhân vật không chỉ là yếu tố cần thiết để bộc lộ tính cách mà còn là yếu tố không thể thiếu thúc đẩy sự diễn biến của cốt truyện trong tác phẩm" [12, 134]. Chính vì vậy, khi miêu tả nhân vật, bên cạnh yếu tố ngoại hình, các nhà văn thường cho nhân vật của mình thể hiện những hành động khác nhau
nhằm tạo nên sự đa dạng trong cách thể hiện đồng thời khắc họa rõ nét hơn tính cách nhân vật.
Trong truyện ngắn của các cây bút nữ trẻ, ta thấy Nguyễn Ngọc Tư thường ít chú trọng miêu tả đến hành động của nhân vật. Nhân vật của chị là người phụ nữ với những hành động của cuộc sống đời thường. Đặc biệt hơn, đó là hành động gắn bó với cuộc sống sông nước: chèo thuyền, cho vịt ăn, đi chợ,… Cũng có thể đó là những vai diễn của các cô đào trên sân khấu với tình yêu, niềm nhiệt huyết, đam mê đến cháy bỏng. Nguyễn Ngọc Tư thường đặt nhân vật của mình vào trong những tình huống éo le và hành động của nhân vật trong những tình huống đó thật cao cả, mang đậm tính chất nhân văn. Điệp đã nhận nuôi bé Bơ khi mẹ bé vì đam mê nghiệp diễn mà từ bỏ con. Điệp đã về thăm má, tha thứ cho những lỗi lầm của má. Người mẹ trong truyện ngắn Dòng nhớ đã đến thăm người đàn bà mà chồng mình suốt đời nhớ thương để rồi không khỏi bật khóc trước hoàn cảnh đáng thương của người đàn bà ấy. Hành động của những nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư thường là những hành động nhường nhịn, yêu thương nhau. Từng cử chỉ, hành động nhỏ thôi nhưng không khỏi khiến người đọc xúc động, bồi hồi. Đó thường là những cuộc trở về mang đậm tình người khi nhân vật trong truyện ngộ ra được những triết lí sâu sắc. Chị Diệu đã quyết định dứt bỏ sự nghiệp làm má để trở về "tập làm đứa con hiếu thảo, làm một bà má giỏi giang bằng nồi canh chua bông súng, mẻ cá rô tôm tích kho quẹt" trong Làm má đâu có dễ. Cuộc sống này, ra đi, dứt bỏ chưa chắc đã phải là giải pháp dễ làm. Chính tình người, tình cảm chứa chan của dì Diệu đã đánh thức chị Lành khiến chị quay trở về. Truyện ngắn Làm mẹ đã kết thúc bằng một hành động mang đậm tính nhân văn: "Dì Diệu đi lấy tờ hợp đồng ra và đốt cháy thành một tờ tro mỏng". Hai người đàn bà đó hiểu rằng, tình yêu thương là sợi dây ràng buộc lớn lao nhất chứ không phải tờ giấy mỏng mảnh kia. Nguyễn Ngọc Tư đã để cho nhân vật của mình tự nhận thức và tự hành động để trở về với bản chất thật con người mình. Vì thế, truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư ngắn gọn, giản dị mà thấm thía, sâu sắc nghĩa tình.
Phan Thị Vàng Anh thường miêu tả những hành động nông nổi, trẻ con của các nhân vật. Các cô gái trẻ trong truyện ngắn của chị có suy nghĩ và hành động trẻ con đến mức ngông cuồng. Tiêu biểu là hành động tự tử của nhân vật cô trong truyện ngắn Khi người ta trẻ. Hay cũng có thể là hành động gửi thư trong sự cả tin đến ngây thơ, sự chờ đợi đến mỏi mòn của cô gái trẻ trong Mười ngày. Các nhân vật của Phan Thị Vàng Anh luôn sống, ước ao và khát khao có được tình yêu, hạnh phúc. Nhưng đôi khi họ còn quá trẻ, với những suy nghĩ quá đơn giản nên không lường trước được những phức tạp của cuộc đời. Để rồi, họ phải trả một cái giá quá đắt. Hẳn nhân vật cô bé trong Kịch câm sẽ ân hận biết bao khi nhận ra hành động nhặt tờ giấy thông hành của mình đã gây ra hậu quả nặng nề. Đáng ra, cô không nên nhặt được nó, không nên photo tờ giấy đó và càng không nên tuyên chiến ngầm với người bố. Bởi vì, khi làm những điều ấy, cô bé bỗng nhận ra rằng, mình đã sai lầm. Cô sống trong nỗi dằn vặt và sự hụt hẫng khi giờ đây, tình cảm giữa hai bố con như một sợi dây vô hình ngày càng xa cách. Nông nổi đến mức dại khờ, ngây thơ đến cả tin, Phan Thị Vàng Anh đã để cho các nhân vật của mình sống, trải nghiệm và rút ra những bài học quí giá.
Đỗ Hoàng Diệu lại đặt nhân vật của mình trong những hành động mang tính bản năng. Đó chính là những khao khát ái ân, những cuộc làm tình. Nhân vật trong truyện ngắn Đỗ Hoàng Diệu ngụp lặn trong hạnh phúc, sung sướng trong những thăng hoa của tình yêu: "Tôi hay chồm lên người Thụ nuốt lấy anh vồ vập" (Bóng đè). Nhân vật trong truyện ngắn Đỗ Hoàng Diệu phần lớn là những cô gái chủ động: "Tôi đu lên chàng. Tôi muốn sẵn sàng sinh cho chàng mọt vạn đứa con" (Vu quy). Mô típ trong truyện của Đỗ Hoàng Diệu thường là những cuộc ra đi - trở về, những hành trình của con người để tìm đến hạnh phúc. Đó là cuộc trở về quê chồng của người vợ trong Bóng đè, là hành trình ra đi đến với tình yêu của cô gái trong Vu quy hay là sự chạy trốn của người con gái khỏi ánh mắt kinh sợ của người chồng trong Dòng sông hủi. Đỗ Hoàng Diệu để cho các nhân vật của mình luôn có những hành động mạnh mẽ, táo bạo, tự chủ. Họ không phải là người phục tùng mà luôn muốn tự mình kiếm tìm tình yêu, hạnh phúc.