5. Cấu trúc luận văn
3.2.1. Tình huống mang tính bi kịch
Đọc truyện ngắn của ba tác giả nữ, chúng ta thấy, đa phần đó là các tình huống mang tính bi kịch. Các nhà văn thường sáng tạo ra tình huống bi kịch để cho nhân vật bộc lộ những nét tính cách của mình. Đó thường là những bi kịch tình yêu, hạnh phúc, bi kịch của con người trước cuộc sống.
Một điều thường thấy trong những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư là tác giả để cho nhân vật của mình rơi vào trong những cuộc tình tay ba hay tình yêu đơn phương. Tình yêu cứ như một cuộc rượt bắt đối với các nhân vật trong truyện. Trong Hiu hiu gió bấc chị Hảo thương anh Hết nhưng anh Hết lại thương chị Hoài: "họ thương nhau từ lúc hai người mới hai hai, hai bốn tuổi". Chị lại càng thương hơn khi chứng kiến anh Hết khóc tiễn đưa chị Hoài sang sông. Chị Hảo chờ đợi anh Hết mà không đòi hỏi một điều gì. Chị yêu thương anh, quan tâm đến anh và chính vì:"Hiểu nên tôi chờ đây nè". Chị chấp nhận chờ đến khi anh Hết thôi buồn khi đưa con tốt qua sông. Chờ đến bao giờ, chị Hảo không biết nhưng một điều chắc chắn chị biết rằng, tình cảm trong chị sẽ không bao giờ đổi thay. Trong Dòng nhớ, Nguyễn Ngọc Tư cũng đặt ba người phụ nữ trong một tình huống đầy bi kịch: một người bà ân hận vì trót phản đối con, một người má sống gần hết cuộc đời vẫn không hưởng trọn một niềm vui và một người phụ nữ lặng lẽ sống một mình với nỗi thương chồng con tha thiết. Không cầm lòng được, má đã quyết định đến gặp chị, đến để xem người đàn bà kia có ma lực như thế nào mà khiến cho chồng mình đến gần cuối đời vẫn không quên được. Và khi tận mắt chứng kiến cuộc sống đơn sơ của chị, chứng kiến cảnh chị nuốt nước mắt vào trong để xoa dịu những nỗi đau, má thốt lên trong nghẹn ngào: "Đàn bà mình sao khổ vậy". Má hiểu được nỗi khổ của người đàn bà và đã thôi không còn oán hận người đàn bà đó nữa. Số phận trớ trêu đã đẩy hai người phụ nữ vào hoàn cảnh bi kịch, mỗi người lặng lẽ chấp nhận nỗi đau của riêng mình. Đặt nhân vật vào trong tình huống bi kịch, Nguyễn Ngọc Tư muốn khẳng định nét đẹp trong tính cách con người Nam Bộ: vị tha, nhân hậu và
bao dung. Đặc biệt, trong Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư đã rất bạo tay khi dựng nên tình huống bi kịch của tình yêu - lòng thù hận. Tình yêu chết đi đã hóa thành lòng thù hận của người cha đối với đàn bà và ngay cả đối với những đứa con. Giờ đây, đối với người cha, tất cả chỉ là lòng thù hận không nguôi về quá khứ. Nó ám ảnh, làm cho cuộc sống của ba cha con ngột ngạt, tù túng và xa lạ trên chiếc ghe lênh đênh từ dòng sông này đến dòng sông khác. Bi kịch được đẩy lên đến đỉnh điểm khi người con gái tên Sương bỏ đi, thằng Điền cũng bỏ đi. Đứa con gái còn lại đã sống trong những tháng ngày của sự cô đơn và đau đớn khi bị cưỡng hiếp:
"Người cha cởi cái áo trên người để đắp lên đứa con gái. Ông ta bò quanh nó, tìm bất cứ thứ gì để có thể che cơ thể nó dưới mặt trời. Dường như đứa con gái đang chết, chỉ đôi mắt là rưng rức chớp mở không thôi". Đó là bi kịch của đứa con gái, cũng chính là bi kịch của người cha khi nhận ra lỗi lầm của mình. Truyện Cánh đồng bất tận liên tiếp những tình huống bi kịch được đặt liền nhau đã khắc họa số phận cùng cực của con người và đồng thời là bức tranh tố cáo hiện thực xã hội mạnh mẽ và sâu sắc.
Các tác giả Phan Thị Vàng Anh hay Đỗ Hoàng Diệu cũng tìm cho mình những tình huống mang tính bi kịch. Đó là bi kịch tình yêu của cô gái trẻ si tình trong Khi người ta trẻ. Chỉ vì một phút nông nổi mà người con gái ấy đã tự kết thúc cuộc đời mình. Kết thúc câu chuyện là một tình huống đầy bi kịch - đó cũng là lời nhắc nhở cho các cô gái trẻ mới bắt đầu bước vào ngưỡng cửa của tình yêu. Đó còn là tình huống giữa hai cha con trong Kịch câm. Càng ngày, đứa con càng thấy ân hận vì mình đã trót tuyên chiến với người cha. Cô ân hận, dày vò mình vì hành động trẻ con, nông nổi đã phá vỡ đi hình ảnh và tình cảm giữa hai cha con.
Đỗ Hoàng Diệu lại đặt nhân vật của mình trong những tình huống bi kịch thật lạ: đó là bi kịch của cô gái bị hãm hiếp ngay tại nhà chồng bởi bóng ma trên bàn thờ tổ tiên. Đó còn là bi kịch của cô gái trẻ phải lấy một xác ướp làm chồng trong Vu quy. Và còn là bi kịch của người vợ trẻ trước ánh mắt soi mói, lạnh lùng đến ghê sợ của người chồng trong Dòng sông hủi. Ở mỗi truyện ngắn, Đỗ Hoàng Diệu lại khám phá cho mình những tình huống bi kịch khác nhau. Thông qua những
tình huống đó, tác giả muốn gửi bức thông điệp bằng cách riêng của mình tới độc giả.