Giọng trữ tình, đằm thắm, sâu lắng

Một phần của tài liệu Nhân vật người phụ nữ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu và Phan Thị Vàng Anh (Trang 84)

5. Cấu trúc luận văn

3.1.2.1.Giọng trữ tình, đằm thắm, sâu lắng

Có ý kiến cho rằng: "Cánh đồng bất tận là một bài thơ bằng văn xuôi. Chất thơ đó nằm trong sự lặp lại ở các cấp độ từ ngữ, hình ảnh thấm tình người được diễn đạt bằng một giọng văn dung dị, hiền lành"[11,290]. Bởi thế, xuyên suốt trong những trang văn của Nguyễn Ngọc Tư là giọng trữ tình, đằm thắm và sâu lắng. Không khó để tìm thấy trong những trang văn của Nguyễn Ngọc Tư một giọng điệu trữ tình: "Sáng mai thôi nó sẽ xuống vỏ rồi về ở miết nhà người ta. Nhớ cái cối xay bột dựa hàng kệ đựng niêu tỏi, dầu ăn, nước mắm… Con mèo ngủ thiu thiu trên đầu bộ ngựa, mấy cái võng giăng quây quần quanh bồ lúa" (Huệ lấy chồng). Thường đó là dòng tâm trạng của nhân vật, là nỗi nhớ da diết: "Mỗi lần qua sông Cái Lơn, Giang lại nghĩ chắc tới già, tới chết, mình sẽ chẳng bao giờ rời chiếc ghe nhỏ nầy đâu". Cũng có khi đó là những đoạn văn miêu tả cảnh sông nước, cánh đồng mang đậm màu sắc lãng mạn: "Cánh đồng không có tên. Nhưng với tôi và Điền, chẳng có nơi nào là vô danh, chúng tôi nhắc, chúng tôi gọi tên bằng những kỉ niệm mà chúng tôi có trên mỗi cánh đồng. Chỗ chị em tôi trồng cây. Chỗ Điền bị rắn cắn, chỗ tôi có kỳ kinh nguyệt đầu tiên… Và mai nầy khi trôi dạt đến một nơi nào khác, nhắc đến cánh đồng này với cái tên của chị, chắc chúng tôi sẽ xốn xang". Cứ thế, bằng một giọng điệu trữ tình, sâu lắng Nguyễn Ngọc Tư dẫn dắt người đọc bước vào thế giới của mình, để rồi không khỏi bùi ngùi, xúc động trước những thân phận, cảnh đời.

Khung cảnh sông nước miệt vườn, những con người Nam Bộ hiện lên qua giọng văn giản dị, trữ tình mà sâu sắc đã đem đến cho người đọc những cảm nhận thân thuộc và gần gũi.

Một phần của tài liệu Nhân vật người phụ nữ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu và Phan Thị Vàng Anh (Trang 84)