5. Cấu trúc luận văn
3.3.1. Miêu tả ngoại hình
Ngoại hình là một trong những yếu tố đầu tiên giúp bạn đọc tiếp cận với thế giới nhân vật của tác phẩm. "Ngoại hình là một khái niệm để chỉ hình dáng, diện mạo, trang phục, cử chỉ, tác phong… tóm lại, là toàn bộ những biểu hiện tạo nên dáng vẻ bên ngoài của nhân vật" [12,134]. Nhà văn có thể trực tiếp khắc họa ngoại hình nhân vật thông qua ngôn ngữ người kể chuyện hoặc gián tiếp khắc họa qua ngôn ngữ hoặc cái nhìn của nhân vật khác trong tác phẩm. Điều đó làm đa dạng, phong phú cách thức miêu tả ngoại hình nhân vật trong truyện ngắn. Cũng có khi,
tác giả tập trung miêu tả ngoại hình trong một đoạn văn, một chương truyện nhưng cũng có khi ngoại hình lại được miêu tả rải rác trong suốt diễn biến chiều dài của câu chuyện, qua những tình huống và hành động khác nhau của nhân vật. Tìm hiểu về cách miêu tả ngoại hình trong truyện ngắn của ba cây bút nữ sẽ cho ta những cái nhìn thú vị về thế giới nhân vật.
Các nhà văn trẻ thường chú trọng khai thác ngoại hình của nhân vật để từ đó khắc họa tính cách và số phận của họ. Nguyễn Ngọc Tư và Phan Thị Vàng Anh thường miêu tả khuôn mặt, hình dáng của nhân vật. Dường như, số phận đã in đậm nên dáng người, khuôn mặt của các nhân vật nữ trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư: "Vóc dáng Điệp vốn nhỏ nhắn, đi hát cải lương từ năm mười sáu tuổi đến năm hai mươi hai tuổi chỉ chuyên đóng vai đào con". Điệp có hình dáng của một đứa trẻ thơ nhưng lại mang khuôn mặt của người già. Vì thế, dường như, số phận cũng không mỉm cười với Điệp. Trong khi mọi người được đóng vai thái hậu, cung phi, nữ tướng thì bao nhiêu năm rồi, Điệp cũng chỉ được đóng một loại vai - loại vai nhỏ bé: vai con nít. Đã bao lần Điệp tính bỏ nghề vì "diễn vai con nít hoài chán lắm" nhưng nó đã là cái nghiệp ăn sâu vào trong máu thịt của Điệp rồi. Điệp biết "dáng Điệp con con, cái chân nhỏ, khuôn mặt tròn dình như cái tô múc cá kho, cao chưa đầy một mét năm mươi, lúc đứng chỉ bằng ngực bạn diễn… Tất cả người Điệp toát ra cái vẻ trẻ con không chịu được" nên "Điệp biết có đánh đổi cả đời mình cũng không diễn được vai oai nghi lãm lẫm như vai thái hậu Dương Vân Nga chẳng hạn". Điệp không lấy thế làm buồn. Điệp bằng lòng với vai diễn cũng như bằng lòng với số phận của mình. Điệp không kêu ca, oán trách, sống vị tha, nhân hậu. Đối lập với ngoại hình nhỏ con của Điệp là những suy nghĩ rất người lớn: "phải biết tha thứ hết thảy mọi người". Miêu tả đối lập giữa ngoại hình và tính cách nhân vật, Nguyễn Ngọc Tư đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc về nhân vật Điệp.
Bên cạnh đó, Nguyễn Ngọc Tư thường miêu tả ngoại hình của những cô đào với nhan sắc phai tàn để nói lên số phận bi kịch của họ: Bởi yêu thương, Cuối mùa nhan sắc,… Khi trẻ, họ là những cô đào nổi tiếng làm mê đắm lòng người, nhưng khi về già thì nhan sắc của họ đã tàn phai. Ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư thật tinh
tế khi miêu tả ngoại hình của cô đào Điệp: "Chị ốm, mỏng như hột cốm dẹp. Tóc đã rụng hết đến nỗi ở xa chừng mười bước có thể đếm được từng sợi, từng sợi còn sót lại". Chị đau khổ khi nhận ra rằng, thời gian, bệnh tật đã làm chị trở nên già cỗi. Chị xót xa khi hàng ngày chứng kiến cảnh mình càng tàn tạ và héo mòn: "bây giờ, chị không còn sống bao lâu nữa. Khối u ở cổ đã đi vào não. Gương mặt xinh đẹp của chị biến đổi, nhiều bữa ngủ thức dậy, đôi mắt sưng húp, mũi chảy máu ròng ròng. Tai bắt đầu ù ù không nghe rõ". Người nghệ sỹ, sau bao năm tháng hi sinh tuổi xuân của mình trên sàn diễn, đến cuối đời lại lặng lẽ sống nơi hẻm nhỏ, với nỗi đau về thể xác và nỗi héo mòn vì nhan sắc tàn phai. Đào Điệp đã không muốn gặp San, cô bé từng một thời yêu mến, ngưỡng mộ chị bởi lẽ "nó đã giữ trong lòng một hình ảnh đẹp để ước mơ, mình đừng phá hư đi". Chị muốn mình mãi mãi sẽ là cô đào Điệp xinh xắn, duyên dáng trong mắt của San. Chị đau khổ khi nhận ra rằng, giờ đây, hình ảnh ấy chỉ còn trong quá khứ. Miêu tả ngoại hình nhân vật, Nguyễn Ngọc Tư muốn gửi gắm số phận bất hạnh của những cô đào trong xã hội sau khi đã giã từ sự nghiệp sân khấu.
Trong Cuối mùa nhan sắc, hình ảnh cô Đào Hồng từng làm siêu lòng chàng công tử nổi tiếng xứ Bạc Liêu nay chỉ còn là quá khứ. Giờ đây, đào Hồng sống trong một hẻm nhỏ, hàng ngày gánh chè đi bán để kiếm sống. Cuộc đời nghệ sỹ chóng nổi mà cũng chóng phai tàn. Đào Hồng đau đớn khi: "vừa xổ mái tóc cỗi cằn xơ xác ra, lặng người, tay cầm rưng rưng cái đầu tóc mượn". Bà soi mặt xuống nước và bật khóc: "Ước gì, nước đừng trong như vậy để khỏi phải hiện lên một nhan sắc tàn phai". Nguyễn Ngọc Tư đã rất tinh tế khi miêu tả ngoại hình của nhân vật. Lựa chọn miêu tả chi tiết mái tóc để thấy được sự phai tàn của nhan sắc, mượn hình ảnh bóng người soi xuống nước để miêu tả nỗi đau của nhân vật Đào Hồng. Các cụ đã nói :"cái răng, cái tóc là vóc con người". Một mái tóc cằn xơ xác là minh chứng cho thời gian đã làm ố màu nhan sắc, khiến đào Hồng không còn tự tin để đi gặp Thường Khanh. Không cần miêu tả chi tiết từng đường nét trên gương mặt, chỉ cần miêu tả bóng người in dưới nước, Nguyễn Ngọc Tư cũng giúp người đọc hình dung được nỗi đau của cô đào từng một thời nức tiếng xinh đẹp. Thường Khanh trở lại
hẻm "Cây Còng" với mong ước được gặp lại, chiêm ngưỡng nhan sắc một thời. Nhưng khi gặp đào Hồng, khi tận mắt chứng kiến sự phai tàn về nhan sắc, Thường Khanh ngỡ ngàng không nhận ra. Nó khiến tim đào Hồng đau nhói, khiến bà giờ đây như trái bầu khô, ngày càng héo mòn đi. Chút hi vọng cuối cùng vào tình yêu thời son trẻ không còn nữa, Đào Hồng đã ra đi khi diễn vở kịch cuối cùng của cuộc đời mình. Đó là cái kết bi kịch cho một nhan sắc, một tài năng.
Chỉ bằng vài chi tiết nhưng người đọc có thể hình dung ra được sự đau đớn của người đàn bà khi bị đánh ghen trong truyện ngắn Cánh đồng bất tận: "Tôi bò vào trong ghe, lấy áo đắp lên người chị, sao cho che được đôi vú rách bươm và khoảng đùi rớm máu. Chị cười mếu máo, nói cảm ơn bằng mắt và thiếp đi". Nỗi đau hành hạ cả thể xác và tâm hồn của chị: "chị từ chối cả uống nước, đợi môi khô đã bắt đầu nứt ra, chị mới chịu húp vài ngụm ít ỏi, dường như chỉ đủ ướt môi". Người đàn bà ấy đã bị đánh ghen đến tả tơi. Chị rã rời trong những cơn đau, trong cái nhói buốt khiến toàn thân tê liệt. Nguyễn Ngọc Tư đã chọn những chi tiết hết sức đắt giá đủ để gợi cho chúng ta sự đau đớn của người đàn bà đã bị đánh ghen bằng những cách thật tàn nhẫn. Diện mạo của cô gái điếm hiện lên thật đáng thương, tội nghiệp trong mắt những đứa trẻ thơ. Qua đây, Nguyễn Ngọc Tư đã cất lên tiếng nói tố cáo hiện thực xã hội phũ phàng và đầy khắc nghiệt với sự ghen tuông, sự trả thù của những con người.
Phan Thị Vàng Anh thường miêu tả ngoại hình để thấy được tính cách, tâm trạng của nhân vật. Đó là ánh mắt, nụ cười của người cô trong truyện ngắn Khi người ta trẻ: "cô cười một cái cười xanh xao đôi mắt u ám chợt trở nên buồn và trong veo kỳ lạ". Nụ cười và đôi mắt ấy là của những kẻ thất tình, nó vô hồn, trống rỗng và buồn bã. Dường như, nó cũng là điềm báo cho kết cục của câu chuyện tình. Nhân vật cô sau những tháng ngày đau khổ vì tình yêu đã chọn cho mình một giải pháp: ra đi khỏi cuộc sống. Mối tình đầu đã chết theo cô khi cô còn trong độ tuổi quá trẻ. Ngòi bút của Phan Thị Vàng Anh cũng thật tinh tế khi vẽ lên bức chân dung về người con gái tên Thương trong truyện ngắn Thương: "Trông cô vẫn thế, có phần mập hơn, đuôi mắt như dao, miệng rộng, son đỏ chót, chân dài, đi lại khoan
thai như một con báo". Cô có cách sống phóng khoáng của một cô gái trẻ, dễ yêu, dễ rung cảm. Cô sống vui vẻ, vô tư, ca hát suốt ngày. Từ khi cô dọn đến ở, ông Hạo trở nên vui vẻ. Căn nhà vắng vẻ nay tràn ngập tiếng cười. Vẻ đẹp của cô khiến cho Lâm ngơ ngẩn: "Nhìn nghiêng, qua bộ quần áo mỏng tang, trông cô đẹp như mấy pho tượng cổ xưa, màu mỡ và thanh khiết, kèm theo cái vẻ nhẫn nhục trên gương mặt, rất đàn bà". Phan Thị Vàng Anh đã miêu tả ngoại hình của cô Thương bằng ngôn ngữ tinh tế với lối ví von so sánh đã cho thấynhững nét đẹp trẻ trung, tràn đầy sức sống và đầy quyến rũ của người con gái. Hình ảnh người phụ nữ trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh chủ yếu là những cô gái đang trong lứa tuổi mới lớn với vẻ đẹp mơn mởn, tươi tắn, với những khát khao yêu thương, những suy nghĩ về gia đình, về bạn bè.
Nếu Nguyễn Ngọc Tư và Phan Thị Vàng Anh thường miêu tả hình dáng, khuôn mặt nhân vật thì Đỗ Hoàng Diệu lại chú trọng đến những chi tiết nhỏ như: đôi mắt, bàn tay. Cô gái trong Bóng đè có "đôi bàn tay nhỏ nhắn và mềm mại hiếm thấy. Bàn tay không thay dổi theo mùa hay béo gầy cơ thể… Bàn tay với làn da mỏng tang không trọng lượng". Chỉ có bàn tay ấy là như tách rời thể xác "không chấp nhận, không đồng lõa, không thỏa hiệp mọi chuyện". Cô gái nâng niu, yêu quí và giữ gìn đôi bàn tay của mình. Cô giữ cho đôi bàn tay luôn được thanh sạch: "Nắng lung linh trên năm ngón dài ngắn thanh tao lạ thường… một bàn tay không béo gầy, không trọng lượng, chỉ có làn da mỏng tanh nhưng biết níu giữ tự do cho dù bị thân thể trói buộc. Nắng tắt mà bàn tay vẫn óng ánh diệu kì". Bàn tay đã trở thành một biểu tượng, nét đẹp của người con gái, nó còn thể hiện tâm hồn của con người. Mở đầu câu chuyện là hình ảnh bàn tay, kết thúc câu chuyện vẫn là hình ảnh bàn tay, nó gợi cho người đọc sự liên tưởng và ám ảnh kì lạ. Đó là bàn tay biết níu giữ sự tự do cho dù thân thể buộc trói. Chính vì lẽ đó mà biểu tượng đôi bàn tay đã trở thành một ám ảnh giàu sức gợi trong truyện ngắn Bóng đè.
Một chi tiết mà Đỗ Hoàng Diệu cũng rất hay miêu tả trong truyện ngắn của mình là vòm ngực đầy của người thiếu nữ. Vòm ngực là biểu tượng cho vẻ đẹp, sức sống của cô gái trẻ đồng thời cũng là biểu hiện cho khát khao mang tính dục, khát
khao được đắm chìm trong sự hòa quyện về thể xác. Rất nhiều lần, Đỗ Hoàng Diệu đã miêu tả chi tiết vòm ngực: "Tôi thấy vú tôi nở ra trong đêm tối, nở lớn như một đóa vạn thọ bất chợt bung cánh, to bằng một cái bát"(Bóng đè). Nỗi ám ảnh đã trở thành khát khao được đắm mình trong những cơn hoan lạc dưới bàn thờ tổ tiên nhà chồng của cô gái. Và để rồi, cô gái ấy tự an ủi mình: "tôi biết đó là tộ lỗi nhưng rồi lại tự nhủ đó là một thứ tội tổ tông mà chẳng ai có quyền chê trách". Trong Vu quy, Đỗ Hoàng Diệu cũng miêu tả vòm ngực của cô gái sau cuộc hành trình ân ái: "Giữa hai bầu vú căng hồng của người đàn bà chàng yêu, không còn mất mát, không còn đau khổ". Đây là biểu hiện của người đàn bà được yêu và hạnh phúc với tình yêu thăng hoa. Vẻ đẹp của cô gái dân tộc tên H' Linh đã làm chao đảo chàng trai thành thị: "một cô gái đẹp như tiên giáng thế, hai tay hai bầu nước bước lên từ lòng suối lay động. Bộ ngực để trần lúc lắc theo bước chân chắc hoang đàng". Chàng trai ngỡ ngàng khi chiêm ngưỡng một nhan sắc đẹp một cách tự nhiên, mộc mạc nhưng vô cùng quyến rũ. Chàng trai đã quyết định yêu cô và ở lại mãi mãi nơi này. Đỗ Hoàng Diệu đã miêu tả chi tiết vòm ngực như là một minh chứng cho vẻ đẹp và sự khát khao tình dục của người phụ nữ, thể hiện bản năng rất đàn bà trong mỗi con người.
Bên cạnh đó, Đỗ Hoàng Diệu cũng thường miêu tả cơ thể con người với những cách ví von so sánh đầy tượng hình:" thân hình tôi cong lên hình chữ S, một chữ S cố phản kháng" hoặc miêu tả đôi chân mềm mại của người phụ nữ. Đôi chân ấy chính là biểu tượng cho hành trình chạy trốn khỏi quá khứ để kiếm tìm tình yêu, hạnh phúc của các cô gái.
Mỗi nhà văn nữ đều có cách miêu tả ngoại hình khá riêng, góp phần tạo nên diện mạo nhân vật và qua đó phần nào thể hiện tính cách, số phận của nhân vật trong mỗi câu truyện.