5. Cấu trúc luận văn
2.2. Khái lược về nhân vật người phụ nữ trong văn học Việt Nam, văn học
đương đại và sáng tác của ba tác giả
Viết về người phụ nữ là mạch nguồn bất tận trong các sáng tác thơ văn từ xưa cho tới nay. Ngay từ văn học dân gian, chúng ta đã bắt gặp những câu ca dao, dân ca ca ngợi vẻ đẹp cô thiếu nữ:
Trúc xinh trúc mọc đầu đình Em xinh em đứng một mình cũng xinh
Tuy nhiên, trong xã hội phong kiến, người phụ nữ bị bó buộc bởi những luật lệ, lễ giáo hà khắc. Họ không có quyền quyết định thân phận cũng như số mệnh của mình:
Thân em như tấm lụa đào Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
Hình ảnh người phụ nữ trong các sáng tác ca dao, dân ca là hình ảnh của những con người khao khát tự do yêu đương, tự do hạnh phúc và giải phóng khỏi ràng buộc của lễ giáo phong kiến.
Có ý kiến cho rằng: truyện cổ tích là những giấc mơ đẹp của con người về tương lai tươi sáng. Người phụ nữ trong truyện cổ tích thường có số phận bất hạnh, thấp cổ bé họng nhưng mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp. Họ là những người phụ nữ nhân hậu, bao dung. Tuy nhiên, họ phải chịu thiệt thòi giữa xã hội phong kiến đầy bất công. Nhân vật Tấm trong truyện Tấm Cám, nhân vật Mỵ Châu trong truyện Mỵ Châu - Trọng Thủy,... là những ví dụ tiêu biểu. Thông qua số phận của người phụ nữ, tác giả dân gian muốn gửi gắm ước mơ về một xã hội công bằng, dân chủ trong đó người phụ nữ được giải phóng khỏi những áp đặt của luật lệ hà khắc.
Đến với văn học trung đại, hình ảnh người phụ nữ vẫn tiếp tục được miêu tả với tư tưởng chủ đạo "hồng nhan bạc mệnh". Đó là nàng Vũ Nương trong truyện
Người con gái Nam Xương, người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc, hay người thiếu phụ trong Chinh phụ ngâm,... Nàng Vũ Nương chung thủy nhưng bị nghi ngờ ngoại tình đến nỗi phải lấy cái chết để minh oan. Người cung nữ xinh đẹp ngày ngày mỏi mòn, héo hon chờ đợi, cô đơn trong cung cấm. Còn người thiếu phụ như hóa đá chờ chồng đi chinh chiến với một niềm khát khao được đoàn tụ. Họ đều là những người phụ nữ đẹp, mang những phẩm chất tiêu biểu của con người Việt Nam, nhưng gặp nhau ở số phận bất hạnh. Đặc biệt, đến cuối thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XIX là sự nở rộ của những tác phẩm viết về người phụ nữ. Nguyễn Lộc viết: "Chưa bao giờ trong văn học lại nói nhiều về phụ nữ như giai đoạn này. Hình ảnh người phụ nữ là hình ảnh thành công nhất trong văn học cuối thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XIX. Dường như tác giả nào cũng ít nhiều nói về phụ nữ. Không những Nguyễn Du, Phạm Thái, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm viết về phụ nữ mà Phạm Đình Hổ, Ninh Tốn, Lý Văn Phức cũng viết về phụ nữ." Trong cuốn Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam, bên cạnh ba mẫu hình nhà Nho, Trần Ngọc Vương cũng nhấn mạnh đến hình ảnh cặp đôi tài tử - giai nhân. Trần Nho Thìn đã khẳng định: sang
thế kỉ XVIII, nhân vật chính trong văn học là phụ nữ. Nguyễn Du đã dành hẳn một tác phẩm dài hơi: Truyện Kiều để miêu tả về cuộc đời chìm nổi mười lăm năm lưu lạc của nàng Kiều. Thúy Kiều hội tụ đầy đủ những nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam: xinh đẹp, hiền lành, hiếu thảo, tài hoa nhưng số phận lại bất hạnh. Bi kịch của nàng Kiều cũng là bi kịch chung của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Tác phẩm là tấm lòng đồng cảm chân thành của Nguyễn Du, đồng thời là bản án tố cáo chế độ phong kiến đã đẩy người phụ nữ vào bước đường cùng.
Bên cạnh đó, văn học giai đoạn này còn là tiếng nói đòi quyền sống, quyền tự do của người phụ nữ. Hồ Xuân Hương là nữ tác giả đi tiên phong trong vấn đề này. Trong thơ Hồ Xuân Hương, hình ảnh người phụ nữ hiện lên trong tư thế của những con người chủ động, cất lên tiếng nói phản kháng lại xã hội phong kiến:
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Hồ Xuân Hương lên tiếng bênh vực người phụ nữ, vì thế trong thơ bà, hình ảnh người phụ nữ hiện ra vô cùng mạnh mẽ:
Ví đây đổi phận làm trai được Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?
Các tác giả văn học trung đại đã có sự kế thừa và phát triển hình ảnh người phụ nữ trong văn học dân gian, đem đến những phát hiện và tìm tòi mới về loại hình nhân vật này.
Bước sang thế kỉ XX, văn học tiếp tục đổi mới trong việc khắc họa hình ảnh người phụ nữ. Các nhà văn đi sâu miêu tả thế giới nội tâm đầy phức tạp của người phụ nữ một cách tinh tế và sâu sắc. Tiểu thuyết của nhóm Tự lực văn đoàn đã tái hiện nhân vật trung tâm là người phụ nữ với những cung bậc cảm xúc và nội tâm đa chiều như: Mai (Nửa chừng xuân - Khái Hưng), Loan (Đoạn tuyệt - Nhất Linh). Hình ảnh người phụ nữ trong giai đoạn này mạnh mẽ hơn. Không còn cái sợ sệt đến thu mình như trong văn học dân gian và văn học trung đại, giờ đây, người phụ nữ đã dám đứng lên để chống lại xã hội phong kiến. Chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố là một ví dụ. Chị Dậu tiêu biểu cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam dưới chế
độ thực dân nửa phong kiến: hiền lành, yêu chồng, thương con nhưng phải chịu sự đè nén bất công của sưu cao, thuế nặng. Chứng kiến cảnh chồng bị tra tấn, đánh đập dã man vì không đủ tiền nộp sưu, chị Dậu đã đứng lên phản kháng. Đó là sự phản kháng mang tính chất “tức nước vỡ bờ”, thể hiện tinh thần đấu tranh đòi quyền tự do, bình đẳng của người phụ nữ trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Từ đây, ngày càng nhiều cây bút viết về người phụ nữ với cái nhìn đồng cảm, trân trọng. Nam Cao – nhà văn hiện thực xuất sắc đã có những trang văn miêu tả nỗi lòng, thân phận người phụ nữ vô cùng thấm thía, xúc động: Dì Hảo, Ở hiền, Nghèo,... Bằng sự đồng cảm chân thành, sâu sắc của mình, truyện ngắn của Nam Cao là tiếng nói ca ngợi vẻ đẹp người phụ nữ đồng thời cũng là tiếng nói tố cáo, lên án xã hội cũ đã chà đạp, xô đẩy người phụ nữ vào bước đường cùng.
Văn học cách mạng tiếp tục mạch cảm hứng về người phụ nữ với những nét mới. Người phụ nữ giờ đây là những người anh hùng trực tiếp cầm súng chiến đấu: chị Út Tịch trong Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi) hay chị Sứ trong Hòn Đất - Anh Đức, Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng - Nguyễn Minh Châu,... Đó là những cô thanh niên xung phong, những người mẹ biết cầm súng chiến đấu, những người anh hùng trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Người phụ nữ thời kì này hội tụ những nét đẹp của con người Việt Nam trong kháng chiến: nhân hậu, yêu chồng con, dũng cảm, dám hi sinh hết mình.
Chiến thắng vĩ đại năm 1975 đã khép lại 30 năm chiến tranh gian khổ, hào hùng đồng thời mở ra một chặng đường mới. Đây cũng là dấu mốc ghi nhận sự đổi mới, chuyển mình của văn học. Sự thay đổi trong quan niệm về con người đã ảnh hưởng đến cách nhìn và thể hiện về người phụ nữ. Nếu trước kia nhân vật phụ nữ là những người anh hùng thì sau chiến tranh, họ trở về với con người thực, cuộc đời thực và trong lòng không khỏi day dứt nỗi đau thời hậu chiến. Người phụ nữ trong giai đoạn này được nhìn nhận nghiêng về khía cạnh đời tư, với những tâm trạng, suy tư về cuộc đời, con người. Bước ra khỏi chiến tranh, nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng lại, thậm chí, trở thành một trong những ám ảnh không nguôi: Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (Nguyễn Minh Châu), Người sót lại của rừng cười
(Võ Thị Hảo), ... Đặc biệt, sự ảnh hưởng của trào lưu văn học nữ quyền đã khiến cho cho văn học thời kì này xuất hiện ngày càng nhiều những cây bút nữ, với rất nhiều tác giả tiêu biểu: Y Ban, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Phan Thị Vàng Anh, Đỗ Hoàng Diệu,... Có lẽ, người phụ nữ thường nhạy cảm hơn so với nam giới. Họ dễ dàng bắt tín hiệu những tâm tư, tình cảm của con người, những trăn trở băn khoăn của người phụ nữ trước cuộc sống. Và cũng chính vì vậy, hình ảnh người phụ nữ trong sáng tác của các cây bút nữ hiện lên đầy đủ, chân thật, sống động với đời sống nội tâm vô cùng phong phú. Nó đã làm nên diện mạo mới cho văn học đương đại - dòng văn học nữ quyền. Những thân phận, cuộc đời cụ thể, những mối tình dang dở hay ước vọng về tình yêu, hạnh phúc được thể hiện đầy đủ, trọn vẹn trong sáng tác của các cây bút nữ. Họ đã "đau cái đau của người cùng giới, buồn cái buồn của người đàn bà đang yêu"[22]. Họ không ngừng khao khát về tình yêu, cuộc sống với bản tính dịu dàng, nhân hậu nhưng cũng vô cùng mạnh mẽ, quyết liệt và chủ động. Sự lên ngôi của các cây bút nữ đã làm cân bằng cán cân lực lượng sáng tác, đồng thời hé mở cánh cửa tâm hồn vốn dĩ khép chặt đối với người phụ nữ truyền thống trước đây.
Ba cây bút nữ trẻ: Nguyễn Ngọc Tư, Phan Thị Vàng Anh và Đỗ Hoàng Diệu với ba cá tính sáng tạo và phong cách khác nhau đã làm nên sự đa dạng, phong phú của nền văn học đương đại. Họ là các nhà văn nữ viết về người phụ nữ nên hơn ai hết, họ thấu hiểu những thân phận đàn bà với nỗi đau và những kí ức ẩn giấu nơi sâu thẳm tâm hồn. Thế giới nhân vật nữ trong sáng tác của họ đa dạng, phong phú vừa mang những nét tương đồng nhưng lại mang màu sắc riêng biệt. Ta bắt gặp hình ảnh người phụ nữ mang những gương mặt khác nhau: đó là gương mặt hiền lành, chịu thương chịu khó, có tấm lòng nhân hậu, vị tha trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư hay gương mặt trẻ con, nông nổi bồng bột trong tình yêu của Phan Thị Vàng Anh hoặc gương mặt người đàn bà đầy táo bạo, mạnh mẽ của Đỗ Hoàng Diệu. Tuy có số phận bất hạnh nhưng điểm chung ở những người phụ nữ trong sáng tác của các cây bút nữ chính là sự vươn lên không ngừng trong cuộc sống và những khao khát không bao giờ tắt về tình yêu, hạnh phúc. Đọc truyện ngắn của ba tác giả:
Nguyễn Ngọc Tư, Phan Thị Vàng Anh và Đỗ Hoàng Diệu chúng ta thấy được những phong cách khác nhau trong cái nhìn đa chiều về người phụ nữ. Chính điều đó đã làm nên thành công của các cây bút nữ trong dòng chảy của truyện ngắn đương đại.