Giọng triết lý

Một phần của tài liệu Nhân vật người phụ nữ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu và Phan Thị Vàng Anh (Trang 85)

5. Cấu trúc luận văn

3.1.2.3. Giọng triết lý

Giọng điệu triết lý là giọng điệu ta thường thấy trong các sáng tác văn học. Các nhà văn nữ thường triết lý về cuộc đời, con người, về tình yêu. Hầu hết trong

truyện ngắn của ba tác giả đều là những triết lý giản dị, sâu sắc và mang đậm màu sắc nhân văn. Mỗi câu chuyện, mỗi mảnh đời là hiện thân cho một triết lý sống, bài học sống để chúng ta học hỏi và rút kinh nghiệm trong cuộc đời.

Đó là triết lý: "phải biết tha thứ cho hết thảy mọi người" (Chuyện của Điệp). Sống trên cuộc đời cần có lòng vị tha bởi ai trong cuộc đời cũng từng mắc sai lầm. Và hơn nữa, sống cần có sự hi sinh, nhường nhịn "cái gì của mình trước sau cũng của mình, cái gì không phải của mình đừng giành giật uổng công". Chính vì lẽ đó, Điệp đã trả lại bé Bơ cho Thục Quyên, tha thứ cho lỗi lầm của má và yêu thương đứa trẻ khi chúng chào đời. Con người miền Nam sống thoải mái, đơn giản, trọng nghĩa tình. Họ gắn bó với nhau không bởi tiền bạc, nhan sắc, không bởi những giấy tờ gò bó mà bởi cái tình cái nghĩa: "Những người có tình có nghĩa, dễ gì bỏ được nhau"(Làm mẹ). Triết lý nhân sinh cao đẹp ấy là lẽ sống của dì Diệu, của chị Lành để cuối cùng, hai người phụ nữ ấy đã tìm về với nhau trong tình yêu chung với đứa con. Và ở đời: "không có dòng nước mắt nào dịu mềm bằng dòng nước mắt chảy ra từ lòng hối hận" (Ngày đùa). Nguyễn Ngọc Tư đã có sự phát hiện rất tinh tế: "Thường thì đàn ông không nhớ sâu sắc và yêu sâu sắc như người đàn bà" (Người năm cũ). Cuộc đời con người, cho đến lúc cuối đời mới ngẫm ra: "Quyền lực đối với tôi càng giống như cục mỡ rệu trong veo trong nồi thịt kho tàu ngày Tết, nhìn thì thèm, ăn quá ngán mà bỏ thì tiếc" (Người năm cũ). Cô gái trước khi về nhà chồng đều có chung tâm trạng vui buồn lẫn lộn: "Trời đất buồn thương ở trong lòng, lúc nào tràn đầy thì phải khóc cho vơi chứ có phải rót nước ra từ cái ấm, lúc nào muốn rót thì rót, lúc nào không muốn thì thôi. Con gái lấy chồng, hỏi ai không tủi" (Huệ lấy chồng). Đây chính là tâm lý chung của những cô gái chuẩn bị lỡ bước sang ngang. Đặc biệt, những câu văn triết lý đầy sâu sắc khi kết thúc truyện Cánh đồng bất tận khiến người đọc không khỏi xúc động: "Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn". Tính chất triết lý đã trở thành nét nổi bật trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư khiến cho truyện của chị vừa có bề nổi

của hiện thực cuộc sống con người Nam Bộ, vừa có chiều sâu của những triết lý sống mang đậm tình người.

Truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh cũng có khá nhiều triết lý kiểu trẻ con của các cô gái mới lớn. Đó là phát hiện:" trẻ con có một đặc điểm hơn hẳn người lớn là có thể nhanh chóng thay đổi những hành động của mình mà hoàn toàn không tự ái" (Phục thiện). Người con gái mãn nguyện khi hai năm trời mình đã sống một cuộc sống khác hẳn so với trước đây và tự ví von: "tôi hài lòng vì mình đã không bắt nạt ai và cũng không ai bắt nạt mình, và theo cái lẽ thường tình, khi anh lùn không thể mặc những bộ quần áo dài, anh ta sẽ thèm thuồng ngắm nhìn những người cao diện chúng" (Phục thiện). Có đôi khi, nhân vật triết lý về cuộc đời - một triết lý rất hợp với tâm lý của những người trẻ còn nhiều nông nổi: "Ở cái tuổi này người ta điên đến mức nào, ngông cuồng đến mức nào và cần có bạn bè an ủi biết bao nhiêu, người ta lại thích trả thù nữa chứ" (Khi người ta trẻ). Triết lý này lí giải một cách logic cho cái chết đầy đáng thương của người cô với mối tình đầu đời còn nhiều bỡ ngỡ. Thất vọng khi nhận ra rằng, sự chờ đợi của mình cũng chỉ là vô vọng, nhân vật Tôi trong truyện ngắn Mười ngày đã thốt lên: "Tôi thấy người ta thường mong người khác bất hạnh để được tỏ lòng thương hại, ai cũng vậy, có điều người khôn thì giấu đi, kẻ dại thì để lộ". Cuộc đời con người sống và sẻ chia, chiêm nghiệm và tự rút cho mình những bài học sâu sắc là cách để Vàng Anh thể hiện trong các nhân vật của mình. Những cô gái trong truyện ngắn của Vàng Anh thường rút ra những kinh nghiệm về tình yêu sau khi đi qua những đổ vỡ của mối tình đầu: "Cuối cùng, những tình cảm vui buồn đến mấy cũng chỉ có thể trở thành kỷ niệm chứ không thể trở thành kinh nghiệm. Vậy thôi" (Nghỉ hè). Những điều đó, hẳn đã được trả giá bằng chính sự cả tin, ngây thơ của cô gái trẻ khi chập chững chạm chân vào cánh cửa cuộc sống.

Đỗ Hoàng Diệu lại chọn cho mình triết lý của những người đàn bà về cuộc sống, về tình yêu: "Đàn ông như anh, như phần đông đàn ông Việt Nam không biết đánh vần từ Chung Thủy trôi chảy" (Vu quy). Đi qua các cuộc tình, cô gái đau đớn nhận ra rằng: "Nếu vì màu sắc mà làm cho cuộc hôn nhân hạnh phúc chứ không

phải tình yêu, thế giới này làm gì còn đau khổ". Người phụ nữ sau bao lần muốn thoát khỏi sự kìm kẹp và những ràng buộc của thứ lễ giáo trong gia đình, cuối cùng đành ngậm ngùi chấp nhận sự sắp đặt của bố mẹ và coi đó như sự sắp đặt của số phận: " Số kiếp đã như vậy rồi, gái chính chuyên phải một chồng, biết vâng phục chồng và xã hội" (Vu quy). Đỗ Hoàng Diệu đã để cho nhân vật trải nghiệm và rút ra triết lý từ chính bài học của mình. Nó là thứ triết lý của những người đàn bà từng trải.

Hầu hết, các nhà văn nữ đều lựa chọn giọng điệu triết lý để tạo nên sức nặng, chiều sâu cho tác phẩm của mình. Nhưng nét đặc sắc là những triết lý ấy đều mang một màu sắc riêng, tạo thành những dấu ấn riêng trong hành trình sáng tạo của các nữ tác giả trẻ.

Một phần của tài liệu Nhân vật người phụ nữ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu và Phan Thị Vàng Anh (Trang 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)