Trí thức nữ ngành giáo dục đào tạo đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực, tạo ra lực lượng lao động mới có trình độ khoa học, có kĩ năng nghề nghiệp đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ở lĩnh vực này, những người làm công tác giảng dạy và giáo dục là những người chịu trách nhiệm truyền lại cho thế hệ sau những hiểu biết, những năng lực và phẩm chất tốt đẹp của một quá trình lịch sử dân tộc trên nhiều lĩnh vực để các thế hệ kế tiếp duy trì và phát triển phục vụ cho cuộc sống xã hội. Thế hệ sau không cần phải bắt đầu từ những điều chưa biết mà bắt đầu từ cơ sở của một nền văn minh vật chất và tinh thần do các thế hệ trước truyền lại, vì thế hệ sau tiếp nhận thông tin qua con đường giáo dục để rồi phát triển ở mức độ cao hơn. Như vậy để có thể hoàn thành được sứ mệnh người “truyền thụ” đòi hỏi người thầy nói chung phải có hai khả năng kiến thức của người thầy khác hơn kiến thức của một nhà trí thức là kiến thức đó phải đủ để hướng dẫn người học vừa chiếm lĩnh được nội dung giáo dục vừa hình thành được nhân cách theo mục tiêu và chiến lược giáo dục đào tạo phục vụ công tác đào tạo nguồn nhân lực của từng giai đoạn lịch sử hay nói cách khác là đào tạo nguồn nhân lực thế hệ nối tiếp và việc hình thành con đường truyền thụ kiến thức cho người học.
Trong sự phát triển của xã hội nói chung, con người đóng vai trò rất quan trọng. Con người không chỉ là chủ thể của hoạt động sản xuất của xã hội, mà con người vừa là điểm khởi đầu, vừa là điểm kết thúc của mọi biến đổi xã hội. Con người còn đóng vai trò là chủ thể của lịch sử, của tiến bộ xã hội, của mọi nền văn minh quốc gia.
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa sự thành công của quá trình này đòi hỏi ngoài môi trường chính trị ổn định phải có các năng lực cần
thiết như: năng lực con người, vốn, tài nguyên thiên nhiên, cơ sở vật chất kĩ thuật, vị trí địa lí và các nguồn lực nước ngoài. Các nguồn lực này có mối quan hệ với nhau nhưng mục đích tác động và vai trò của chúng đối với toàn bộ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa không giống nhau trong đó nguồn lực con người đóng vai trò cơ bản nhất, quyết định nhất cho thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thực tiễn trên thế giới đã ngày càng khẳng định tính đúng đắn trong việc phát triển nguồn nhân lực, lấy đó làm đòn bẩy phát triển kinh tế xã hội. Một quốc gia không giàu về tài nguyên nhưng vẫn có thể trở thành cường quốc về kinh tế, phát triển về công nghiệp nếu có chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao, chẳng hạn Nhật Bản là một minh chứng hùng hồn. Bên cạnh đó một số nước đã thành công trở thành những nước có nền công nghiệp mới (NIC) như Hàn Quốc, Singapo, Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông… Bởi vì những nước này họ coi phát triển nguồn nhân lực là yếu tố hàng đầu trong mọi quá trình phát triển xã hội, đầu tư cho con người là đầu tư có hiệu quả nhất cho sự phát triển.
Ở nước ta, để tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định nhất. Điều này được thể hiện ở chỗ: nguồn nhân lực không chỉ là kết quả của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà còn là chủ thể tích cực của quá trình đó. Các nguồn lực khác (vốn, tài nguyên thiên nhiên…) tự nó chỉ tồn tại dưới dạng tiềm năng. Chúng chỉ phát huy tác dụng và có ý nghĩa tích cực được khi kết hợp với nguồn lực con người thông qua hoạt động có ý nghĩa của con người. Nếu như các yếu tố khác như vốn, tài nguyên thiên nhiên, … dù có bao nhiêu cũng vẫn là “hữu hạn”, chúng không có sức mạnh tự thân và sẽ cạn kiệt dần trong quá trình khai thác – sử dụng của con người thì năng lực con người mà cái cốt lõi là trí tuệ lại là năng
lực vô tận. Bên cạnh đó trí tuệ con người có sức mạnh vô cùng to lớn khi nó được vật thể hóa trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Kinh nghiệm của nhiều nước và thực tiễn của chính nước ta cho thây sự thành công của công nghiệp hóa hiện đại hóa phụ thuộc chủ yếu vào hoạch định đường lối chính sách cũng như tổ chức thực hiện nghĩa là phụ thuộc vào năng lực nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người.
Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nguồn nhân lực có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nguồn nhân lực tham gia hoạt động trong các ngành kinh tế tạo ra hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng…Mặt khác là một bộ phận của dân số nguồn nhân lực tham gia tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ của xã hội.
Hiện nay cuộc cách mạng khoa học công nghệ mang tính chất quốc tế hóa đã cho phép các nước chậm phát triển có trình độ công nghiệp trung bình và công nghệ thấp như ở nước ta có thể đi tắt đón đầu, đi thẳng vào công nghệ mới thông qua chuyển giao khoa học - công nghệ. Để ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ vào sản xuất thì nó phụ thuộc vào trình độ của nguồn nhân lực. Nếu như nguồn nhân lực có tri thức, trình độ chuyên môn cao, khả năng nắm bắt, tiếp thu được những thành tựu khoa học, công nghệ nhanh, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của máy móc công nghệ, làm tăng năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế. Ngược lại nếu như nguồn lực không phát triển tương xứng với trình độ khoa học, công nghệ sẽ làm cản trở đến sự phát triển của đất nước, ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tóm lại, với những nội dung phân tích ở trên thì nguồn nhân lực đóng vai trò cơ bản nhất, quyết định nhất trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa Đảng khẳng định
cần phải : “ nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố thắng lợi quyết định thắng lợi của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa” [39;21] và “Phát huy nguồn lực con người Việt Nam là nhân tố cơ bản cho sự phát triển bền vững”[39; 85].
Song song với việc đào tạo nguồn nhân lực trí thức nữ ngành giáo dục đào tạo cũng góp phần nâng cao trình độ dân trí, phát triển nhân tài cho đất nước. Với một số lượng đông đảo chiếm tỉ lệ 71, 6% trong tổng số hơn 900. 000 giáo viên của các nước [20; 2]. Họ đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao dân trí, đưa tỉ lệ người biết đọc, biết viết tăng từ 88% năm 1989 lên 93% năm 2000, hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học. Đội ngũ này góp phần vào việc đào tạo nhân tài có lòng yêu nước, thông minh, sáng tạo vươn lên bắt kịp trình độ khoa học công nghệ hiện đại góp phần xứng đáng vào công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
Bên cạnh đó trí thức nữ ngành giáo dục đào tạo còn góp phần tham gia xây dựng, bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc, tạo dựng một giá trị tinh thần của người Việt Nam trong thời kì đổi mới. Vì vậy trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII đã nêu rõ “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, tâm hồn, tình cảm lối sống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển xã hội [39; 110]
Nhiệm vụ trung tâm của sự nghiệp văn hóa là bồi dưỡng con người Việt Nam về trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, nhân cách, xây dựng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan xã hội chủ nghĩa, hướng con người tới những giá trị “chân”, “thiện”, “mĩ”.
Như vậy thông qua hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, trí thức nữ ngành giáo dục đào tạo đã góp phần bảo vệ và phát triển nền văn hóa Việt Nam – nền tảng tinh thần của xã hội, họ đã khơi dậy, phát huy tiềm năng con người Việt Nam trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.