- Bảo vệ và phát triển bền vững đối với 633.686 ha rừng hiện có (tính đến 31 tháng 12 năm 2011); Đến năm 2015 tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 55%, trong đó: Tập trung trồng mới 32.700 ha, gồm: rừng phòng hộ, đặc dụng 14.700 ha và rừng sản
xuất 18.000 ha (trong đó trồng cây cao su trên đất lâm nghiệp khoảng 8.000 ha); trồng cây phân tán 1,0 triệu cây/năm; khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng 180.000 ha; bảo vệ rừng hiện còn 633.686 ha; đến năm 2015 diện tích rừng toàn tỉnh đạt 770.000 ha.
- Giảm căn bản tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; phát huy có hiệu quả các chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, tính đa dạng sinh học của rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.
- Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, khai thác rừng trái pháp luật; huy động các lực lượng thường xuyên phát hiện và phòng cháy, chữa cháy rừng kịp thời đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra; kiểm tra, giám sát việc trồng rừng thay thế đối với các dự án khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất có rừng sang xây dựng công trình thủy điện, khai thác khoáng sản và các công trình xây dựng khác, xử lý nghiêm minh đối với các sai phạm theo quy định.
- Phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành trung ương trong việc tham gia vào các nội dung đề án, dự án, cơ chế chính sách liên quan đến công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, bảo đảm mỗi cơ chế chính sách được ban hành có tính khả thi, phù hợp với thực tế địa phương.
- Phải quản lý, sử dụng và phát triển rừng của tỉnh một cách bền vững theo hoạch, kế hoạch bảo vệ phát triển rừng nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng rừng. Phải kết hợp bảo vệ, bảo tồn và phát triển với khai thác sử dụng rừng hợp lý; kết hợp chặt chẽ giữa trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng, cải tạo, làm giàu rừng với bảo vệ diện tích rừng hiện có; kết hợp lâm nghiệp với nông nghiệp, ngư nghiệp và các ngành nghề nông thôn. Đẩy mạnh công tác giao đất giao rừng cho các tập thể, cá nhân và hộ gia đình.
- Xây dựng lực lượng Kiểm lâm có trình độ, có năng lực, phẩm chất nghề nghiệp thực sự trong sạch vững mạnh.
- Đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ngày 02/11/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
- Xây dựng quy chế về khai thác lâm sản khác và kiểm tra, bảo đảm nguồn gốc lâm sản hợp pháp.
- Tiếp tục thực hiện chính sách khoán bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ là rừng tự nhiên và diện tích rừng chưa giao đang do UBND cấp xã quản lý ở khu vực thường xuyên bị đe dọa xâm hại cho cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình và cá nhân sinh sống trên địa bàn. Ngân sách Nhà nước đầu tư cho công tác khoán bảo vệ rừng đặc dụng bình quân 300.000đồng/ha/năm; rừng phòng hộ bình quân 200.000đồng/ha/năm.
- Thực hiện các chương trình thông tin- giáo dục- truyền thông, phổ biến kiến thức về pháp luật bảo vệ và phát triển rừng phù hợp với từng đối tượng, nhất là đối với đồng bào dân tộc sống ở những vùng sâu, vùng xa. Vận động các hộ gia đình sống trong và gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng; xây dựng và thực hiện các quy ước bảo vệ rừng ở cấp xã. Các xã có rừng phải tổ chức lực lượng bảo vệ rừng, trong đó lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt đáp ứng yêu cầu bảo vệ rừng ở địa phương.
- Thực hiện chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho kiểm lâm, đặc biệt là kiểm lâm địa bàn và tổ đội quần chúng bảo vệ rừng cấp xã; lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của các chủ rừng. Nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý thông qua đào tạo, tập huấn ngắn hạn về chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát. Tăng hợp lý biên chế kiểm lâm địa bàn cấp xã, kiểm lâm cơ động phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo tổng biên chế kiểm lâm toàn quốc bình quân 1.000 ha rừng có 01 biên chế kiểm lâm.
- Tăng cường phối hợp liên ngành, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý lâm nghiệp các cấp, Ủy ban nhân các cấp trong công tác QLBVR, quản lý lâm sản.