Các hình thức và nội dung kiểm tra quản lý bảo vệ rừng

Một phần của tài liệu Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý VPHC trong quản lý bảo vệ tài nguyên rừng tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La (Trang 48)

2.2.5.1. Các hình thức kiểm tra quản lý bảo vệ rừng

Theo tính kế hoạch: Nếu xét theo tính kế hoạch thì hoạt động kiểm tra có hai hình thức là kiểm tra theo chương trình, kế hoạch và kiểm tra đột xuất.

- Kiểm tra quản lý bảo vệ rừng theo chương trình, kế hoạch: được tiến hành theo chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt. Căn cứ vào nguồn lực hiện có, tình hình chấp hành pháp luật về quản lý rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn và mục tiêu cơ quan Kiểm lâm xây dựng kế hoạch kiểm tra và phối hợp với đơn vị, tổ chức có liên quan thực hiện kế hoạch kiểm tra được phê duyệt.

- Kiểm tra quản lý bảo vệ rừng đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý rừng và quản lý lâm sản, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc do cơ quan QLNN có thẩm quyền giao.

Theo nội dung và phạm vi kiểm tra: Theo hình thức này kiểm tra được chia thành 02 loại kiểm tra toàn diện và kiểm tra thông thường:

- Kiểm tra toàn diện: với chức năng này cơ quan chức năng sẽ thực hiện các cuộc kiểm tra toàn diện về công tác quản lý bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn trên cơ sở kế hoạch được phê duyệt hàng năm.

- Kiểm tra thông thường: là để so sánh, xem xét quá trình thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo kế hoạch, tiến độ giải quyết công việc trong thực tế để điều chỉnh cách tiến hành công việc. Đây là nhiệm vụ thường xuyên của các kiểm lâm viên địa bàn, tổ, đội cơ động.

2.2.5.2. Nội dung kiểm tra quản lý bảo vệ rừng

Kiểm tra các chủ thể tham gia quan hệ bảo vệ rừng

Kiểm tra các chủ thể tham gia quan hệ bảo vệ rừng là nội dung cơ bản và quan trọng nhất của công tác kiểm tra quản lý bảo vệ rừng. Theo quy định của pháp luật, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong rừng, ven rừng có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ rừng…Tuy nhiên, trong thực tế còn nhiều đối tượng vi phạm các quy định trên, vì vậy phải tăng cường công tác kiểm tra các chủ thể tham gia quản lý rừng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý những hành vi sai phạm. Nội dung của công tác kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng bao gồm:

- Kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng: Nội dung kiểm tra tập trung vào công tác chỉ đạo, điều hành; công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng; việc thực hiện các biện pháp phòng cháy; kinh phí đầu tư cho công tác phòng và chữa cháy rừng.

- Kiểm tra công tác giao đất, quản lý sản xuất nương rẫy và theo dõi diễn biến rừng.

+ Kiểm tra công tác tham mưu cho UBND các cấp công bố số liệu hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp hàng năm và các chủ rừng ở địa phương.

+ Kiểm tra công tác tổ chức tập huấn cho đội ngũ Kiểm lâm địa bàn, cán bộ lâm nghiệp xã và các chủ rừng về quy trình, kỹ thuật thực hiện theo dõi Diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, sử dụng thành thạo máy định vị GPS, bản đồ, phần mềm Diễn biến rừng và đất lâm nghiệp.

+ Kiểm tra nội dung chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo đơn vị đối với kiểm lâm viên địa bàn về thực hiện nhiệm vụ theo dõi Diễn biến rừng và đất lâm nghiệp; kế hoạch thực hiện theo dõi Diễn biến rừng và đất lâm nghiệp hàng năm của Kiểm lâm viên trên địa bàn xã.

- Kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã: Nội dung kiểm tra tập trung vào công tác quản lý nuôi nhốt động vật hoang dã; Hoạt động săn bắn, mua bán, vận chuyển động vật hoang dã.

- Kiểm tra tình hình chế biến, vận chuyển, khai thác lâm sản: Trong đó tập trung vào kiểm tra các quy định của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng; công tác sử dụng và lưu trữ hồ sơ, ấn chỉ,quản lý công cụ hỗ trợ…

+ Kiểm tra hồ sơ lâm sản: Các tài liệu ghi chép về lâm sản được thiết lập, lưu giữ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh lâm sản và lưu hành cùng với lâm sản trong quá trình khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến, cất giữ và là công cụ chủ yếu để lực lượng Kiểm lâm các cấp kiểm tra thông qua việc đối chiếu với số lượng tang vật hiện có.

+ Kiểm tra thực hiện các quy định về khai thác lâm sản: kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trước khi khai thác: phê duyệt thiết kế khai thác, giấy phép khai thác, chuẩn bị hiện trường (phát luỗng rừng, làm mới, sửa chữa đường vận xuất, kho bãi gỗ, mốc giới khu khai thác); Việc chấp hành quy định của pháp luật trong và sau quá trình khai thác: địa danh khai thác; chấp hành quy trình kỹ thuật; số lượng, khối lượng, chủng loại lâm sản khai thác chính, tận dụng, vệ sinh rừng; việc bàn giao rừng, bảo vệ rừng sau khai thác.

+ Kiểm tra việc vận chuyển, kinh doanh, chế biến gỗ lâm sản: kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh, mua bán, vận chuyển gỗ, lâm sản như việc mua bán có đúng nguồn gốc, có chứng từ hợp pháp, đúng chủng loại không?

Kiểm tra nội bộ lực lượng Kiểm lâm

Kiểm tra nội bộ là một quá trình các phòng nghiệp vụ chuyên ngành kiểm tra lại các công chức kiểm tra, các đơn vị, các bộ phận trực thuộc trong việc thực hiện chức năng nghề nghiệp của mình. Công tác kiểm tra, thanh tra nội bộ do Phòng Thanh tra - Pháp chế thuộc Chi cục Kiểm lâm đảm trách.

Phòng thanh tra - pháp chế sẽ tiến hành kiểm tra các phòng thuộc Chi cục Kiểm lâm và các Hạt kiểm lâm, các Ban quản lý rừng đặc dụng huyện, thành phố để xem xét việc thực hiện chức năng của từng bộ phận, của công chức kiểm lâm có

làm việc vô tư, công bằng, nghiêm minh trong công tác quản lý bảo vệ rừng hay không? Có tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Pháp luật không?. Nhằm đạt được mục đích: thực hiện nghiêm chỉnh Luật bảo vệ và phát triển rừng, góp phần củng cố đội ngũ công chức lực lượng Kiểm lâm chống tiêu cực trong nội bộ ngành, đưa công tác chỉ đạo và quản lý bảo vệ rừng vào nề nếp, tổ chức xây dựng ngành Nông nghiệp ngày càng vững mạnh.

Một phần của tài liệu Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý VPHC trong quản lý bảo vệ tài nguyên rừng tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La (Trang 48)