2.3.2.1. Khái niệm và đặc điểm của vi phạm hành chính
Bản chất của hoạt động xử lý VPHC là áp dụng một số loại biện pháp cưỡng chế hành chính do pháp luật quy định. Cưỡng chế hành chính được xác định là biện pháp cưỡng chế Nhà nước do cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định áp dụng theo thủ tục hành chính đối với cá nhân có hành vi VPHC hoặc đối với một số cá nhân nhất định với mục đích ngăn chặn, phòng ngừa hoặc thực hiện công vụ vì lí do an ninh, quốc phòng và vì lợi ích quốc gia.
Nhìn chung, xử lý VPHC, xử phạt VPHC, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác đều thuộc phạm trù xử lý VPHC, có thể hiểu chung là việc áp dụng các biện pháp chế tài mang tính cưỡng chế hành chính của Nhà nước đối với chủ thể có hành vi VPHC. Theo Pháp lệnh xử lý VPHC năm 2002 thì xử lý VPHC bao gồm xử phạt VPHC và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác. Như vậy, xử lý VPHC là khái niệm rộng, bao trùm, trong đó xử phạt VPHC và áp dụng các biện pháp hành chính khác là hai “nhánh” chế tài cưỡng chế hành chính trong xử lý VPHC có sự khác biệt nhất định.
Theo nghị định 99/2009/NĐ-CP thì xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản là việc áp dụng hình thức xử phạt chính (cảnh cáo; phạt tiền), hình thức xử phạt bổ sung (tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi hành chính), các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi VPHC. Nghiên cứu những quy định của pháp luật về xử phạt VPHC trong QLBVR là vấn đề có ý nghĩa rất lớn, góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi VPHC, tăng cường trật tự, kỷ cương trong QLNN về bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
Xử phạt VPHC trong QLBVR có một số đặc điểm riêng, thể hiện:
- Xử phạt VPHC trong quản lý và bảo vệ rừng chỉ được áp dụng với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản chưa gây thiệt hại hoặc đã gây thiệt hại đến rừng, lâm sản, môi trường rừng.
- Xử phạt VPHC trong quản lý và bảo vệ rừng được tiến hành bởi các chủ thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Xử phạt VPHC trong QLBVR được tiến hành theo những nguyên tắc, thủ tục, trình tự theo quy định được quy định trong các văn bản của pháp luật về xử phạt VPHC nói chung và pháp luật hành chính về quản lý và bảo vệ rừng nói riêng về xử phạt hành chính do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
- Kết quả của hoạt động xử phạt VPHC trong QLBVR thể hiện ở quyết định xử phạt VPHC ghi nhận các hình thức, biện pháp xử phạt áp dụng đối với tổ chức, cá nhân VPHC.
Như vậy, xử phạt VPHC trong QLBVR là hoạt động của các chủ thể có thẩm quyền, căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, quyết định các biện pháp xử phạt hành chính và các biện pháp cưỡng chế hành chính khác (trong trường hợp cần thiết, theo quy định của pháp luật) với các cá nhân, tổ chức VPHC.
2.3.2.2. Nguyên tắc xử phạt VPHC trong QLBVR
- Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt VPHC về lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản khi có hành vi VPHC được xử phạt VPHC trong QLBVR và quản lý lâm sản;
- Do người có thẩm quyền thực hiện đúng quy định;
- Phải căn cứ vào tính chất, mức độ, nhân thân, tình tiết nặng, giảm nhẹ; - Người VPHC không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì mức phạt tiền là mức trung bình của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi
- Một người thực hiện nhiều hành vi VPHC thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, nếu các hình thức xử phạt là phạt tiền thì tổng hợp thành mức phạt chung.
- Nhiều thành viên trong một hộ gia đình cùng thực hiện một VPHC thì áp dụng xử phạt như một tổ chức vi phạm.
- Nhiều người cùng thực hiện một hành vi VPHC thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm đó. Nghiêm cấm việc chia nhỏ mức thiệt hại chung cho từng người vi phạm để xử phạt.
- Không xử phạt VPHC các trường hợp có dấu hiệu tội phạm mà phải chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
- Các hành vi VPHC tuy gây thiệt hại vượt mức tối đa quy định xử phạt VPHC trong QLBVR và quản lý lâm sản nhưng Bộ luật hình sự không quy định là tội phạm thì xử phạt VPHC đối với mức phạt tiền cao nhất của lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
2.3.2.3. Các hình thức xử phạt VPHC trong QLBVR
Người VPHC trong QLBVR phải chịu trách nhiệm hành chính bao gồm hình thức xử phạt hành chính (gồm hình thức phạt chính và hình thức phạt bổ sung) và các biện pháp khắc phục hậu quả (biện pháp khôi phục lại các quyền và lợi ích đã bị VPHC xâm hại).
♦ Hình thức xử phạt chính: Đối với mỗi hành vi VPHC, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
- Cảnh cáo: cảnh cáo áp dụng vi phạm nhỏ, lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ hoặc do người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi VPHC, hình thức phạt
cảnh cáo áp dụng đối với một số hành vi quy định tại khoản 1, Điều 8, 12,15 và 16 Nghị định 99/2009/NĐ-CP;
- Phạt tiền: Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi vi phạm gây ra để áp dụng các khung tiền phạt cho mỗi hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Nghị định 99/2009/NĐ-CP.
♦ Hình thức phạt bổ sung: Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức VPHC còn bị áp dụng một số hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề;
- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để VPHC (trừ trường hợp tang vật, phương tiện bị cá nhân, tổ chức VPHC chiếm đoạt, sử dụng trái phép)
- Người nước ngoài vi phạm còn có thể bị xử phạt trục xuất. Trục xuất được áp dụng là hình thức xử phạt chính hoặc xử phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể.
♦ Các biện pháp khắc phục hậu quả
Ngoài các biện pháp trách nhiệm hành chính mang tính chất xử phạt nói trên, pháp luật còn quy định các biện pháp trách nhiệm hành chính mang tính khôi phục lại tình trạng ban đầu đã thay đổi do hành vi VPHC gây ra (Điều 6 Theo Nghị định số 99/NĐ-CP về xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản), bao gồm:
- Trồng lại rừng bị thiệt hại hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng theo suất đầu tư được áp dụng ở địa phương tại thời điểm VPHC.
- Khôi phục lại công trình, phương tiện phục vụ bảo vệ rừng bị thiệt hại, diện tích rừng bị đào, bới hoặc thanh toán chi phí khôi phục này.
- Buộc tháo dỡ hoặc thanh toán chi phí tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trong rừng.
- Buộc thanh toán chi phí chữa cháy rừng; chi phí khắc phục hậu quả do sinh vật hại rừng gây ra.
- Buộc khắc phục hoặc thanh toán chi phí khắc phục ô nhiễm môi trường. - Buộc tiêu hủy động vật rừng, bộ phận cơ thể của chúng bị nhiễm bệnh.
2.3.2.4. Mục đích của xử phạt VPHC trong lĩnh vực QLBVR
Xử phạt VPHC trong QLBVR cũng như của phạt hành chính trong các lĩnh vực khác không chỉ có mục đích trừng trị mà quan trọng hơn là để giáo dục các chủ thể vi phạm và mọi cá nhân, tổ chức ngăn ngừa những hành vi tương tự, khôi phục những thiệt hại xảy ra. Mục đích của xử phạt VPHC trong QLBVR bao gồm: Mục đích răn đe giáo dục; Trừng trị; Khôi phục lại trật tự.
2.3.2.5. Thẩm quyền và thời hiệu xử phạt VPHC trong QLBVR
♦ Thẩm quyền: Vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thuộc thẩm quyền xử phạt của cơ quan Kiểm lâm và UBND các cấp. Các cơ quan như cảnh sát, Hải quan, Thuế, Quản lý thị trường, Thanh tra chuyên ngành… phát hiện hành vi vi phạm thì lập biên bản, chuyển giao hồ sơ, tang vật cho cơ quan Kiểm lâm xử phạt hoặc cơ quan Kiểm lâm tham mưu cho cấp có thẩm quyền xử phạt.
♦ Thời hiệu xử phạt: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản là 1 năm kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện. Quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì không xử phạt vi phạm hành chính đối với người vi phạm, chỉ áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả quy định tại Điều 6 Nghị định này.
Người vi phạm đã bị khởi tố, truy tố hoặc có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó có quyết định đình chỉ hoạt động tố tụng chuyển hồ sơ để xử phạt vi phạm hành chính, thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 3 tháng kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt nhận được quyết định đình chỉ vụ án hình sự và hồ sơ vụ vi phạm.
CHƯƠNG 3
THỰC TRẠNG CÔNG TÁC KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH CỦA CHI CỤC KIỂM LÂM SƠN LA