Nguyên tắc kiểm tra, trong QLBVR

Một phần của tài liệu Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý VPHC trong quản lý bảo vệ tài nguyên rừng tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La (Trang 45)

Mục đích của kiểm tra quản lý bảo vệ rừng là nhằm phát huy nhân tố tích cực, ngăn ngừa, xử lý những sai phạm gây tổn thất tới lợi ích của Nhà nước, của cá nhân, tổ chức, chủ rừng, góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật Nhà nước về rừng

Để đạt được mục đích trên, công tác kiểm tra quản lý bảo vể rừng phải tuân thủ những nguyên tắc sau:

Thứ nhất, nguyên tắc tuân thủ pháp luật:

Pháp luật thể hiện ý chí của Nhà nước, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân. Kiểm tra quản lý bảo vệ rừng là việc thực hiện pháp luật nên kiểm tra các vi phạm quy định của Nhà nươc về rừng cũng phải tuân theo pháp luật. Đây cũng là nguyên tắc cần thiết để đề cao trách nhiệm của chủ thể thanh tra, kiểm tra; nâng cao hiệu lực của công tác kiểm tra trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng; ngăn ngừa tình trạng làm trái pháp luật, vô hiệu hóa hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Thực hiện nguyên tắc này đòi hỏi các cơ quan hữu quan và công chức Kiểm lâm phải thực hiện đúng chức năng, trách nhiệm, quyền hạn mà pháp luật qui định; xem xét đúng sai của đối tượng kiểm tra phải căn cứ vào qui định của pháp luật mà không tuân theo ý kiến tác động của bất cứ một cơ quan hoặc một cá nhân nào.

Thứ hai, nguyên tắc chính xác, khách quan:

Đảm bảo chính xác, khách quan là vấn đề có tính nguyên tắc cao trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Có chính xác trong công tác kiểm tra mới cho phép đánh giá đúng thực trạng của đối tượng kiểm tra, giúp cho việc xử lý đúng người, đúng việc, đúng pháp luật.

Nguyên tắc khách quan đòi hỏi trong hoạt động thanh tra, kiểm tra phải tôn trọng sự thật, đánh giá sự vật, hiện tượng đúng như nó vốn có, không suy diễn hay qui chụp một cách tùy tiện chủ quan. Tính khách quan và chính xác trong thanh tra, kiểm tra có quan hệ chặt chẽ và tác động qua lại lẫn nhau. Có thái độ khách quan, không thiên vị mới đảm bảo tính chính xác trong đánh giá, kết luận vấn đề và ngược lại, có chính xác mới thể hiện được việc làm khách quan. Để thực hiện nguyên tắc

này, đòi hỏi chủ thể kiểm tra phải có quan điểm đúng đắn, có bản lĩnh vững vàng và phải có kiến thức, năng lực cao.

Thứ ba, nguyên tắc công khai, dân chủ và kịp thời:

Công khai trong hoạt động kiểm tra tức là phải được dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra để thu hút sự tham gia, đồng tình ủng hộ của nhân dân. Việc công khai bao gồm nhiều vấn đề cụ thể như sau: công khai quyết định kiểm tra, công khai tiếp xúc với các đối tượng có liên quan và công khai kết luận thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, tuỳ theo tính chất vụ việc mà có hình thức công khai cho phù hợp, trong phạm vi cho phép, vừa đảm bảo giữ gìn bí mật quốc gia, bí mật người tố cáo, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và công dân, vừa đảm bảo hiệu quả kiểm tra cao nhất.

Dân chủ trong hoạt động kiểm tra là thể hiện sự tôn trọng khách quan, tôn trọng quần chúng, lấy dân làm gốc. Phải lôi cuốn quần chúng nhân dân tham gia hoạt động kiểm tra, đấu tranh, ngăn ngừa, đẩy lùi tiêu cực, phát huy các nhân tố tích cực. Thực hiện nguyên tắc này đòi hỏi phải coi trọng việc tiếp nhận, thu thập ý kiến của mọi đối tượng có liên quan, tạo điều kiện cho đối tượng kiểm tra trình bày ý kiến của mình, nhất là khi xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, cần tránh mọi biểu hiện tự mãn, áp đặt chủ quan, bất chấp ý kiến của người khác.

Kịp thời cũng là nguyên tắc quan trọng trong công tác kiểm tra nhằm nhanh chóng khắc phục những yếu kém, bất cập trong quản lý của Nhà nước. Để đảm bảo tính kịp thời trong kiểm tra, cần qui định cụ thể thời gian đối với từng vụ việc kiểm tra, tùy theo qui mô, tính chất phức tạp của vụ việc, tùy theo số lượng và chất lượng của đội ngũ công chức làm công tác kiểm tra.

Thứ tư, nguyên tắc bảo vệ bí mật:

Cần quán triệt nguyên tắc này trong kiểm tra, kiểm soát bảo vệ rừng vì trong quá trình kiểm tra, người làm công tác này tiếp cận với nhiều vấn đề, nhiều tài liệu liên quan đến bí mật, bí quyết kinh doanh của doanh nghiệp và bí mật quốc gia. Nếu để lộ cho những đối tượng không được phép biết sẽ làm thiệt hại đến lợi ích của quốc gia và các doanh nghiệp. Do vậy, họ chỉ cần báo cáo cho những người có thẩm quyền được biết.

Quán triệt nguyên tắc này không hề mâu thuẫn với nguyên tắc công khai, vì việc công khai được thực hiện với những vấn đề được phép công khai, nên công khai và phải công khai. Những vấn đề bí mật thì cần được bí mật.

Thứ năm, nguyên tắc hiệu quả:

Nguyên tắc này đòi hỏi công tác kiểm tra quản lý bảo vệ rừng phải đảm bảo tính hiệu quả, nghĩa là phải có tác dụng đề phòng, ngăn ngừa những thiếu sót, vi phạm. Phải đảm bảo giúp các đối tượng kiểm tra thực hiện đúng chính sách pháp luật Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng.

Thực hiện nguyên tắc này mới đảm bảo cho kiểm tra trong lĩnh vực QLBVR đạt được mục đích của nó.

Thực hiện đầy đủ các nguyên tắc trên đây chính là các điều kiện để thực hiện đúng mục đích, yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của thanh tra, kiểm tra một cách có hiệu quả cao nhất, góp phần phát huy dân chủ xã hội và tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước.

Một phần của tài liệu Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý VPHC trong quản lý bảo vệ tài nguyên rừng tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La (Trang 45)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(124 trang)
w