Điểm nhìn trần thuật bên trong

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Y Ban (Trang 58)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.1. Điểm nhìn trần thuật bên trong

Điểm nhìn trần thuật bên trong là loại điểm nhìn được sử dụng đầu tiên trong các sáng tác văn học thuộc “dòng ý thức”. Theo lí thuyết tự sự học, người kể chuyện mang điểm nhìn bên trong khi anh ta/chị ta là nhân vật có mặt trực tiếp ngay trong câu chuyện. Điểm nhìn trần thuật bên trong luôn được biểu hiện bằng hình thức tự quan sát, tự thú nhận của nhân vật, hoặc bằng hình thức người trần thuật dựa vào cảm giác, tâm hồn nhạy cảm của nhân vật để biểu hiện thế giới nội tâm bên trong của nhân vật. Với dạng thức này thì người kể chuyện sẽ đảm nhiệm vai trò kể chuyện từ đầu đến cuối và có vai trò to lớn trong việc quyết định cấu trúc tác phẩm cũng như toàn quyền miêu tả nhân vật khác từ điểm nhìn của bản thân. Có nghĩa là, người kể chuyện đứng trong tầm sự kiện được kể, có tham gia phần nào vào hoạt động khi sự kiện xảy ra. Người kể chuyện ở đây cũng chỉ biết và chỉ kể được những thông tin tương đương với nhân vật trực tiếp tham gia trong tác phẩm. Chính Genette đã nêu đẳng thức để mô tả kiểu điểm nhìn bên trong: điểm nhìn của người kể chuyện bằng điểm nhìn của nhân vật (có nghĩa là điểm nhìn bên trong của người kể chuyện trùng khít với điểm nhìn của nhân vật). Người kể chuyện đang dùng điểm nhìn của nhân vật để quan sát và kể lại sự kiện. Về bản chất, điểm nhìn của nhân vật chính là điểm nhìn mà người kể chuyện lấy đôi mắt của nhân vật thay cho đôi mắt riêng của mình. Chúng ta khảo sát một số truyện ngắn tiêu biểu của Y Ban để làm rõ điểm nhìn này.

Trước tiên, chúng ta nhận thấy phần lớn truyện ngắn của Y Ban với ngôi kể thứ nhất xưng “tôi” đều mang dáng dấp tự truyện. Cho nên có một số truyện ngắn của chị không phải truyện chỉ để kể mà còn là để giãi bày tâm sự. Việc Y Ban lựa chọn người kể chuyện xưng “tôi” tạo ra hiệu quả nhất định

59

cho sự sáng tạo nghệ thuật trần thuật của mình. Đặc biệt là với kiểu truyện vừa kể sự việc vừa diễn tả tâm trạng của chính nhà văn. Với điểm nhìn trần thuật bên trong ở ngôi thứ nhất, người kể chuyện vừa là người chứng kiến vừa là nhân vật trực tiếp tham gia vào câu chuyện. Từ đây, mối quan hệ giữa người kể chuyện và nhân vật được khẳng định một cách rõ ràng hơn. Đó là mối quan hệ qua lại luôn hướng về nhau, bổ sung cho nhau. Vì vậy, nhân vật xưng “tôi” chỉ cần đứng ở một điểm nhìn duy nhất - điểm nhìn bên trong, người kể chuyện đồng thời là nhân vật cứ nhập thẳng vào tâm trạng của nhân vật để mà kể, mà giãi bày, mà bộc lộ những tâm sự của mình. Việc nhà văn lựa chọn kiểu điểm nhìn này chính là để người kể chuyện có thể “độc thoại nội tâm” một cách tự do linh hoạt. Từ đó, người đọc dễ dàng nhận ra quan niệm của nhà văn trước vấn đề của cuộc sống, nhân sinh. Qua nhân vật “tôi” là người kể chuyện, nhà văn có thể bình luận, đánh giá mà vẫn không gây cho độc giả những cảm giác khiên cưỡng, áp đặt. Sau đó tự mình phân tích, mổ xẻ và bình giá tâm trạng của mình ra trước người đọc. Nhà văn bộc bạch: “Tôi hay kể chuyện ở ngôi thứ nhất, để tự đặt mình vào vị trí của những nhân vật người đàn bà trong truyện. Tôi cảm thấy, điều đó cho phép tôi khai thác nội tâm nhân vật một cách triệt để và biểu hiện nó một cách sâu sắc hơn. Với những truyện ngắn có cốt truyện nặng về tâm lý, tôi thường kể ở ngôi thứ nhất.”

Truyện ngắn Bức thư gửi mẹ Âu Cơ là dòng tâm trạng của người mẹ trẻ vừa mất đi đứa con của mình: “Ngày hôm nay con được chứng kiến nỗi đau những người mẹ. Nỗi đau của con lại bùng lên và biết bao nhiêu bà mẹ cũng có nỗi đau như con… Ngày ấy con cũng thế. Con như cô gái nhỏ tội nghiệp kia. Con đau nỗi đau của con. Mẹ đau nỗi đau của mẹ - hai người mẹ - Từ bấy đến nay, năm tháng trôi qua, con vẫn âm thầm đau nỗi đau của con. Nỗi đau nó trôi đi theo năm tháng nhưng nó lại bừng dậy bởi hàng ngày chứng kiến lại

60

âm thầm đau. Những người mẹ là những người sinh ra nhân loại, sinh ra những đứa con. Là những người có trước hãy hiểu nỗi lòng của những đứa con gái, để nỗi đau hòa chung, đồng cảm và biến mất đi.” Những suy nghĩ, day dứt của cô gái được dẫn dắt bằng câu hỏi của người mẹ: “Ai đã dạy mày như thế cơ chứ?”

Truyện Gà ấp bóng là đấu tranh nội tâm giữa khát khao bản năng và bổn phận làm vợ: “I love you! Tôi đã thổ lên ba từ đó trong trạng thái vô thức: Khi nhận thức được mình vừa nói gì tôi sợ hãi dập máy. Tôi đi vào giường vùi mặt vào gối trong trạng thái đê mê, dịu dàng. Sau đó tôi dằn vặt tự vấn mình xem điều gì đã xảy ra. Thế có gọi là ngoại tình không?” Người phụ nữ ấy phấp phỏng chờ đợi, băn khoăn, day dứt với ý định ngoại tình để rồi cuối cùng gia đình êm ấm của chị tan vỡ bởi chính những suy nghĩ ấy.

Trong truyện Mẹ không thể xin lỗi con là nỗi đau của những bà mẹ được tác giả dẫn dắt bằng những câu chuyện nhỏ: “Năm 2008 – con gái tôi - tôi”, “Năm 1982 – mẹ tôi - tôi”, “Năm 1966 – bà ngoại tôi – mẹ tôi”. Mỗi câu chuyện được kể gắn với một mốc thời gian cụ thể để lí giải cho nỗi đau của những người mẹ. Mỗi giai đoạn phát triển của xã hội người mẹ lại phải có cách giáo dục con cho phù hợp. Đó chính là thông điệp mà Y Ban muốn gửi tới độc giả.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Y Ban (Trang 58)