10. Kết cấu luận văn
2.1.1. Giai đoạn trước năm 2005
Ở Việt Nam, vấn đề bảo hộ SC được quan tâm rất sớm thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Các văn bản này ngày càng được hoàn thiện trước những đòi hỏi từ thực tiễn bảo hộ SC trong nước và hội nhập quốc tế.
Thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung cho cả dân tộc. Chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào thêm và lan rộng mãi”, Trung ương Đảng và Chính phủ ngay từ những ngày đầu giải phóng miền Bắc đã quan tâm chỉ đạo hoạt động cải tiến kỹ thuật và hợp lý hóa sản xuất. Hội đồng Chính phủ đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 105-TTg ngày 11/3/1959 và Chỉ thị số 320-TTg ngày 15/12/1960 về tổ chức và lãnh đạo phong trào cải tiến kỹ thuật, sáng kiến – phát minh của quần chúng, Nghị định số 20-CP ngày 8/2/1965 ban hành Điều lệ khen thưởng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và cải tiến nghiệp vụ công tác, từ đó đã phát triển thành một phong trào quần chúng sâu rộng. Bộ phận Sáng kiến – Phát minh (thành lập năm 1964) thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước đã tập trung vào công tác xét duyệt, xác minh, khen thưởng, phổ biến sáng kiến, thúc đẩy việc hình thành các tổ chức chuyên trách ở các Bộ, ngành và địa phương, khẩn trương soạn thảo các văn bản giải thích và cụ thể hóa Nghị định 20-CP.
Năm 1973, Phòng Quản lý SC - Phát minh được thành lập nhằm giúp chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước tổ chức và chỉ đạo phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật - hợp lý hóa sản xuất, khắc phục tình trạng tự phát, tản mạn và xây dựng chiến lược phát triển lâu dài. Đứng trước đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa và cải tiến kỹ thuật, không chỉ dừng lại ở các vấn đề sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mà nhất thiết phải đề cập đến công tác SC, do vậy, Phòng Quản lý SC - Phát minh đã đề xuất một số
33
kiến nghị về công tác hoạt động SC - phát minh cho các năm 1972-1976, trong đó nêu lên vai trò quan trọng của hoạt động SC trên thế giới và “đã đến lúc nước ta phải ban hành Luật SC”. Trên cơ sở đề án tăng cường Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, một đề nghị về việc cho phép thành lập Cục sáng chế đã được trình lên Hội đồng Chính phủ xem xét. Các công tác chuẩn bị liên quan đến hoạt động bảo hộ SC đã nhanh chóng được triển khai. Nghị định số 31/CP ngày 23/11/1981 ra đời đánh dấu một giai đoạn mới trong hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật ở Việt Nam. Điều lệ đã thể chế hóa quyền sáng tạo và các quyền lợi có liên quan của công dân theo tinh thần Hiến pháp mới (1980) bằng việc quy định công tác tổ chức, quản lý hoạt động sáng kiến, SC từ khâu tạo ra sáng kiến – SC, đăng ký, xét công nhận, áp dụng, tính toán hiệu quả kinh tế do sáng kiến – SC đem lại. Tất cả các khâu này có quan hệ chặt chẽ với nhau và cần thiết phải xây dựng một hệ thống quản lý và chỉ đạo thống nhất trong cả nước. Việc ban hành hành Nghị định số 31/CP đã mở đầu một giai đoạn mới của hoạt động SHCN ở Việt Nam.
Cục sáng chế được thành lập theo Nghị định số 125/HĐBT ngày 29 tháng 7 năm 1982 của Hội đồng Bộ trưởng trên cơ sở tổ chức của Phòng Quản lý SC - Phát minh thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước. Vào thời gian này, hoạt động SHCN lần đầu tiên được triển khai ở nước ta. Chỉ sau 2 năm thành lập, Cục sáng chế đã soạn thảo, trình duyệt và ban hành hàng loạt thông tư hướng dẫn, đáng lưu ý có Thông tư liên bộ số 1608/NN-UBKHKTNN ngày 23/12/1982 về đăng ký và bảo hộ SC cho giống cây trồng và giống gia súc, gia cầm mới, Thông tư liên bộ số 173/SC ngày 15/2/1984 về hướng dẫn thi hành việc khen thưởng cho sáng kiến, SC làm thay đổi thiết bị xây dựng cơ bản, Thông tư liên bộ số 892/TT/LB ngày 4/8/1982 hướng dẫn thi hành những vấn đề về tài chính và trả thưởng quy định trong Điều lệ sáng kiến. Chính sách hợp tác quốc tế cũng rất được chú trọng trong thời gian này với các chuyến thực tiễn tại nước ngoài. Năm 1986, Tổ chức SHTT thế giới đã đầu tư một dự án cho Việt Nam về “Phát triển hoạt động SHCN ở Việt Nam và xây dựng Trung tâm tư liệu SC quốc gia” (VIE/86/038) góp phần tạo ra những cơ sở vật chất ban đầu và nâng cao năng lực hoạt động của Cục sáng chế. Cũng trong năm này, Cục sáng chế đã hoàn thành Đề án đưa việc tra cứu tư liệu SC thành nhiệm vụ bắt buộc khi xây dựng đề cương nghiên cứu
34
khoa học kỹ thuật và đã được Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước ra Quyết định số 149/QĐ ngày 4/3/1986 phê duyệt chính thức. Đồng thời, Cục đã hoàn thành việc xây dựng đề án “Khai thác tư liệu thông tin SC bằng máy tính PC/IBM”.
Đến cuối năm 1988, trong thời gian 6 năm kể từ ngày thành lập Cục sáng chế, các cơ chế, chính sách về việc bảo hộ các đối tượng SHCN quan trọng tại Việt Nam đã lần lượt được ban hành, trong đó có Nghị định 200-HĐBT ngày 18/12/1988 về bảo hộ GPHI, Nghị định số 201-HĐBT về chuyển giao quyền sử dụng SHCN. Ngày 11/12/1989, Pháp lệnh bảo hộ quyền SHCN đã ra đời, theo đó Việt Nam chính thức bãi bỏ hình thức bảo hộ SC dưới dạng cấp Bằng tác giả SC. Lần đầu tiên, cụm từ “SHCN” được chính thức sử dụng trong văn bản pháp luật. SC và các đối tượng SHCN khác được coi là một loại tài sản và là đối tượng của quyền sở hữu, tạo điều kiện khuyến khích sáng tạo và cân bằng lợi ích vật chất do SC mạng lại cho chủ sở hữu và lợi ích xã hội.
Giai đoạn 1990-1995 là giai đoạn nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa bắt đầu phát triển, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng nhanh chóng, quan hệ kinh tế - thương mại với các nước ngày càng mở rộng và đặt ra nhiều vấn đề mới cần giải quyết trong hoạt động SHTT nói chung, hoạt động bảo hộ SC nói riêng. Hiến pháp sửa đổi năm 1992 một lần nữa khẳng định lại vị trí then chốt của hoạt động KH&CN, đồng thời là cơ sở để phát triển hoạt động bảo hộ SC. Ngày 28/10/1995, Bộ luật Dân sự đã được Quốc hội khóa XI thông qua, với phần thứ VI quy định về quyền SHTT, trong đó có Chương 2 về quyền SHCN và chuyển giao công nghệ gồm 26 điều khoản quy định những nguyên tắc cơ bản nhằm xác lập và bảo hộ quyền SHCN. Đây là cơ sở pháp lý cao nhất và đầy đủ nhất để triển khai toàn bộ hoạt động SHCN và tạo ra một bước ngoặt trong hoạt động này. Ý nghĩa quan trọng nhất của việc đưa vấn đề quyền SHTT vào Bộ luật Dân sự là ở chỗ lần đầu tiên trong lịch sử nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, quyền SHTT được Nhà nước thừa nhận như một loại quyền dân sự, khẳng định nguyên tắc dân sự cơ bản của quyền SHTT và được cơ quan quyền lực cao nhất đó là Quốc hội quy định. Tiếp đó, một loạt Nghị định của Chính phủ thi hành Bộ luật Dân sự về SHCN nói chung, SC nói riêng ra đời. Hoạt động SHCN bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới: giai đoạn từng bước hội nhập với thế giới và khu vực.
35
Việt Nam tiếp tục phát triển các chính sách hợp tác quốc tế, trong đó đặc biệt có sự kiện Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp ước về hợp tác SC (PCT) từ ngày 10/3/1993.
Từ khi Việt Nam nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (đầu năm 1995), hệ thống SHTT Việt Nam được đặt trước thử thách mới, đó là trong một thời gian ngắn nhất thiết phải đạt được các tiêu chuẩn quy định trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT (Hiệp định TRIPS).
Như vậy, có thể thấy giai đoạn trước năm 2005, hệ thống bảo hộ quyền SHTT của Việt Nam chủ yếu vận hành trên cơ sở các văn bản dưới luật. Theo các văn bản này, các đối tượng sau được bảo hộ: SC (thời hạn bảo hộ: 15 năm), GPHI (6 năm), KDCN (5 năm, có thể gia hạn 2 kỳ liên tiếp, mỗi kỳ 5 năm), NH (10 năm, có thể gia hạn nhiều kỳ 10 năm liên tiếp), tên gọi xuất xứ hàng hóa và các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Biện pháp xử lý các xâm phạm quyền SHTT chủ yếu là biện pháp hành chính. Mặc dù Tòa án cũng có thể và sẵn sàng xét xử các tranh chấp về SHTT nhưng một mặt do Tòa án chưa từng xét xử các vụ việc như vậy, mặt khác do tính chất phức tạp của vụ việc không chỉ liên quan đến luật mà còn liên quan đến rất nhiều yếu tố khác (kỹ thuật, kinh tế,…) nên việc tham gia xét xử của Tòa án trên cơ sở các văn bản đó vẫn còn rất hạn chế.