Đối với người châu Âu, thay tên đổi họ không phải là một vấn đề gì quá nghiêm trọng mặc dù họ phải trải qua hàng đống thủ tục trước khi có tên gọi mới. Người Trung Quốc hay Việt Nam lại rất ít khi thay đổi họ tên một cách chính thức, tức là đăng kí lại tên với cơ quan chính quyền. Thay đổi họ tên là một vấn đề gì đó rất xa lạ với họ. Nhưng tại Myanma, việc đổi tên cũng đơn giản như việc gửi tặng một món quà vậy. Người ta chỉ cần thông báo là anh A nào đó bây giờ có tên là B. Tuy nhiên, phụ nữ thì không được đổi tên vì họ cho rằng làm như vậy là coi thường cha mẹ. Còn trong cộng đồng người da đỏ Cheyenne (tại Hoa Kỳ), cha
mẹ sẽ là người quyết định việc thay đổi tên gọi của con cái sau một sự kiện đặc biệt nào đó. Họ sẽ cử một người đi khắp làng thông báo về “cái chết” của tên cũ và đề nghị mọi người từ nay sử dụng tên mới.
Phần lớn người da đỏ sống ở Bắc Mỹ đều có tập tục đổi tên sau khi trải qua một sự kiện đặc biệt nào đó. Người ta thậm chí còn đặt những tên mang đầy tính oán giận, thù hằn để ghi nhớ một nỗi sỉ nhục, đau đớn nào đó.
Người Comanche (hiện ở Oklahoma – Hoa Kỳ) thay đổi tên của con trai để
đánh dấu sự trưởng thành của chúng. Khác với ở châu Âu, phụ nữ của tộc người da đỏ này không thay đổi họ tên khi lấy chồng. Tại Ấn Độ, trong các lễ cưới của người theo đạo Hinhu, cô dâu sẽ phải mang họ chồng nhưng vì rất nhiều người Ấn Độ không có tên họ nên nhiều khi chú rể sẽ đặt cho cô dâu một tên mới ngay trong lễ cưới.
Lễ cưới và việc sinh con có lẽ là 2 sự kiện phổ biến nhất dẫn đến việc thay đổi họ, tên. Tại châu Âu khi người phụ nữ lập gia đình, thì theo tập quán cô ta phải đổi sang họ của người chồng. Ví dụ cô Jane Baker lấy anh Philip Hargreaves thì sẽ có tên mới là Jane Hargreaves. Trước đây người Trung Quốc cũng có tập quán này. Còn ở Việt Nam, tập quán gọi tên người phụ nữ theo tên chồng hoặc tên con trai cả cho tới gần đây vẫn còn phổ biến. Đối với người Ả-rập, khi mà đứa con trai đầu tiên được sinh ra thì mọi người sẽ gọi cha mẹ của cậu bé là “cha (mẹ) của X” với X là tên cậu bé. Các ông bố, bà mẹ Ả-rập cảm thấy rất tự hào khi được gọi như vậy. Tuy nhiên, có một trường hợp xẩy ra ngược lại, đó là tại Tahiti, ông bố
sẽ mất tên khi phải chuyển toàn bộ tên mình để đặt cho đứa con trai thứ nhất khi nó sinh ra và ông ta phải tìm cho mình một cái tên hoàn toàn mới (thường là dựa trên một đặc điểm nổi bật nào đó của đứa trẻ).
Thay đổi tên cũng xẩy ra khi một người tham gia vào giáo giới cho dù đó là Cơ đốc giáo hay Phật giáo. Tên, họ thay đổi cũng là do nhiều nguyên nhân khác nữa như để tránh vi phạm pháp luật, tránh những mối thù hận, tránh sự trả thù , hoặc là để giữ gìn danh giá của gia đình, dòng họ.
Tuy nhiên, vấn đề gây tranh cãi nhất trong việc thay đổi tên, họ chính là vấn đề tên họ và tên cá nhân của phụ nữ khi đi lấy chồng. Tại châu Âu và Bắc Mỹ,
theo truyền thống, họ của người vợ phải đổi sang họ của người chồng khi hôn nhân diễn ra. Vấn đề này trở nên gay gắt khi phong trào đấu tranh cho nữ quyền diễn ra sôi động. Kết quả là ngày nay tại Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu khác, phụ nữ có nhiều lựa chọn cho tên họ của mình. Ví dụ: ngoài cách truyền thống, phụ nữ có thể giữ nguyên tên họ thời con gái, ghép tên họ của mình với tên họ của chồng... Tuy nhiên, truyền thống là cái rất khó thay đổi và trào lưu thì không thể thay thế được truyền thống. Ở nước Nga ngày nay, phụ nữ vẫn chấp nhận tên gọi là hình thức giống cái của tên người cha của người chồng. Còn ở Ba Lan và Cộng hoà Séc, khi chưa lấy chồng, tên của nữ là tên cá nhân của cha kèm theo hậu tố mang nghĩa “con gái của”. Khi lập gia đình, tên phụ nữ sẽ bị thay đổi thành tên chồng đi kèm với yếu tố mang nghĩa “vợ của”.
Mặc dù ngày nay không còn phổ biến, nhưng chế độ mẫu hệ vẫn còn tồn tại ở một số nền văn hoá và vì vậy, tên gọi được truyền từ mẹ sang thế hệ con cái. Ví dụ như tại Ấn Độ, xứ Basque (khu vực giữa Tây Ban Nha và Pháp) và trên quần đảo Marshall (Thái Bình Dương).