Người châu Âu rất hiểu sức mạnh của tên người xét về khía cạnh tinh thần nhưng họ lại khá mơ hồ về việc kiêng kị trong khi lựa chọn tên người. Kiêng kị trong đặt tên quả thực rất phổ biến ở các nền văn hoá mặc dù mức độ có khác nhau.
Người thổ dân da đỏ Choctaw (tại Mississippi và Oklahoma – Hoa Kỳ) không bao giờ gọi tên thật của một thành viên gia đình đã qua đời. Những người khác thì luôn cố gắng tránh dùng đến tên người đã khuất và vợ của người chết thì gọi ông ta thông qua tên con như “cha của X, của Y...”. Theo quan niệm của họ, tên của một người luôn đi liền với người ấy, do đó khi người ấy qua đời thì tên cũng phải đi theo. Người thổ dân Australia thậm chí còn đi xa hơn nữa trong việc tránh dùng tên của người đã khuất. Khi một người trong gia đình, trong dòng họ qua đời, những người có tên giống với tên của người chết sẽ phải dùng một tên qui ước khác để khỏi gợi lại nỗi buồn cũng như tránh làm cho linh hồn người chết nổi giận. Ngoài ra, họ còn thay đổi những từ ngữ gợi lại tên của người chết trong nhiều năm sau.
Người Do Thái nói tiếng Yiddish lại không quan tâm tới việc tên con cái họ có trùng với tên của những người họ hàng đã khuất không. Nhưng họ lại tránh đặt tên con cái trùng với tên của những người họ hàng có tuổi với lí do mê tín rằng có thể thần chết sẽ “bắt nhầm” khi đến đưa những người già đi. Cũng với lí do trên, những người được cưới về từ gia đình khác phải đổi tên nếu tên họ trùng với tên của những người già đang còn sống.
Người Việt Nam cũng có truyền thống kiêng kị khi đặt hoặc gọi tên trẻ em trong khuôn khổ gia đình. Người Việt luôn thích đặt tên đẹp, tên đầy ý nghĩa cho con cái mình, nhưng trong không ít trường hợp, đứa trẻ thường không được gọi bằng tên chính thức ở trong đời sống gia đình. Thay vào đó là một tên tục, tên lóng (nickname). Lí do của việc này được người Việt giải thích là họ sợ các vị thần linh sẽ bắt đứa trẻ đi khi nghe thấy những tên đẹp này. Đặc biệt, điều này càng thấy rõ ràng ở những gia đình hiếm muộn con. Ngoài ra, người Việt cũng rất nhất quán trong việc kiêng đặt tên con cái trùng với tên của ông bà, tổ tiên, thánh thần... Cho nên có một sự thật trái ngược là trong khi ở nhiều nước châu Âu người ta đặt tên con giống tên ông bà để tỏ lòng kính trọng tới người đã khuất thì ở Việt Nam cũng với lòng kính trọng như vậy thì tên con cháu không được phép trùng với tên ông bà, tổ tiên.
Những người thuộc tầng lớp cao trong xã hội ở Hawaii cũng thường có một
tên dùng trong gia đình và một tên dùng khi giao thiệp với người ngoài thể hiện địa vị xã hội của họ. Người Tahiti (Nam Thái Bình Dương) thậm chí còn đòi hỏi những âm tiết được sử dụng trong tên của các bậc quyền quí cũng không được phép sử dụng trong ngôn ngữ hằng ngày. Kết quả là họ phải mượn hoặc sáng tạo ra rất nhiều từ mới, còn tên người thì cứ mất dần đi ý nghĩa và trở thành những âm thanh “quí tộc” chứ không còn là từ, ngữ nữa.
Tuy nhiên, cũng có xu hướng phát triển ngược lại, tức là cấm hoặc tránh dùng một số từ, ngữ nào đó trong vốn từ vựng để làm tên người. Trước đây người Ấn Độ cho rằng sẽ là lạc hậu hoặc coi thường phụ nữ nếu lấy những từ như chòm sao,
cái cây, dòng sông, ngọn núi, con chim, người hầu, sự khiếp sợ... để đặt tên cho
nữ giới. Nhà tiên tri Mô-ha-mét (Mohammed) của người Hồi giáo cũng cấm tín đồ của ông dùng những tên mà ông cho là không xứng đáng như chiến tranh, con chó...v.v. Theo hướng này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sau Chiến tranh thế
giới II, người châu Âu đã loại tên “Adolf” (tên của tên trùm Đức Quốc xã Hitler) ra khỏi danh sách những tên được lựa chọn để đặt tên cho con cái mình.