Thực trạng hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch

Một phần của tài liệu Khai thác các giá trị di sản văn hóa Nho học phục vụ du lịch tại Hà Nội cũ - Thực trạng và giải pháp (Trang 55)

Tuyên truyền quảng bá là nội dung rất quan trọng đối với du lịch bởi nó cung cấp hiểu biết và thông tin về điểm đến cho khách du lịch.

Trong thời gian qua thủ đô Hà Nội đã thực hiện các chương trình tuyên truyền về du lịch, giới thiệu về du lịch thủ đô; hướng dẫn cộng đồng dân cư giữ gìn phong tục truyền thống của người Hà Nội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Để khách du lịch có thể dễ dàng tra cứu, tìm kiếm các thông tin, ngành du lịch Hà Nội đã tổ chức 4 trung tâm thông tin du lịch tại các cửa ngõ đón khách du lịch và các điểm du lịch quan trọng. Nhiều ấn phẩm như sách, đĩa VCD, đĩa DVD, tập gấp, bản đồ, phim về Hà Nội được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng và được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước. Hoạt động du lịch của Hà Nội còn được mở rộng ra nhiều địa phương trong cả nước như tham dự nhiều lễ hội, sự kiện du lịch của các tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên, Nha Trang,... nhằm giới thiệu về du lịch của thủ đô.

Không chỉ quảng bá xúc tiến du lịch trong nước, Hà Nội cũng đã triển khai nhiều hoạt động khảo sát và xúc tiến du lịch tại nước ngoài như tham gia hội chợ

50

MITF 2007 tại Matxocova-Liên bang Nga; tham gia triển lãm du lịch bên lề tại Malaysia; Tổ chức khảo sát tại tỉnh Vân Nam và Tây Tạng - Trung Quốc,...

Tuy nhiên trong các chiến dịch quảng bá, xúc tiến du lịch của thủ đô Hà Nội, tài nguyên du lịch là di sản văn hóa Nho học chưa được giới thiệu một cách toàn diện và đầy đủ. Hà Nội vẫn chưa có một chương trình quảng bá dành riêng cho các di sản văn hóa Nho học trên địa bàn.

Thực tế cho thấy không chỉ những du khách nước ngoài mà nhiều du khách trong nước ngoài di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, còn chưa biết đến hoặc biết rất sơ sài về hệ thống các di tích Nho học khác cùng các tư liệu Hán Nôm phong phú chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, giáo dục, kiến trúc,...

Tại các di tích Nho học, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch cũng chưa được đầu tư xứng đáng. Nhiều di tích còn chưa có hệ thống pano giới thiệu về lịch sử hình thành và ý nghĩa của di tích. Các ấn phẩm sách báo, tờ gấp còn ít về số lượng, nghèo nàn về nội dung giới thiệu, chưa diễn tả được cái hay, cái đẹp cùng nhiều giá trị khác của di sản.

Có thể thấy, công tác tuyên truyền quảng bá về di sản văn hóa Nho học trên địa bàn thủ đô còn nhiều hạn chế do kinh phí cấp cho hoạt động này còn quá ít, những thông tin cung cấp về di tích nhiều khi chưa đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu của du khách để phục vụ cho chuyến đi. Hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch chưa được chú trọng và đầu tư xứng tầm đã gây trở ngại không nhỏ cho du khách trong việc tiếp cận kho tàng di sản văn hóa Nho học nói chung và của thủ đô Hà Nội nói riêng.

Một phần của tài liệu Khai thác các giá trị di sản văn hóa Nho học phục vụ du lịch tại Hà Nội cũ - Thực trạng và giải pháp (Trang 55)