Năm 1070, vua Lý Thánh Tông đã cho dựng Văn Miếu để thờ Khổng Tử, các bậc Tiên thánh, Tiên nho. Sáu năm sau đó, tức là năm 1076, vua Lý Nhân Tông là con trai trưởng của vua Lý Thánh Tông với nguyên phi Ỷ Lan đã cho dựng trường Quốc Tử Giám phía đằng sau Văn Miếu. Trải qua hơn 700 năm lịch sử, nơi đây là trung tâm đào tạo nhân tài lớn nhất cho đất nước, được gọi là trường đại học cao cấp đầu tiên của Việt Nam.
Di tích lịch sử văn hóa Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện thuộc phường Văn Miếu, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Quần thể di tích trải rộng trên một diện tích là hơn 54000 m2 gồm có khu nội tự và khu ngoại tự.
Khu ngoại tự là Hồ Văn ở phía trước Văn Miếu và khu Vườn Giám nằm ngoài dãy tường bao ở bên phải của di tích. Giữa hồ Văn có gò Kim
27
Châu, trên gò dựng Phán Thuỷ đường là nơi diễn ra các buổi bình văn thơ của nho sĩ kinh thành xưa.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám chính là khu nội tự của di tích được ngăn cách với không gian ồn ào bên ngoài bằng tường gạch vồ xây xung quanh và chia thành 5 lớp không gian khác nhau, mỗi lớp được ngăn cách nhau bởi các tường gạch và có các cửa thông nhau: một cửa chính giữa và 2 cửa phụ hai bên với các kiến trúc chủ thể là: cổng Văn Miếu, cổng Đại Trung, Khuê Văn các, cổng Đại Thành, khu điện thờ, cổng Thái Học và kết thúc là khu Thái Học.
Khuê Văn Các là một lầu gác vuông 2 tầng, 8 mái được xây dựng vào năm 1805 đời vua Nguyễn Gia Long. Tầng dưới là 4 trụ gạch, 4 bề trống không, tầng trên là kiến trúc gỗ 2 tầng mái lợp ngói ống, trang trí 4 góc bằng đất nung. Bốn mặt gác trổ 4 cửa sổ tròn xung quanh có những thanh gỗ con tiện toả ra bốn phía tượng trưng cho các tia của sao Khuê toả sáng.
Hai dãy bia Tiến sĩ là những hiện vật quý giá nhất của khu di tích. Hiện còn 82 tấm bia phân đều thành 2 bên, mỗi bên 41 bia đối xứng nhau qua giếng Thiên Quang. Hai toà đình bia xây dựng vào năm 1863, bốn mặt bỏ trống. Xưa kia xuân thu nhị kỳ, khi trong Điện thánh tế lễ Khổng Tử, thì ở đây cũng sắm sửa lễ vật tế lễ các vị tiên nho mà quý danh được khắc trên bia đá dựng nơi cửa hiền tài. Hiện nay 2 đình bia là nơi dựng 2 tấm bia của hai khoa thi đầu tiên triều Lê năm 1442 và 1448 cùng danh sách 1307 tên và quê quán của các vị đỗ đại khoa của 82 khoa thi từ năm Đại Bảo 3 (1442) đến năm Kỷ Hợi (1779) đã được ghi trên 82 tấm bia Tiến sĩ đặt tại Văn Miếu. Năm 2011, khu vườn bia tiến sĩ đã được UNESCO công nhận là "Kí ức di sản tư liệu thế giới"
Khu vực chính thờ Khổng Tử và các bậc Tiên hiền, Tiên nho bao gồm điện Đại Thành, nhà Bái Đường, hai dãy Đông vu, Tây vu. Là nơi tổ chức các nghi thức tế lễ, do vậy chính giữa toà Đại Bái đặt một hương án, trên
28
bày đồ thờ. Hương án làm bằng gỗ sơn son thếp vàng, hai mặt trước và sau có hoạ tiết đục trạm gỗ kiểu hoa văn thời Lê.
Điện Đại Thành là nơi thờ Khổng Tử, Tứ phối, Thập triết. Gian chính là tượng đức Khổng Tử, mặt nhìn về hướng nam, phía sau là khám thờ trên có ngai và bài vị: "Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư Khổng Tử thần vị"
Bên đông là tượng Phục Thánh Nhan Hồi và Thuật Thánh Tử Tư. Bên tây là Tông Thánh Tăng Tử và Á Thánh Mạnh Tử.
Hai gian đầu hồi là 10 bia đá bài vị Thập triết, là những người tiêu biểu cho 4 khoa là: Đức hạnh, Ngôn ngữ, Chính trị và Văn học
Toà Đại Bái và Điện thánh là nơi các triều đại Lý, Trần, Lê hàng năm xuân thu hai lần chọn ngày Đinh đầu tiên của tháng hai và tháng tám tế lễ, do vua chủ tế hoặc cử hoàng thân, đại thần tế thay.
Khu Quốc Tử Giám xưa kia có nhà giảng đường, thư viện, khu tam xá cho học sinh ở, kho để đồ tế khí và kho chứa bản gỗ khắc in sách. Triều Nguyễn xây dựng Quốc Tử Giám Huế, khu này trở thành học phủ của phủ Hoài Đức (sau thuộc Hà Nội) và xây đền Khải Thánh để thờ cha mẹ của Khổng Tử. Toàn bộ khu này đã bị đốt phá năm 1946.
Năm 2010, để tôn vinh nền văn hóa dân tộc, nhà nước ta đã cho xây dựng công trình Thái Học trên nền cũ của trường Quốc Tử Giám xưa. Quy mô kiến trúc khu Thái Học rất bề thế, trang nghiêm và hài hoà với kiến trúc cảnh quan của khu Văn Miếu phía trước.
Tầng 1 là nơi tôn vinh Danh sư Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An và là nơi trưng bày về "Văn Miếu- Quốc Tử Giám Thăng Long và nền giáo dục Nho học Việt Nam" giới thiệu khái quát lịch sử hình thành và phát triển của Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng những giá trị sâu sắc của truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu học, đề cao nhân tài, thừa kế và phát huy di sản
29
văn hoá dân tộc trong sự nghiệp xây dựng đất nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Tầng 2 là nơi tôn thờ các danh nhân đã có công xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám và đóng góp vào sự nghiệp giáo dục Nho học của Việt Nam. Đó là các vị vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông.
Quy mô và bố cục của Văn Miếu Hà Nội hiện nay là Văn Miếu lớn nhất trong cả nước, được bảo tồn tương đối hoàn chỉnh đã thu hút đông đảo khách tham quan trong nước và nước ngoài, trở thành điểm du lịch quan trọng của Thủ đô và cả nước.