Xét từ quan điểm của chính quyền Nhà nước thì quá trình thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ các mục tiêu phi nông nghiệp trên địa bàn làng Gia Trung đã được triển khai đúng với chính sách của Nhà nước về thu hồi quyền sử dụng đất nông nghiệp. Để thu hồi đất nông nghiệp được nhanh chóng và đúng tiến độ, chính quyền địa phương vừa sử dụng công cụ chính sách để thúc ép người dân Gia Trung thực hiện việc thu hồi quyền sử dụng đất nông nghiệp, đồng thời tích cực tuyên truyền và hứa hẹn những triển vọng nghề nghiệp mà người nông dân sẽ được hưởng, chẳng hạn như việc các doanh nghiệp sử dụng đất sẽ tạo công ăn việc làm cho một số lao động của các hộ gia đình có đất bị thu hồi, hoặc chính quyền và doanh nghiệp sẽ mở các lớp đào tạo nghề (lái xe, tin học, may mặc, đan lát,…) cho người lao động bị thu hồi đất.
Trong thực tế, cách làm này có tác dụng nhất định, đó là có một số hộ gia đình nhất là các hộ gia đình có người là đảng viên, cán bộ công viên chức địa phương nhanh chóng nhận tiền bồi thường và bàn giao quyền sử dụng đất nông nghiệp đúng thời hạn theo yêu cầu của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, một bộ phận đáng kể các hộ gia đình không giao đất, dẫn đến tình trạng mâu thuẫn và khiếu kiện liên quan đến thu hồi và đền bù quyền sử dụng đất nông nghiệp diễn ra trong nhiều năm qua với sự tham gia của đông đảo những người nông dân bị thu hồi quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Nguyên nhân chính của các khiếu kiện này bao gồm một số vấn đề liên quan đến thu hồi và đền bù quyền sử dụng đất của các hộ gia đình ở Gia Trung. Thứ nhất, một nhận định phổ biến mà nhiều hộ gia đình nói đến là họ thấy mức đền bù quá thấp và không chấp nhận mức giá đền bù và hỗ trợ quyền sử dụng đất do Nhà nước quy định. Vì họ cảm nhận được sự khác biệt quá lớn giữa mức giá đền bù và hỗ trợ của Nhà nước và giá trị kinh tế thật của quyền sử dụng đất trên thị trường địa phương.
Một yếu tố quan trọng khác là sự không nhất quán và thiếu minh bạch trong thu hồi và đền bù quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình. Ví dụ, các hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng Khu biệt thự và nhà ở để bán Quang Minh đã áp dụng nhiều mức giá đền bù khác nhau, vừa công khai vừa có sự thỏa thuận ngầm với một số hộ không chấp nhận mức đền bù theo chính sách của Nhà nước. Cụ thể là vào thời điểm năm 2005, một số hộ gia đình chỉ nhận 30 triệu đồng/sào đất nông nghiệp thì có một số hộ được nhận 40 triệu đồng/sào, thậm chí có hộ được nhận tới 120 triệu đồng/sào và đến năm năm 2008 để hoàn thành việc thu hồi diện tích đất nông nghiệp phục vụ dự án này, có một số hộ còn được nhận tới hơn 300 triệu đồng/sào.
Khi thông tin về sự chênh lệch trong giá đền bù và hỗ trợ này bị tiết lộ thì 170 hộ gia đình, những người đã chấp hành chính sách thu hồi đất bằng việc nhận tiền đền bù với mức 17 triệu đồng/sào đã tập hợp nhau khiếu kiện, đòi công ty Vinaconex số 2 phải tính mức đền bù quyền sử dụng đất cho gia đình họ bằng với mức các hộ gia đình khác được hưởng. Bởi lẽ, họ nhận thấy một sự chênh lệch rất lớn giữa những mức đền bù khác nhau cho các hộ gia đình khác nhau trong cùng một dự án thu hồi. Điều nực cười đối với 170 hộ gia đình này là chính họ là những gia đình gương mẫu thực hiện chính sách thu hồi đất của Nhà nước, chấp nhận mức đền bù và hỗ trợ do Nhà nước quyết định, bàn giao quyền sử dụng đất đúng thời hạn để phát triển đô thị, thì cuối cùng họ lại bị thiệt thòi về mặt kinh tế. Trong khi một số hộ gia đình khác
không chấp hành chính sách, phản đối mức đền bù, thì do áp lực phải hoàn thành việc thu hồi đất, doanh nghiệp sử dụng đất thu hồi đã chi thêm tiền đền bù một cách không chính thức cho các hộ gia đình này.
Đỉnh điểm của sự phản kháng của hơn 100 hộ gia đình ở Gia Trung là họ công khai thách thức và ngăn chặn việc thi công dự án bằng cách dựng lều trên diện tích đất bị thu hồi, treo biểu ngữ phản đối việc thu hồi đất của công ty Vinaconex 2, rào cổng và không cho doanh nghiệp thi công dự án. Mâu thuẫn càng trở nên căng thẳng khi một số căn hộ, biệt thự trong đó có biệt thự được xây dựng trên diện tích đất rộng 360m2 được công ty rao bán với giá 7 tỷ đồng, thậm chí 10-15 tỷ đồng/biệt thự. Khiến người dân thấy rõ sự khác biệt quá lớn này, theo lời một người cung cấp thông tin: “một căn biệt thự của công ty là 10 tỷ, trong khi đó mua ruộng của chúng tôi chỉ có 17 triệu đồng/sào, gấp mấy trăm lần tiền bồi thường ban đầu. Đây là một sự vô lý không thể chấp nhận được, là nguyên nhân làm cho nhiều hộ gia đình không thể không khiếu kiện”16.
Về phía chính quyền Nhà nước, để trấn an lòng dân, chính quyền huyện sau khi nhận được một số lượng lớn đơn thư tố cáo và khiếu kiện đã tiến hành kiểm tra việc thu hồi, đền bù và cuối cùng vẫn kết luận là không xác định được bằng chứng về việc doanh nghiệp chi đền bù cao hơn mức giá 17 triệu đồng/sào mà chính quyền Nhà nước đã quy định. Đến cuối năm 2008, chính quyền huyện chính thức kết luận và khẳng định những nội dung mà người dân tố cáo là hoàn toàn không có căn cứ. Tuy nhiên, trong những cuộc họp sau đó với các hộ gia đình bị thu hồi đất vốn nhận tiền đền bù ở mức 17 triệu đồng/sào, doanh nghiệp Vinaconex số 2 chủ trương hỗ trợ thêm 25 triệu đồng/sào và vấn đề giao đất dịch vụ.
Cách giải quyết như trên của chính quyền huyện không được các hộ gia đình bị thu hồi đất chấp nhận. Vì thế, họ tiếp tục khiếu kiện lên cả những cấp
chính quyền cao hơn ở thành phố và Trung ương. Những khiếu kiện của các hộ gia đình bị thu hồi đất ở Gia Trung vẫn tiếp diễn cho đến thời điểm năm 2012, khi tôi điền dã thu thập tài liệu ở địa bàn nghiên cứu. Quan sát của tôi ở thời điểm điền dã cho thấy vẫn còn 2/3 diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang sau 7 năm thu hồi, doanh nghiệp không triển khai tiếp dự án, còn người dân thì không có đất để canh tác.
Thứ hai, là vấn đề giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp đưa ra ở Gia Trung từ năm 2007. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, khi Gia Trung đã bị thu hồi đến 80% diện tích đất nông nghiệp, người dân vẫn không được nhận đất dịch vụ. Người nông dân ngày ngày trông chờ vào phần đất dịch vụ được giao, liên tục kiến nghị chính quyền sớm giao đất để yên tâm ổn định sản xuất. Trong khi chính quyền thì lại nhận định “rất khó thực hiện được các phương án bố trí đất dịch vụ do thiếu kinh phí đầu tư hạ tầng và chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng”17. Tóm lại, những bất cập trong công tác đền bù, hỗ trợ thiệt hại về đất nông nghiệp, trong thu hồi và sử dụng đất nông nghiệp đã chuyển đổi và tiến độ giao đất dịch vụ cho người dân chưa được thực thi, một mặt đã làm xáo trộn thị trường đất đai ở Gia Trung; mặt khác, làm gia tăng thêm những mâu thuẫn, phản ứng của người dân địa phương về việc thu hồi đất và các hỗ trợ, bồi thường thiệt hại về đất. Bản chất của những trường hợp khiếu kiện, mâu thuẫn đất đai đều xuất phát từ lợi ích, do sự chênh lệch quá lớn giữa giá đất được bồi thường cho người nông dân với giá đất sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng. Đúng như nhận xét “người nắm quyền sử dụng đất ít có tiếng nói trong vấn đề quyết định giá và các quyền lợi kinh tế khác trong quá trình đền bù” [124, tr. 103]. Điều này, gây mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, giữa nông dân với cán bộ địa phương và công ty sử dụng diện tích đất nông nghiệp đó
17 Chính sách giao đất dịch vụ được xã Quang Minh dự kiến tiến hành ở 6/7 thôn, với tổng diện tích quy hoạch 353.044m2, giao cho khoảng 3.686 hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi.
vào mục đích kinh doanh, phát triển, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân và trật tự trị an của địa phương.
2.3. Tiểu kết
Với sự phát triển của công nghiệp hóa, đô thị hóa, làng Gia Trung đã trải qua một quá trình biến đổi nhanh chóng về cơ cấu đất và sử dụng đất do một diện tích lớn đất nông nghiệp của các hộ gia đình nông dân bị chính quyền Nhà nước thu hồi để triển khai các dự án phát triển công nghiệp và đô thị. Chính sách thu hồi và đền bù như được áp dụng ở Gia Trung phản ánh rõ những quy định của Nhà nước về sở hữu và sử dụng đất, đặc biệt là đất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thu hồi và đền bù, người nông dân bị thu hồi quyền sử dụng đất cảm nhận rõ những bất cập mất mát liên quan đến các nguồn vốn sinh kế và phương thức mưu sinh của hộ gia đình. Chính vì thế, dù những dự án phát triển đô thị và công nghiệp được thực hiện nhân danh Nhà nước và việc thu hồi, đền bù quyền sử dụng đất được thực hiện theo chính sách của Nhà nước, người nông dân ở Gia Trung vẫn phản kháng, từ chối và cuối cùng đấu tranh đòi hỏi những gì họ nghĩ là họ cần được nhận khi đất đai của họ bị thu hồi để giao cho các tổ chức kinh tế khác làm giàu. Những phản kháng này diễn ra dưới các hình thức: khiếu kiện, biểu tình,... làm cho không chỉ chính quyền không hoàn thành việc thu hồi quyền sử dụng đất, các doanh nghiệp khó triển khai được dự án, mà đất đai bị bỏ hoang, người nông dân bị cuốn vào vòng ảnh hưởng, làm cho mâu thuẫn nông thôn gia tăng. Trường hợp làng Gia Trung chắc hẳn phản ánh một số điểm chung về mâu thuẫn liên quan đến thu hồi và đền bù quyền sử dụng đất nói chung và đất nông nghiệp nói riêng ở các làng nông nghiệp thuộc khu vực nông thôn và vùng ven các đô thị ở Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa từ khi đổi mới.
Chương 3
BIẾN ĐỔI SINH KẾ Ở GIA TRUNG
Ở Việt Nam, quá trình công nghiệp hoá và đô thị hóa đang lan tỏa từ các thành phố lớn ra các vùng ven đô và vùng nông thôn, để chuyển đổi từ kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp. Với quan điểm nông dân là người lao động cư trú ở nông thôn, sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng kết hợp với các ngành khác thì tư liệu sản xuất chính là đất đai. Khi chính quyền Nhà nước phát triển các dự án phát triển công nghiệp và đô thị thì nhiều hộ gia đình bị thu hồi mất tư liệu sản xuất truyền thống. Việc mất đi một trong những tư liệu sản xuất cơ bản này đã tạo nên những biến đổi mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội của các hộ gia đình nông dân nói riêng, cộng đồng làng của họ nói chung.
Làng Gia Trung đang chuyển đổi thành đô thị công nghiệp, dù còn một số hộ gia đình đang làm nông nghiệp, sống một phần nhờ nông nghiệp. Quá trình chuyển đổi này đã diễn ra như như trình bày ở trên có tác động như thế nào đến sinh kế của người nông dân ở làng? Nói cách khác, các hoạt động sinh kế của người nông dân ở Gia Trung hôm nay có biến đổi gì và đã biến đổi ra sao so với các hoạt động sinh kế truyền thống của họ sau khi đất nông nghiệp của hầu hết các hộ gia đình bị thu hồi để phát triển công nghiệp và đô thị phục vụ xã hội, phục vụ Nhà nước nói chung và một số doanh nghiệp nói riêng? Chương này của luận văn sẽ phân tích và trả lời các câu hỏi này.