Đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản

Một phần của tài liệu Nghiên cứu, áp dụng quy hoạch quy hoạch không gian biển phục vụ phát triển bền vững Vịnh Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh (Trang 53)

Các huyện thuộc khu vực nghiên cứu có nhiều tiềm năng, thế mạnh về thủy, hải sản. Và thực tế cho thấy trong nhiều năm nay, nhân dân các địa phương đã biết khai thác lợi thế để xoá đói, giảm nghèo, làm giàu cho gia đình và góp phần ổn định xã hội. Sản lượng thủy sản toàn khu vực tăng qua các năm, đến năm 2011 đạt 21,3 nghìn tấn so với năm 2009 tăng gần 14%, trong đó huyện Hải Hà có sản lượng cao nhất đạt 13,7 nghìn tấn (Bảng 2.7).

Bảng 2.7. Sản lượng thủy sản khu vực vịnh Tiên Yên các năm

(Đơn vị: nghìn tấn) Huyện 2005 2007 2009 2011 Tiên Yên 1,6 2 2,2 2,4 Đầm Hà 2,7 3,7 4,2 5,2 Hải Hà 8,9 10 12,3 13,7 Tổng 13,2 15,7 18,7 21,3 Nguồn: [6]

46

Năm 2011, sản lượng khai thác của 3 huyện là 11,9 nghìn tấn. Chỉ tính riêng huyện Tiên Yên tính đến cuối năm 2011, toàn huyện có hơn 400 tàu thuyền đánh bắt với công suất từ 20 CV trở lên. Tổng sản lượng khai thác mỗi năm đạt 1,8 nghìn tấn/năm. Các phương tiện đánh bắt được sử dụng là kéo lưới và ghe cào.

Vì vậy, việc đánh bắt thuỷ sản trong vùng ít ảnh hưởng lớn đến môi trường nước biển. Các hoạt động khai thác mang tính chất huỷ diệt nguồn lợi như dùng mìn đánh bắt cá gần đây đã giảm nhưng vẫn còn xuất hiện ở một số nơi trong địa bàn khu vực nghiên cứu. Những hoạt động này trong tương lai cần được ngăn cấm hoàn toàn để bảo toàn nguồn lợi và đảm bảo an toàn tính mạng cho chính người dân.

Phát triển ngư nghiệp là một thế mạnh của khu vực nghiên cứu, các huyện đã mở rộng diện tích nuôi trồng thuỷ sản lên 2.900,7 ha, tổng sản lượng nuôi tôm năm 2011 là 1,09 nghìn tấn, cá là 2,68 nghìn tấn (bảng 2.8).

Bảng 2.8. Sản lượng thủy sản nuôi trồng thủy sản khu vực vịnh Tiên Yên năm 2011

(Đơn vị: nghìn tấn)

Huyện Sản lượng nuôi tôm Sản lượng nuôi cá

Tiên Yên 0,197 0,1

Đầm Hà 0,442 0,5

Hải Hà 0,451 2,08

Tổng 1,09 2,68

Nguồn: [6]

Toàn khu vực nghiên cứu có 2.874 hộ nuôi trồng thủy sản. Đáng lưu ý đối với môi trường là việc nuôi tôm theo hình thức công nghiệp nhưng khâu xử lý chất thải còn chưa được coi trọng. Hầu hết nước thải từ các đầm nuôi đều được đổ thẳng ra biển mà không qua bất kì một quá trình kiểm tra cũng như xử lý nào. Hình thức nuôi quảng canh trong những năm gần đây rất phát triển, chủ yếu là việc đắp bờ ngăn thành đầm, xây cống để lấy nguồn tôm giống và thức ăn tự nhiên khi triều lên. Ở một số các đầm nuôi trồng thủy sản, do chưa có kênh dẫn nước mặn thích hợp nên trong diện tích có thực vật ngập mặn đã tạo nên môi trường yếm khí có tính khử mạnh làm sinh vật trong đầm bị giảm đi nhiều. Nhiều khu vực, sau vài năm NTTS, môi trường đất và nước bị thoái hóa dần. Việc chặt phá RNM để nuôi trồng thủy sản và sự hoang hóa các đầm nuôi thủy sản đã gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và các biến động xấu về đường bờ.

47

Huyện Đầm Hà có khoảng 5.500 ha bãi triều, bãi bồi ven biển và 22 hòn đảo lớn nhỏ tạo thành những vũng, vịnh khép kín rất thuận lợi cho đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản. Hiện tại, trên địa bàn huyện có rất ít hộ gia đình đầu tư về cơ sở vật chất cho việc đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản, đa số các hộ đều phát triển theo hướng tự phát nên hiệu quả kinh tế không cao là không bền vững. Thêm nữa, ngư dân vẫn chưa có cách phòng chống hiệu quả những diễn biến thất thường của thiên tai và dịch bệnh. Theo ước tính, hàng năm các hộ nuôi trồng thuỷ sản thiệt hại hàng tỷ đồng do không khắc phục được sự cố thời tiết, dịch bệnh. Do vậy, việc đề ra các quy hoạch cụ thể, chi tiết và nâng cao kiến thức, phương pháp cho nông dân trong việc nuôi trồng thuỷ, hải sản là rất cần thiết nhằm thu được lợi ích kinh tế cao nhất.

Tuy nhiên, không thể không nhắc tới những tác động tiêu cực đến môi trường, các hệ sinh thái do hoạt động NTTS gây ra trong nhiều năm trở lại đây như dư lượng thuốc kháng sinh và chất hữu cơ dư thừa trong quá trình nuôi tôm, cá, ốc... theo nước thải ra môi trường gây ô nhiễm chất hữu cơ và các hiện tượng kèm theo như phú dưỡng.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu, áp dụng quy hoạch quy hoạch không gian biển phục vụ phát triển bền vững Vịnh Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh (Trang 53)