Các giải pháp về tuyên truyền giáo dục

Một phần của tài liệu Nghiên cứu, áp dụng quy hoạch quy hoạch không gian biển phục vụ phát triển bền vững Vịnh Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh (Trang 85)

Dân cư khu vực xung quanh vịnh Tiên Yên sinh sống phần lớn dựa vào khai thác và sử dụng các tài nguyên biển nhằm đem lại lợi ích kinh tế; họ là người trực tiếp tác động đến tài nguyên, môi trường biển. Do đó, giải pháp tuyên truyền và giáo dục đối với người dân trong khu vực về sử dụng hợp lý các tài nguyên và bảo vệ môi trường là một trong những giải pháp rất quan trọng. Giáo dục mọi người có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái trên cơ sở nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên môi trường trước hết vì cuộc sống của chính bản thân mình và cộng đồng xung quanh. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ hội cấp xã, huyện, tỉnh về kiến thức, kỹ năng sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường, bảo vệ môi trường, bảo tồn tự nhiên...

+ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động sâu rộng tới nhiều đối tượng khác nhau ở các địa phương về giá trị, chức năng, vai trò của các tài nguyên biển,

78

kỹ thuật tiến hành các mô hình sử dụng bền vững tài nguyên – môi trường biển, kỹ năng phòng chống cháy rừng, hạn chế tai biến,... Đối với du khách, cần có các biển báo, hướng dẫn cụ thể về bảo vệ tài nguyên, HST và môi trường biển. Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền theo cả chiều rộng và chiều sâu trên các kênh giáo dục: chính thống, không chính thống và giáo dục đại chúng;

+ Xây dựng các chương trình giáo dục tập trung vào các đối tượng học sinh nhằm xây dựng và củng cố nhận thức của nhóm đối tượng này về hiện trạng tài nguyên – môi trường biển và công tác sử dụng hợp lý và đi đến sử dụng bền vững tài nguyên – môi trường biển. Chẳng hạn, tổ chức thi vẽ về HST ven biển và bảo vệ rừng, phát động phong trào trồng rừng, phong trào tình nguyện làm sạch môi trường bờ biển…;

+ Đẩy mạnh xu thế của giáo dục môi trường, chuyển dần từ truyền bá thông tin sang giáo dục, từ nâng cao nhận thức đến giáo dục ý thức cho cộng đồng để họ có thể thu nhận tốt các tri thức, thái độ và kỹ năng cần thiết nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề môi trường hiện tại và phòng ngừa những vấn đề có thể xuất hiện trong tương lai;

+ Tăng cường giáo dục trực quan: sử dụng các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ (máy chiếu phim, máy ảnh, tờ rơi, poster, sách,...). Tổ chức thăm quan thực tế đối với các khu vực tài nguyên biển cụ thể, tổ chức các trò chơi tìm hiểu về môi trường và các chiến dịch truyền thông giúp cho các đối tượng được thông tin nhanh và đạt hiệu quả giáo dục môi trường tốt nhất;

+ Tăng cường hoạt động diễn giải môi trường: đó là quá trình chuyển một ngôn ngữ chuyên ngành khoa học tự nhiên sang dạng ngôn ngữ và ý tưởng mà những người bình thường (chủ yếu là đối tượng du khách và cộng đồng dân địa phương) không làm công tác khoa học có thể hiểu và vận dụng tốt ý tưởng của giáo dục môi trường;

+ Xây dựng các câu lạc bộ có thiên hướng về bảo vệ môi trường (như câu lạc bộ xanh, câu lạc bộ bảo tồn chim,...) kết hợp với củng cố mạng lưới cộng tác viên tuyên truyền ở địa phương để đưa những hoạt động tuyên truyền cụ thể đi sâu vào từng đối tượng quần chúng;

79

+ Xây dựng các chương trình, dự án sử dụng bền vững tài nguyên – môi trường biển có sự tham gia của người dân (ngay từ khâu hình thành và thiết kế chương trình dự án) nhằm đảm bảo cho sự thành công của công tác triển khai quy hoạch.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu, áp dụng quy hoạch quy hoạch không gian biển phục vụ phát triển bền vững Vịnh Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh (Trang 85)