Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
2.1.1. Quy định về nội dung và phương thức thực hiện dân chủ cơ sở ở xã,
phường, thị trấn
2.1.1.1. Quy định về nội dung thực hiện dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn
Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) gồm 6 chương với 28 Điều, đã quy định các vấn đề: những nội dung phải công khai để nhân dân biết; những nội dung nhân dân bàn và quyết định; những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; những nội dung nhân dân giám sát; trách nhiệm của chính quyền, cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và của nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cấp xã và phương thức, biện pháp cụ thể để thực hiện từng nội dung, vấn đề được quy định trong pháp lệnh cũng như các phương thức xây dựng cộng đồng dân cư thôn - nơi sinh sống của cộng đồng dân cư.
Các nội dung thực hiện dân chủ cơ sở đều nhằm hướng tới một mục đích là: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.
Quy định về nội dung công khai để dân biết: Quyền "dân biết" là sự cụ thể hóa một quyền công dân cơ bản được ghi nhận trong Hiến pháp: đó là quyền được thông tin.
Trong xã hội dân chủ, người dân có quyền được biết về tất cả mặt hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động quản lý nhà nước: Biểu hiện cụ thể nhất qua các chính sách, văn bản pháp luật của Nhà nước, dân có biết thì mới hiểu rõ và làm đúng các quy định pháp luật nếu dân biết, họ sẽ tự bảo vệ được các quyền, lợi ích của mình, tránh sự xâm hại từ phía các cá nhân khác, hoặc thậm chí từ phía chính quyền. Biết được quy định đó là cơ sở trước tiên để họ thực hiện được các quyền dân chủ tiếp theo như "bàn", "làm" và "kiểm tra". Quy định quyền của mọi người dân được thông tin về những chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, các
vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày của nhân dân tại cơ sở….và nghĩa vụ của chính quyền phải thông tin kịp thời và công khai cho người dân tại Điều 5 Pháp lệnh bao gồm:
- Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế và dự toán, quyết toán ngân sách hằng năm của cấp xã.
- Dự án, công trình đầu tư và thứ tự ưu tiên, tiến độ thực hiện, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn cấp xã; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh, quy hoạch khu dân cư trên địa bàn cấp xã.
- Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức cấp xã trực tiếp giải quyết các công việc của nhân dân.
- Việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án đối với cấp xã; các khoản huy động nhân dân đóng góp.
- Chủ trương, kế hoạch vay vốn cho nhân dân để phát triển sản xuất, xoá đói, giảm nghèo; phương thức và kết quả bình xét hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, trợ cấp xã hội, xây dựng nhà tình thương, cấp thẻ bảo hiểm y tế.
- Đề án thành lập mới, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính liên quan trực tiếp tới cấp xã.
- Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức cấp xã, của cán bộ thôn, tổ dân phố; kết quả lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã.
- Nội dung và kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cấp xã mà chính quyền cấp xã đưa ra lấy ý kiến nhân dân theo quy định tại Điều 19 của Pháp lệnh này.
- Đối tượng, mức thu các loại phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác do chính quyền cấp xã trực tiếp thu.
- Các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính, giải quyết các công việc liên quan đến nhân dân do chính quyền cấp xã trực tiếp thực hiện.
- Những nội dung khác theo quy định của pháp luật, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chính quyền cấp xã thấy cần thiết.
Như vậy, so với các quy định của Nghị đinh 79/2003/NĐ – CP thì các quy định của Pháp lệnh đã có những sửa đổi bổ sung hợp lý, không chỉ là việc liệt kê ra những việc phải công khai, việc liệt kê rất dễ dẫn đến việc liệt kê thiếu, do đó, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị định, Pháp lệnh đã không những quy định những nội dung chính quyền cần công khai kịp thời cho dân mà còn mở rộng các vấn đề khác, việc khác chính quyền thấy cần thiết và nhân dân yêu cầu thông báo. Với các quy định này, Pháp lệnh đã mở rộng quyền chủ động cho các chính quyền cơ sở.
Các câu chữ của Pháp lệnh đã đầy đủ, ngắn gọn so với các quy định trước kia của Nghị định là chung chung, pháp lệnh đã tập trung quy định về các vấn đề đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ và liên quan thiết thực đến quyền của người dân, mà trên thực tế trong một thời gian dài trước đây các quyền đó vẫn đang tiếp tục bị vi phạm, không được làm rõ, và gặp khó khăn do các quy định trong Nghị định quá mơ hồ, các vấn đề quan trọng đó như: các quyền của nhân dân về các dự án đầu tư trên địa bàn quê hương mình (về phương án đầu tư, mục đích, triển vọng của dự án, tiến độ…) cũng như các quy định về đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đây là các vấn đề cần được công khai và làm rõ.
Tiếp đó là các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính ở cấp cơ sở: như thủ tục khai sinh, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hộ tịch, hộ khẩu… trong thời gian vừa qua cũng là vấn đề gây nhiều bức xúc trong dân, các thủ tục hành chính cần đơn giản, gọn nhẹ để tiện cho dân, tuy nhiên trên thực tế các thủ tục hành chính ở nước ta còn rất nặng nề, phiền hạ, vì vậy, việc công khai các nội dung liên quan đến thủ tục hành chính là rất quan trọng, tránh mất thời gian của cán bộ nhà nước, cũng như gây khó dễ cho người dân. Người dân có thể yêu cầu, kiến nghị lên thôn, tổ dân phố hoặc chính quyền xã - nếu những quyền "dân biết" nói trên chưa được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ. Trong trường hợp những quyền dân biết nói trên bị vi phạm từ phía chính quyền, người dân có thể khiếu nại hoặc tố cáo.
Pháp lệnh cũng quy đĩnh rõ về trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung cần công khai về dân chủ thuộc về Ủy ban nhân dân cấp xã tại Điều 9 của Pháp lệnh.
Như vậy, để đảm bảo quyền dân biết thì vai trò của chính quyền cấp xã là rất lớn, ở đâu làm tốt các nội dung liên quan đến thông báo công khai đến toàn thể nhân dân thì ở đó sẽ đảm bảo có một đời sống chính trị ổn định, tạo được niềm tin và ổn định nề nếp sinh hoạt trong dân, tạo cho nhân dân cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.
Quy định về nội dung nhân dân bàn và quyết định: "Quyền dân bàn" có
nghĩa là: người dân có quyền bàn bạc, thảo luận hoặc tham gia ý kiến vào một số công việc của chính quyền. Quyền dân làm - ở đây hiểu là quyền của người dân được bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc nhất định trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Đây là đỉnh cao quyền dân chủ của công dân, biểu hiện ở việc tự mình quyết định hướng đi, cách xử lý công việc của cộng đồng.
Khi người dân đã được bàn, được quyết các công việc chung họ sẽ tích cực tham gia thực hiện chúng, tránh xích mích, khiếu kiện tràn lan do không hiểu và không nhất trí. Để dân bàn, các công việc sẽ được giải quyết tốt nhất, bởi lẽ không ai hiểu mình cần gì và cần làm như thế nào - hơn là chính người dân ở cơ sở. Và cuối cùng, khi dân được bàn và quyết định sẽ hạn chế và kiểm soát được phía chính quyền, tránh tình trạng tham nhũng hay độc đoán, chuyên quyền.
Để thể chế hóa chủ trương dân bàn, Pháp lệnh đã quy định những việc mà nhân dân cơ sở bàn, những việc mà nhân dân cơ sở quyết định. Các quy định trong pháp lệnh đã phân rõ ràng ra cái nào nhân dân cơ sở bàn và trực tiếp quyết định, cái nào nhân dân bàn, biểu quyết và để cấp có thẩm quyền quyết định thành hai mục trong một chương chứ không chia ra làm hai chương riêng biệt như trong Nghị định 79/2003/NĐ – CP, điều đó tạo nên một bố cục hợp lý vì hai nội dung đó đều nhằm thực hiện quyền dân bàn.
Theo như quy định trong Pháp lệnh những việc nhân dân cơ sở bàn và trực tiếp quyết định (Điều 10): Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, tổ dân phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh
phí và các công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật.
Những việc nhân dân bàn, biểu quyết, chính quyền xã ra quyết định: Điều 13
- Hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố.
- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.
- Bầu, bãi nhiệm thành viên Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.
Những việc này, trước đây theo quy định trong Nghị định 79/2003/NĐ – CP đều do nhân dân bàn và quyết định trực tiếp. Trên thực tế các nội dung này cần được sự bàn bạc và nhất trí trong dân, để đảm bảo hợp lòng dân, tuy nhiên, đây là những nội dung liên quan mật thiết đến quy tắc sống trong cộng đồng làng xã, quy định về trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu tổ dân phố, thôn xóm… do đó, cần phải có giá trị pháp lý cao và để làm được điều đó thì phải qua cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thừa nhận và làm căn cứ phổ biến trong dân, cũng như chính cơ quan đó sẽ kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Như vậy, sự thay đổi này sẽ làm cho các quy định trên có giá trị pháp lý cao hơn và có căn cứ thi hành, áp dụng chung trong làng, bản, thôn xóm.
Vấn đề xây dựng hương ước, quy ước: Các vấn đề về xây dựng hương ước, quy ước là vấn đề được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, các nội dung đó đã được ghi nhận trong chỉ thị số 30/1998/CT – BCT và sau đó được cụ thể bằng Chỉ thị số:
24/1998/CT - TTg ngày 19 tháng 06 năm 1998 về việc xây dựng và thực hiện
hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, sau đó được quy định khá rõ ràng trong TTLT số 03/2000/TTLT – BTP – BVHTT – BTTUBTMTTQVN ngày 31 tháng 3 năm 2000 về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng thôn, bản, ấp, cụm dân cư. Pháp lệnh 34/2007/PL - UBTVQH cũng tiếp tục quy định và khẳng định một lần nữa về vai trò, tầm quan trọng của hương ước, quy ước trong việc quản lý đời sống ở cộng đồng dân cư nông thôn.
Theo các quy định này: Thôn, làng xây dựng hương ước, quy ước về công việc thuộc nội bộ cộng đồng dân cư, kế thừa và phát huy thuần phong mỹ tục của cộng đồng, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành nhằm bài trừ hủ tục, mê tín
dị đoan, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, văn minh.
Hương ước là văn bản quy phạm xã hội trong đó quy định các quy tắc xử sự chung do cộng đồng dân cư cùng thoả thuận đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân nhằm giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hoá trên địa bàn làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật, điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ dân trí, phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống của cộng đồng dân cư, nội dung của hương ước tập trung vào một số vấn đề cụ thể sau đây:
+ Hương ước quy định các hình thức và biện pháp khen thưởng đối với cá nhân, hộ gia đình có thành tích trong việc xây dựng và thực hiện hương ước như: lập sổ vàng truyền thống, nêu gương người tốt việc tốt, ghi nhận công lao, thành tích học tập của tập thể, cá nhân, bình xét, khen thưởng các gia đình văn hóa và các hình thức khen thưởng khác do cộng đồng dân cư tự thỏa thuận hoặc đề nghị các cấp chính quyền ra quyết định.
+ Hương ước cũng quy định đối với những người vi phạm cũng có những biện pháp đối với người có hành vi vi phạm các quy định của hương ước: Trước tiên là hình thức giáo dục, phê bình của gia đình, tập thể, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu vi phạm nghiêm trọng thì trên cơ sở thảo luận thống nhất của cộng đồng có thể buộc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm trong phạm vi cộng đồng hoặc áp dụng những biện pháp phạt nhưng không được đặt ra các biện pháp phạt nặng nề mang tính xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng, tài sản, quyền lợi…
+ Hương ước có thể đề ra các biện pháp nhằm góp phần giáo dục những người có hành vi vi phạm pháp luật bị giáo dục tại xã, phường, thị trấn, giúp đỡ, cảm hóa người phạm tội sau khi ra tù trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội [6].
phải, điều dở, điều trái, về cái đúng - sai, đáng trọng - đáng khinh. Sức mạnh cưỡng chế của hương ước dựa vào lề thói, nếp sống quen thuộc của cộng đồng làng. Hương ước vừa uốn người ta vào khuôn phép, và động viên người ta hành động, gắn bó dân làng thành một cộng đồng chặt chẽ, đồng thời điều tiết các trách nhiệm và các quyền lợi của mọi thành viên trong làng. Do đó, hương ước có ý nghĩa trong việc bổ sung cho luật pháp khi cần xử lý những vấn đề rất cụ thể nảy sinh từ nếp sống đặc thù của làng.
Tiếp đó, tại chương IV có quy định về những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định cũng là nội dung thể hiện quyền dân bàn. Chương này quy định các nội dung sau:
- Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp xã; phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất; đề án định canh, định cư, vùng kinh tế mới và phương án phát triển ngành nghề của cấp xã.
- Dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh; việc quản lý, sử dụng quỹ đất của cấp xã.
- Dự thảo kế hoạch triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn cấp xã; chủ trương, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, tái định cư; phương án quy hoạch khu dân cư.