4 Ngày 18/11 âm lịch (31/12)
3.4.2 Di tích tôn giáo tín ngưỡng
Phần này, luận văn chỉ tập trung tìm hiểu những di tích tôn giáo tín ngưỡng được xây dựng từ thế kỷ XIX trở về trước ở trung tâm Mô Xoài. Hiện nay ở thành phố Bà Rịa có hàng trăm ngôi chùa, tịnh xá lớn nhỏ đặc biệt tập trung quanh núi Dinh, đa số chùa, tịnh xá này đều được xây dựng vào giữa thế kỷ XX nên không nằm trong phạm vi của luận văn. Những di tích được xây dựng từ thế kỷ XIX trở về trước đều là di tích tín ngưỡng dân gian và Phật giáo gắn liền với diễn trình lịch sử của xứ Mô Xoài. Diện mạo của những di tích này là một phần của không gian tôn giáo tín ngưỡng đồng thời tạo nên sự đa dạng trong cảnh quan văn hóa của vùng trung tâm Mô Xoài.
3.4.2.1 Khái quát di tích tôn giáo tín ngưỡng
Các di tích tôn giáo tín ngưỡng ở vùng Mô Xoài rất đa dạng với nhiều loại hình như đình, chùa, miếu (miễu), lăng, đền. Hệ thống các di tích này phản ánh tính đa dạng trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Mô Xoài. Các loại hình di tích này khác nhau về quy mô, kiến trúc, vị trí trong không gian làng, vai trò trong sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng.
Hiện nay, ở trung tâm Mô Xoài xưa chỉ còn 3 đình thần là Long Hương, Phước Lễ và Long Xuyên: đình thần Long Hương thuộc khu phố Hương Điền phường Long Hương; đình thần Phước Lễ nằm ở khu phố 3 phường Phước Trung; đình thần Long Xuyên ở ấp Bắc xã Hòa Long. Chỉ có chùa Long Cốc của làng cổ Long Hương thuộc sự quản lý của dân làng mà nay là phường còn chùa Hội Phước của làng Phước Lễ, chùa Kiên Linh của làng Long Xuyên và chùa Bảo Hải của làng Long Kiên thuộc sự quản lý của giáo hội Phật giáo Việt Nam. Mỗi làng còn có rất nhiều miếu thờ ở trung tâm của không gian tín ngưỡng cộng đồng là đình làng. Riêng làng Long Hương còn có thêm Lăng Ông Nam Hải.
89
Hệ thống các di tích tạo thành một không gian tín ngưỡng cộng đồng được phân bố gần nhau. Ở mỗi làng, trung tâm đời sống tín ngưỡng cộng đồng là khu vực đình làng. Trong không gian đình làng không chỉ có đình thần mà còn tồn tại nhiều dạng di tích khác. Bốn công trình di tích tiêu biểu tạo nên không gian đình làng là đình thần, miếu Bà Ngũ Hành, miếu Thần nông và miếu Ông Hổ. Việc phân bố các di tích tín ngưỡng gần nhau cho thấy tính tích hợp và tập trung của sinh hoạt cộng đồng. Trong không gian ấy, nghi lễ tế ở từng loại hình di tích lại diễn ra trong cùng một lễ hội như nghi lễ Cầu an. Đặc điểm nổi bật này có thể thấy ở tất cả các làng cổ của xứ Mô Xoài.
Riêng chùa lại nằm ở khu vực khác, không tập trung trong không gian đình làng. Do tính chất thanh tịnh, uy nghiêm mà một số ngôi chùa ở trung tâm Mô Xoài nằm cách xa khu vực dân cư. Chùa Đức Vân nằm trên núi Dinh do thiền sư Ngộ Chân thành lập vào đầu thế kỷ XIX có không gian cách xa khu dân cư với vẻ tĩnh mịch, uy nghi của núi rừng. Lê Quang Định cho biết về khung cảnh ngôi chùa này: “đầu núi có hang đá rất sâu không biết bao nhiêu thước” [42, tr. 85], Trịnh Hoài Đức ghi chép rõ hơn: “Lưng chừng sườn núi có động đá sâu, quanh co chật hẹp chưa ai đi vào cho hết được” [48, tr. 26]. Ngày nay, chùa Đức Vân gọi là chùa Hang Tổ thờ vị tổ sư là Ngộ Chân, vị trí của chùa nằm sâu trong rừng trên núi Dinh, từ đường nhựa phải đi theo đường mòn dài khoảng 1km để vào chùa.
Chùa Long Cốc ở làng cổ Long Hương cách đình thần 500m. Chùa Hội Phước của làng cổ Phước Lễ cách đình thần 1km. Chùa Kiên Linh ở làng Long Xuyên cách đình thần hơn 2km. Như vậy, không gian chùa và không gian đình thần nằm cách xa nhau, không nằm cùng ở một không gian tín ngưỡng cộng đồng chung. Ở phường Long Hương, hiện nay Ban quản lý di tích làm nhiệm vụ trông coi cả đình thần và chùa Long Cốc vì là chùa làng.
Ở Mô Xoài, đền, chùa được xây dựng trước đình, trong đó chùa được xây dựng khá sớm trong thời kỳ khai phá đất đai ở thế kỷ XVII, XVIII. Khi con người tụ cư thiết lập làng xóm thì cũng là lúc họ xây dựng các thiết chế tín ngưỡng. Các tư liệu đều cho thấy chùa được thiết lập sớm hơn đình, điều này phản ánh tâm lý của cộng đồng lưu dân, người ta lập chùa trước để mong cầu bình an, chùa được dựng ngay cả khi cộng đồng dân cư còn nhỏ, sơ khai nhưng đình chỉ được thiết lập khi cộng đồng dân cư đã trở nên đông đủ, ổn định.
Ngôi chùa sớm nhất ở Mô Xoài là Sắc tứ Vạn An ở xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ được Đại Nam nhất thống chí cho biết xây dựng vào cuối thế kỷ XVII đến đầu XVIII [98, tr. 92]; ngôi chùa được xây dựng khá sớm nữa là chùa Long Hòa ở xã An Ngãi, huyện Long Điền, quả chuông cổ ở chùa có khắc người đến cúng tiến chuông vào năm 1741 [20, tr. 25], như vậy chùa được xây dựng vào đầu thế kỷ XVIII. Ngoài ra một số ngôi chùa được xây dựng ở thế kỷ XVIII có thể kể đến là Long Cốc ở làng cổ Long Hương, Long Bàn ở thị trấn Long Điền.
Đền, miếu được thiết lập vào thời gian tương đương với lúc dựng chùa. Đền, miếu được thiết lập sớm với kiến trúc tạm bợ, đây là nơi sinh hoạt tín ngưỡng cộng
90
đồng rất quan trọng. Đối với miếu Ông Hổ ở Mô Xoài mặc dù không có tư liệu cho biết được lập khi nào nhưng chắc chắn vào thế kỷ XVII đã được thiết lập để thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng của những người khai hoang trước sự dữ dằn của thiên nhiên, thú dữ. Một số đền thờ những nhân vật lịch sử cũng được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII như đền thờ Nguyễn Diên [48, tr. 237] và Châu Văn Tiếp: “đưa về táng ở ấp Hắc Long [Hắc Lăng] (thuộc trấn Biên Hòa) hậu cấp lụa và tiền gạo cho em gái Tiếp, sai đặt mộ phu để giữ mộ; lại cho cái ỷ chạm con giao long sơn đỏ đề bảy thờ ở nhà” [97, tr. 123], hai đền này ở xã Hắc Lăng tổng An Phú Thượng ngày nay thuộc huyện Long Điền.
Đình được xây dựng muộn hơn, các tư liệu không cho biết chính xác ngôi đình được thiết lập ở Mô Xoài vào bao giờ nhưng đa số được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX. Các đình ở Mô Xoài đều có sắc phong vào năm Tự Đức thứ 5 (1851), ở Nam Bộ rất nhiều đình có sắc phong vào năm này vì đây là đợt phong thần Thành hoàng lớn nhất dưới triều Nguyễn. Các đình thần Long Hương, Phước Lễ, Long Xuyên đều có sắc phong vào năm 1851, riêng đình thần Long Kiên sắc phong và giấy tờ đã bị thực dân Pháp đốt năm 1861 [108, tr. 1] nên không rõ thời gian sắc phong cũng như năm xây dựng.
Đình ở trung tâm Mô Xoài chỉ là nơi thờ cúng, không phải là nơi sinh hoạt việc làng. Đối với vùng châu thổ Bắc Bộ, đình là nơi thờ thần Thành hoàng đồng thời là nhà công cộng sinh hoạt việc làng nhưng ở trung tâm Mô Xoài đình thần chỉ là nơi thờ cúng, sinh hoạt việc làng ở nhà việc. Đây cũng là nét độc đáo, khác biệt giữa văn hóa của người Việt ở miền Bắc và vùng đất Nam Bộ. Đầu thế kỷ XX, ở đình thần Long Hương: “từ nhà việc làng đến miếng đất cất đình thờ Ngài thì phải làm cái cầu (…) Đình thờ ngài thì để đến ngày tam ngươn tứ quý đặng cúng tế ngày thôi, chứ không cho làm việc gì khác” [107, tr. 2]. Đình thần làng Long Xuyên cũng quy định như vậy: “ngoài việc thờ thần, đình không làm gì khác” [110, tr. 2]. Làng Phước Lễ cũng như vậy, đình làng chỉ là nơi cúng tế, người ta có nhà việc của làng để tụ họp bàn bạc việc công.
Trước kia, vị trí của một số di tích tín ngưỡng tôn giáo cách xa nơi dân cư, ngày nay hầu như các di tích này nằm xen trong khu vực cư trú.
Đối với đình, thường phải nằm ở vị trí cao nhất của làng là gò nổi và cách xa khu dân cư. Đình thần Long Hương không nằm ở trung tâm của làng cổ Long Hương: “Đình thờ ngài là chỗ miếng đất rừng buội, làng khai phá ra mà cất đình (…) nơi ấy cấm không cho giết súc vật, còn nhà thì phải cất cho xa đình” [107, tr. 2]. Đình thần Phước Lễ: “Trước kia đình là gò và làm nhà dựng đình thờ” [111, tr. 2]. Đình thần Long Xuyên cũng được xây dựng trên đất gò và cấm làm nhà khu vực đình [110, tr. 2]. Làng Long Kiên cho biết nơi đặt đình: “là một khoảnh đất rộng, có những cây cổ thụ, huyền vũ. Nơi ấy làng tôi [Chánh hương cả Long Kiên là Huỳnh Văn Lượn] dọn dẹp sửa sang, chung đậu tiền cất một tòa đình lớn thờ Ngài. Nơi ấy cấm không cho cất nhà cửa trong đó và nhân dân không làm bậy vô chi hết” [108, tr. 2]. Như vậy, khác với vùng châu thổ Bắc Bộ, đình là trung tâm của làng, đình
91
thần ở Mô Xoài nằm ở vị trí cao ráo, tĩnh mịch và cách xa khu dân cư. Sự khác nhau ấy phản ánh quan điểm về chốn linh thiêng cũng như vị trí của không gian tín ngưỡng cộng đồng.
Ngày nay, một số các di tích tôn giáo tín ngưỡng bị quá trình sinh tụ của dân cư chồng lấn và nằm trong khu vực dân cư. Đình thần Long Hương, đình thần Phước Lễ, các miếu thờ thần và chùa đều nằm trong khu vực dân cư, sự ngột ngạt, đan xen giữa trần tục và chốn linh thiêng là cảm giác chung về không gian của những di tích này. Đình thần Long Xuyên ở khu vực thoáng đãng, vắng vẻ, u tịch với nhiều cây cối lớn xung quanh và không bị chen lấn bởi các công trình xây dựng của dân cư.
Quy mô kiến trúc của đình thần ở Mô Xoài không lớn như các đình ở châu thổ Bắc Bộ. Do biến cố của lịch sử và thời gian, một số ngôi đình ở Mô Xoài như Phước Lễ đã bị đốt cháy và phải xây dựng lại, đình Long Kiên cũng bị đốt cháy và hiện không còn nữa. Quy mô kiến trúc của những đình thần Mô Xoài không lớn lắm, hầu hết đều không giữ được vẻ cổ kính như đình Bắc Bộ. Trong 4 đình thần ở Mô Xoài chỉ có đình Long Hương vẫn còn giữ được nét cổ kính, bề thế với những cột gỗ có trạm khắc, mái ngói âm dương từ thế kỷ XIX. Đình Phước Lễ được xây dựng với chất liệu bằng gạch và không còn cột gỗ. Đình Long Xuyên có quy mô nhỏ nhất, được xây bằng gạch, lợp ngói và không còn giữ được những nét cổ kính trước kia.
Tóm lại, vùng Mô Xoài có hệ thống di tích tôn giáo tín ngưỡng đa dạng. Không gian tập trung các miếu thờ đều nằm gần đình; chùa nằm xa đình hơn. Hai di tích tiêu biểu nhất ở Mô Xoài là chùa và đình, trong đó chùa được xây dựng trước. Đình thần ở Mô Xoài chỉ là nơi thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng, không phải nơi hội họp công cộng của cư dân; vị trí của đình nằm cao hơn so với mặt đất của làng, trước kia nằm xa khu dân cư; quy mô kiến trúc, vẻ bề thế của đình không lớn như châu thổ Bắc Bộ và vẻ cổ kính cũng không bằng.
3.4.2.2 Một số di tích tiêu biểu
Luận văn tập trung trình bày 3 di tích tiêu biểu là đình thần Long Hương, chùa Long Cốc và đình thần Phước Lễ. Đình thần Long Hương và đình thần Phước Lễ là hai đình quan trọng trong hệ thống đình ở trung tâm Mô Xoài. Chùa Long Cốc là chùa làng của Long Hương được xây dựng từ rất sớm.
Đình thần Long Hương còn gọi là đình thần Phước An là một di tích tiêu biểu của làng cổ Long Hương và trung tâm xứ Mô Xoài. Đình thần Long Hương hiện nay nằm ở khu phố Hương Điền phường Long Hương, thành phố Bà Rịa. Theo tài liệu hồi cố từ những cụ cao niên, đình thần được xây dựng khoảng năm 1788 đến 1802 [113, tr. 251], có lẽ vào giữa thế kỷ XVIII làng Long Hương đã có đình nhưng chưa được xây dựng kiên cố. Đến năm 1946, đình bị đốt cháy trong cuộc tiêu thổ kháng chiến chống Pháp [26, tr. 3], sau đó đình được sửa chữa lại. Năm 2012, đình thần Long Hương lại được sửa sang, tu bổ với quy mô lớn.
92
Đình thần Long Hương hiện chỉ còn lại sắc phong năm 1851 ở đời Tự Đức. Sắc phong này chỉ nêu vị thần được thờ là “Bảo an Chính trực Hữu thiện Đôn ngưng” và không biết tên họ chính xác của đức Thành hoàng. Cũng theo sắc phong, trước năm 1851, đình đã thờ vị Thành hoàng này: “vẫn chuẩn cho thôn Long Hương, huyện Phước An phụng sự như cũ [tác giả nhấn mạnh]” [15]. Bên cạnh thần Thành hoàng, đình còn thờ Tiền hiền, Hậu hiện là người có công khai khẩn lập làng Long Hương, hiện còn thờ thêm 51 anh hùng liệt sĩ (Chiến sĩ trận vong).
Khi bắt đầu xây dựng, đình thần nằm ở gò cao, vắng vẻ, cách xa khu dân cư. Các cụ cao niên cho biết, trước năm 1945 khu vực đình thần có rừng, cây cối rậm rạp không có dân cư, nếu ban đêm vào đình phải 5,6 người cùng đi vì sợ cọp1. Trước cửa đình thần có con rạch nối liền với sông Dinh (Mô Xoài) và phải đi qua một chiếc cầu mới vào được đình thần. Ngày nay, xung quanh đinh thần có nhiều nhà cửa, thời điểm năm 2009 nhà cửa chen lấn với không gian đình tạo nên sự ngột ngạt, đến năm 2012 một số căn nhà đã được giải tỏa góp phần làm thông thoáng hơn không gian của đình thần.
Đình thần Long Hương có kiến trúc cổ kính mặc dù bị hỏa hoạn và tu sửa nhiều lần. Đình có kiến trúc hình chữ tam (三) được xây vây kín có thể dễ dàng phân biệt với Thánh Mẫu miếu, miếu Thần Nông, miếu Ông Hổ ở xung quanh. Từ cổng đình vào sẽ gặp sân khấu ca (võ ca) đây là nơi diễn ra nghi lễ Xây Chầu-Đại Bội và cũng là sân khấu diễn tuồng trong lễ Cầu an. Tiếp đến là chánh điện, chánh điện là trung tâm của đình thần thờ đức Thành hoàng, Tiền hiền-Hậu hiền, Tiền vãng-Hậu vãng và chiến sĩ trận vong. Phía sau cùng là nhà bếp để đãi khách trong ngày hội. Đình được xây bằng gạch, nền của bậc thang lên đình có xuất lộ những phiến đá ong cho biết trước kia đình được xây bằng đá ong. Trong đình còn giữ được một số cột gỗ từ thế kỷ XIX không bị cháy vào năm 1946, họa tiết trên các vì kéo, nóc bao gồm hoa lá, chim thú… Đình được lợp bằng ngói âm dương, trên đỉnh có nhiều họa tiết bằng gốm phong phú, đặc sắc miêu tả các tích chuyện như “Cá hóa long”, “Lưỡng long tranh châu”, “Ông mặt trời, Bà mặt trăng”…
Chùa Long Cốc thuộc khu phố Hương Sơn, phường Long Hương, thành phố Bà Rịa. Đây là chùa của làng Long Hương nên còn gọi là chùa Làng. Theo tư liệu hồi cố từ các vị kỳ lão, chùa được xây dựng vào giữa thế kỷ XVIII. Theo vị trưởng lão ở chùa thì thiền sư Ngộ Chân có pháp danh là Long Cốc đã đến làng Long Hương và xây ngôi chùa này, sau đó vị thiền sư tiếp tục lên núi Mô Xoài (núi Dinh) để lập chùa và gọi là chùa Hang Tổ. Thiền sư Ngộ Chân chính là vị cao tăng đã được Trịnh Hoài Đức nhắc đến vào đầu thế kỷ XIX trong Gia Định thành thông chí
[48, tr. 26]. Chùa được xây dựng cách đình làng khoảng 500m, trước kia khung cảnh quanh chùa vắng vẻ, trang nghiêm. Hiện nay chùa nằm ở khu vực dân cư khá nhộn nhịp.
Chùa có kiến trúc hình chữ khẩu (口). Mặt trước chùa thờ Phật, hai bên là hành lang nối xuống nhà tổ, giữa chùa có dựng núi, đắp bình phong để tạo phong
1