Những hạn chế còn tồn tại

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ Hoàn thiện xúc tiến thương mại các dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Trang 80)

Công tác xúc tiến thương mại của BIC trong thời gian qua đã giúp doanh nghiệp giữ được thị phần và đang tiếp tục phát triển tốt. Tuy vậy nếu so sánh doanh thu bảo hiểm với tiềm năng thị trường thì còn một khoảng chênh lệch rất lớn giữa BIC và các nhà bảo hiểm phi nhân thọ khác trên thị trường Việt Nam, rất nhiều sản phẩm bảo hiểm mới khai thác còn nhiều hạn chế. Điều này chứng tỏ rằng mức độ bao phủ thị trường còn rất thấp và đây là một nguy cơ đối với BIC. Nếu như các công ty bảo hiểm nước ngoài có kinh nghiệm được phép kinh doanh tại thị trường Việt Nam theo các cam kết hội nhập quốc tế của chính phủ thì trước hết các công ty này sẽ chiếm phần thị trường chưa được khai phá và tiếp theo là đe doạ phần khách

hàng của BIC. Điều này đòi hỏi phải có sự đánh giá lại công tác xúc tiến thương mại của BIC, từ đó tìm ra những điểm mạnh mang tính khác biệt và những mặt còn hạn chế để có giải pháp phù hợp.

Đội ngũ nhân viên của BIC tuy đã được quan tâm đào tạo nhưng còn nhiều hạn chế. Đa số cán bộ quản lý các cấp hầu hết đều ở độ tuổi trẻ, nhiều nhiệt huyết và năng động tuy nhiên còn thiếu nhiều kinh nghiệm về thị trường và nhất là về công tác xúc tiến thương mại. Tình trạng mỗi nhân viên bán hàng chỉ nắm chắc được một vài sản phẩm bảo hiểm đang là phổ biến, điều này có thuận lợi là nhân viên có thể giải thích đầy đủ cho khách hàng về sản phẩm mà mình nắm, nhưng nếu như khách hàng yêu cầu giới thiệu sang nhóm sản phẩm khác là sẽ gặp khó khăn vì không tìm hiểu kỹ và không nắm vững các điều kiện, điều khoản của sản phẩm để cung cấp cho khách hàng. Đối với khách hàng là tổ chức thường có nhu cầu bảo hiểm về nhiều loại hình bảo hiểm về cả 3 nhóm sản phẩm là bảo hiểm tài sản, bảo hiểm trách nhiệm và bảo hiểm con người sẽ rất khó khăn trong việc tiếp xúc của nhân viên. Một trong những điểm yếu khác nữa của nhân viên BIC là kỹ năng bán hàng mà hầu hết chưa được đào tạo và đây là một lỗ hổng lớn về chính sách con người.

Để duy trì việc tạo ra và cung cấp dịch vụ bảo hiểm với chất lượng cao và ổn định thì BIC phải quy trình hoá mọi hoạt động từ quản lý đến bán hàng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO vào mọi hoạt động. Hoạt động này cần nhiều thời gian, công sức và tài chính.

Nhìn một cách tổng thể có thể nói BIC chưa có quy trình xúc tiến thương mại với đầy đủ tiến trình của nó. Các chính sách và chương chình đang được áp dụng một cách đơn lẻ, không nằm trong một hệ thống và có thể có ảnh hưởng trái chiều nhau đến kết quả hoạt động chung. Việc thiết lập các thông điệp quảng cáo, cũng như thời điểm quảng cáo không được hoạch định trước mà thường bị động theo các hoạt động cuả ngân hàng mẹ là BIDV và các ngành khác điều này làm giảm hiệu quả của hoạt động xúc tiến. Các công cụ trong hỗn hợp xúc tiến còn rời rạc, chưa thống nhất, thiếu sự phối hợp hoạt động giữa các bộ phận trong nội bộ

công ty nên hiệu quả không cao. Thực hiện một cách thống nhất chính sách của BIC là tạo ra một sản phẩm dịch vụ có chất lượng cao nhưng do trình độ chuyên môn cũng như tổ chức thực hiện ở các bộ phận có sự chênh lệch nên chưa tạo được uy tín cao đối với sản phẩm của BIC. Việc xây dựng chính sách giá chưa thoả mãn một cách cao nhất mục tiêu đặt ra. Nỗ lực tìm kiếm, khai thác kênh phân phối mới chưa cao, chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc tận dụng lợi thế về uy tín và danh tiếng của hệ thống ngân hàng mẹ là BIDV trong việc thu hút khách hàng. Chưa có chính sách nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung gian. Hoạt động xúc tiến sử dụng nhiều công cụ nhưng hiệu quả chưa cao, chưa chú trọng đặc biệt vào khách hàng mục tiêu. Công tác xúc tiến thương mại của BIC cần phải được tổ chức lại để đảm nhận công việc từ nghiên cứu thị trường, xây dựng mục tiêu, thiết kế chương trình và tổ chức thực hiện cho đến việc kiểm tra, xem xét các phản hồi từ thị trường để có những điều chỉnh phù hợp. BIC cần chú trọng khai thác khách hàng cá nhân và khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy rằng quy mô kinh doanh của các đối tượng này không lớn nhưng đang có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ Hoàn thiện xúc tiến thương mại các dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Trang 80)