8. Phương pháp nghiên cứu
2.1. Một vài nét về địa bàn nghiên cứu
Hải Phòng còn được gọi là Thành phố Hoa phượng đỏ, là một Thành phố cảng lớn nhất phía Bắc (Cảng Hải Phòng) và công nghiệp ở miền Bắc Việt Nam nằm trong Vùng duyên hải Bắc Bộ. Hải Phòng là thành phố lớn thứ 3 của Việt Nam sau TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội. Hải Phòng còn là 1 trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, đô thị loại 1 trung tâm cấp quốc gia cùng với Đà Nẵng và Cần Thơ. Tính đến tháng 12/2011, dân số Hải Phòng là 1.907.705 người, trong đó dân cư thành thị chiếm 46,1% và dân cư nông thôn chiếm 53,9%, là thành phố đông dân thứ 3 ở Việt Nam, sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Hải Phòng có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế ở Việt Nam, xác định đến năm 2015 sẽ cơ bản trở thành thành phố công nghiệp, đi trước cả nước 5 năm và dự kiến vào trước năm 2020, muộn nhất là 2025 sẽ là thành phố thứ 3 xếp loại đô thị đặc biệt và tầm nhìn từ năm 2025 đến năm 2050 sẽ trở thành thành phố quốc tế.
Huyện An Lão cách trung tâm thành phố Hải Phòng 18 km về phía Tây Nam. Phía Bắc giáp với Quận Kiến An, phía Nam giáp với huyện Tiên Lãng, phía Tây giáp với huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương, phía Đông giáp với huyện Kiến Thụy. Huyện An Lão bao gồm các xã: Bát Tràng, Xã Trường Thọ, xã Trường Thành, xã An Tiến, xã Quang Hưng, xã Quang Trung, xã Quốc Tuấn, xã An Thắng, xã Tân Dân, xã Thái Sơn, xã Tân Viên, xã Mỹ Đức, xã Chiến Thắng, xã An Thọ và xã An Thái. Trong những năm gần đây, huyện An Lão có rất nhiều dự án lớn như dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với diện tích đất thu hồi gần 2 triệu m2, khu công nghiệp Tràng Duệ, khu chung cư… các khu công nghiệp da giầy mới đã đi vào hoạt động tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Vĩnh Bảo là huyện trọng điểm về nông nghiệp của thành phố Hải Phòng với diện tích đất tự nhiên 181 km², dân số 191.000 người. Đây là huyện có nhiều nghề thủ công truyền thống khá nổi tiếng như: dệt vải, dệt thảm, chiếu cói, mây tre đan, tạc tượng, sơn mài, điều khắc gỗ, thêu mỹ nghệ, thuốc lào... Vĩnh Bảo có khu công nghiệp mới tại thị trấn, khu công nghiệp cầu Nghìn, khu công nghiệp Tân Liên đang được đầu tư phát triển, hứa hẹn một khung cảnh mới, một cuộc sống mới cho người dân nơi đây.
Tiên Lãng ở phía Tây Nam của Hải Phòng. Phía Tây và Tây Nam giáp huyện Vĩnh Bảo, phía Đông Bắc giáp Tứ Kỳ và Thanh Hà thuộc tỉnh Hải Dương, phía Bắc giáp huyện An Lão và Kiến Thụy, phía Đông trông ra vịnh Bắc Bộ, phía Đông Nam giáp huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình. Toàn huyện rộng 189 km², dân số là 149,2 nghìn người (2004). Tiên Lãng gồm thị trấn Tiên Lãng và 22 xã: Đại Thắng, Tiên Cường, Tự Cường, Tiên Tiến, Quyết Tiến, Khởi Nghĩa, Tiên Thanh, Cấp Tiến, Kiến Thiết, Đoàn Lập, Bạch Đằng, Quang Phục, Toàn Thắng, Tiên Thắng, Tiên Minh, Bắc Hưng, Nam Hưng, Hùng Thắng, Tây Hưng, Đông Hưng, Tiên Hưng, Vinh Quang. Hiện nay, các khu công nghiệp da giầy, khâu bóng, sản xuất rượu được xây dựng và đầu tư phát triển mạnh ở huyện Tiên Lãng. Đồng thời khu du lịch suối nước nóng, biển Vinh Quang cũng được đầu tư mở rộng và phát triển hơn nữa. Đây là tín hiệu đáng mừng cho người dân địa phương. Đồng thời nó cũng chỉ ra thực tế đó là quá trình đô thị hóa đang diễn ra hết sức nhanh chóng, một Tiên Lãng đã và đang thay da đổi thịt mỗi ngày.
Như vậy, đại đa số người dân ở vùng đô thị hóa tại Hải Phòng mà cụ thể là người dân ở huyện An Lão, huyện Vĩnh Bảo, huyện Tiên Lãng sống bằng nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Nay thời kỳ mới đã đến - thời kỳ đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, công nghiệp và
dịch vụ ngày càng phát triển đã đặt ra yêu cầu mới về việc làm và nhu cầu việc làm cho người dân trong vùng.