8. Phương pháp nghiên cứu
1.2.3. Khái niệm nhu cầu việc làm
1.2.3.1. Khái niệm
Cho đến nay, chưa có khái niệm chính thống về nhu cầu việc làm nhưng trên cơ sở khái niệm về nhu cầu và khái niệm về việc làm, chúng tôi hiểu nhu cầu việc làm như sau: Nhu cầu việc làm là những mong muốn, đòi hỏi của con người về việc làm cần phải được thỏa mãn để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của bản thân và gia đình. Nhu cầu việc làm mang tính xã hội cao, được con người ý thức rõ ràng và thể hiện giá trị xã hội của cá nhân.
Nhu cầu việc làm mang tính xã hội cao bởi nó phản ánh trình độ phát triển của xã hội. Ở thời kỳ nguyên thủy khi mà xã hội mới sơ khai,
mông muội, con người chưa có nhu cầu việc làm, họ gặp gì ăn nấy, hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Thế nhưng cùng với thời gian, xã hội loài người đã và đang phát triển không ngừng, con người biết sáng tạo ra nhiều cái mới làm phong phú đời sống của bản thân, gia đình và xã hội. Vì thế nhu cầu việc làm hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội.
Nhu cầu việc làm được con người ý thức rõ ràng bởi lẽ nó nảy sinh khi con người hiểu biết được ý nghĩa của việc làm, tầm quan trọng của nó đối với bản thân và gia đình. Con người tự nhận thức được đòi hỏi của xã hội hiện tại để hình thành trạng thái và biểu tượng nhu cầu cho mình, họ tự trả lời câu hỏi: Mình đang có nhu cầu về việc làm gì? Việc làm đó có khả năng đảm bảo cuộc sống ổn định cho mình và gia đình ở hiện tại và tương lai không? Mình phải làm gì để thỏa mãn nhu cầu việc làm ở mức độ cao nhất có thể?
1.2.3.2. Bản chất của nhu cầu việc làm
- Nhu cầu việc làm là nhu cầu được làm việc, được hoạt động, nó là nhu cầu cấp cao, được con người sáng tạo ra và có sự tham gia mạnh mẽ của ý thức, nó khác với nhu cầu sinh học. Hoạt động là yếu tố hiện thực hóa nhu cầu, là bằng chứng thể hiện và khẳng định giá trị tồn tại của con người, không ai sống mà không hoạt động, không làm việc. Bởi thế nhu cầu việc làm có ở bất kỳ cá nhân nào trong xã hội và mức độ thiết thân, thường trực của nó ở mỗi cá nhân khác nhau là khác nhau.
Con người không tách biệt với xã hội mà luôn luôn sống trong, sống cùng xã hội cho nên nhu cầu việc làm cũng mang tính xã hội - cộng đồng. Khi cá nhân làm bất kỳ việc gì, dù là việc làm được đào tạo hay không được đào tạo, việc làm đó mang tính chất ổn định hay tạm thời thì đều tạo ra sản phẩm mang tính vật chất và tinh thần. Những sản phẩm này không phải chỉ phục vụ cho bản thân cá nhân mà nó còn liên kết chặt chẽ với xã hội, được xã hội thừa nhận. Những việc làm đúng đắn,
những sản phẩm đẹp, chất lượng sẽ được mọi người trong xã hội đánh giá cao và khuyết khích cá nhân tiếp tục làm việc, phát huy thế mạnh để ngày càng tạo ra những sản phẩm mới uy tín và chất lượng hơn. Ngược lại, sản phẩm của những việc làm trái với chuẩn mực xã hội sẽ bị lên án, phê phán, ngăn chặn và loại bỏ. Do đó, khi sống trong xã hội đôi khi không phải cá nhân thích làm gì thì làm mà việc làm của cá nhân phải được đặt trong sự kiểm soát của toàn xã hội.
Nhu cầu việc làm gắn liền với sự hoàn thiện về mặt thể chất và nhân cách của cá nhân, nó có xu hướng phát triển cùng với sự phát triển của toàn xã hội. Nhu cầu việc làm không phải là nhu cầu viển vông, tách rời hiện thực mà nhu cầu đó phải được đặt trong sự phát triển hiện tại của xã hội thì mới có điều kiện và phương tiện để thỏa mãn. Việc thỏa mãn nhu cầu việc làm đến mức độ nào còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố ví như nhận thức của cá nhân về mối quan hệ giữa nhu cầu việc làm với sự tồn tại của bản thân và gia đình, động cơ, hứng thú… của họ, đồng thời nó cũng phụ thuộc vào điều kiện hiện tại của xã hội, sự trợ giúp của những người xung quanh, chính sách giáo dục, đào tạo việc làm của nhà nước và cơ hội việc làm của từng cá nhân. Người xưa vẫn nói, sự thành công của cá nhân được hợp bởi 99% năng lực của bản thân và 1% là may mắn. Thế nhưng thiếu 1% này, tức là không gặp thời, không có vận may thì dù có nỗ lực đến mấy chúng ta cũng khó gặt hái được thành công như mong đợi. Điều này trong thực tế không phải là hiếm, chúng ta có thể thấy không ít người được đào tạo bài bản, tốt nghiệp đại học, cao đẳng, thậm chí cầm bằng đó của những trường nổi tiếng, tốt nghiệp từ ngành hót trong xã hội nhưng vẫn không tìm được việc làm ổn định. Như vậy, để tìm được việc làm ổn định, đảm bảo cuộc sống của bản thân và gia đình, đồng thời phù hợp với mong muốn của bản thân thì cần sự tổng hợp của hai yếu tố đó là năng lực và may mắn.
Nhu cầu việc làm của con người nói chung vô cùng phong phú và đa dạng, có người tìm việc làm để mở rộng quan hệ xã hội, đi làm cho vui, có người muốn có việc làm để khẳng định giá trị bản thân, có người vì yêu thích một lĩnh vực nào đó mà tìm việc làm phù hợp, có người vì sự tồn tại của bản thân và gia đình mà phải tìm việc làm… Những động cơ này có độ mạnh, yếu khác nhau, do vậy, có người nhu cầu việc làm vẫn tồn tại ở dạng tiềm năng, có người nhu cầu việc làm được hiện thực hóa và thỏa mãn ở mức độ cao, thấp khác nhau.
- Đối tượng của nhu cầu việc làm hết sức đa dạng và phong phú, mỗi cá nhân hướng đến những việc làm khác nhau, có thể là những việc làm mang tính tạm thời, dựa vào kinh nghiệm thực tế như: Mở dịch vụ kinh doanh, khuân vác, thợ xây dựng, giúp việc gia đình, chạy chợ, chạy xe ôm, làm tóc nghệ thuật, đánh bạc… cũng có những việc làm được đào tạo chuyên sâu và mang tính ổn định hơn như: làm nghề thủ công, công nhân viên chức, công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp…
Khi có nhu cầu tất yếu phải tìm ra phương thức để thỏa mãn và nhu cầu việc làm cũng vậy. Tuy nhiên, để xác định được phương thức thỏa mãn nhu cầu trước hết các cá nhân phải xác định chính xác mình đang có nhu cầu về việc làm gì? Việc làm đó có phù hợp với điều kiện hiện tại không? Có những nhóm việc làm nào có thể thỏa mãn nhu cầu của mình cũng như phải làm thế nào để có thể làm chủ những việc làm đó. Như vậy, điều đầu tiên để thỏa mãn nhu cầu việc làm là các cá nhân phải tìm kiếm công cụ, phương tiện cần thiết để chiếm lĩnh lấy nó. Trong thực tế, có rất nhiều việc làm khác nhau và cũng có rất nhiều phương thức, điều kiện và thời cơ để chiếm lĩnh một việc làm cụ thể hoặc các việc làm khác nhau. Có người đầu tư vốn mở dịch vụ kinh doanh, có người đầu tư tiền của để học nghề làm hành trang vững chắc trên bước đường tìm kiếm việc làm để thỏa mãn nhu cầu việc làm của bản thân và gia đình. Một số khác thì tham gia vào quá trình đào tạo của
địa phương cũng như nắm bắt chính sách hỗ trợ của Đảng và nhà nước để phát triển kinh tế hộ gia đình…
Như vậy, cùng là nhu cầu việc làm nhưng ở mỗi cá nhân thì việc nhận thức về sự thiết thân của việc làm đối với bản thân và gia đình cũng như đối tượng hướng tới hay việc tự tạo và nắm bắt cơ hội, phương tiện và điều kiện để thỏa mãn nhu cầu là khác nhau. Điều này thể hiện tầm nhìn, quan niệm của mỗi cá nhân về nhu cầu việc làm, đồng thời nó phản ánh mức độ thỏa mãn nhu cầu mang tính xã hội của cá nhân. Mức độ thỏa mãn nhu cầu việc làm giúp cá nhân nuôi sống bản thân và gia đình, tự khẳng định giá trị bản thân và được xã hội tôn trọng, thừa nhận. Các cá nhân càng nỗ lực phấn đấu bằng khả năng của bản thân, không khuất phục trước những khó khăn, thách thức, không từ bỏ bất kỳ cơ hội lành mạnh nào để thỏa mãn nhu cầu việc làm của mình thì họ càng được xã hội nể trọng.