Như đã đề cập ở chương 1, Phản biện xã hội là hoạt động xã hội thể hiện công khai những quan điểm, cách nhìn hay đánh giá về một hay nhiều vấn đề mà xã hội quan tâm. Việc trình bày quan điểm hay cách nhìn phải được nghiên cứu kĩ lưỡng trên cơ sở thực tế, đưa ra được bằng chứng xác thực với lí lẽ, lập luận chặt chẽ, khoa học. Phản biện xã hội hướng tới lợi ích chung của xã hội và là thước đo thể hiện sự tiến bộ của xã hội đó. Việc thể hiện công khai quan điểm, ý kiến đối với những vấn đề nóng của xã hội đòi hỏi có sự lắng nghe và tham gia của nhiều người trước khi đi đến một thỏa thuận hay giải pháp chung.
Báo in với đầy đủ đặc điểm và ưu thế của một loại hình TTĐC lâu đời, có thể nói là một diễn đàn phù hợp để toàn xã hội thể hiện hoạt động tranh luận công khai, thực hiện hoạt động phản biện xã hội.
Báo in tiến hành hoạt động phản biện xã hội về đổi mới giáo dục tiểu học bằng chính các bài viết thể hiện công khai trên mặt báo với chủ đề chính là đổi mới giáo dục ở bậc tiểu học. Những bài viết tác động đến quá trình đổi mới ở bậc này (như hệ thống chính sách, luật pháp…) cũng được lấy căn cứ làm tư liệu.
Với phạm vi nghiên cứu là 5 đầu báo nói trên, chủ thể của hoạt động phản biện xã hội được đề cập một cách bao quát bằng cách: nhà báo thông tin (đội ngũ phóng viên, biên tập viên 5 báo), nhà chuyên môn, giới trí thức VN lên tiếng (tạp chí Tia sáng), độc giả ở các địa phương phản hồi (báo HNM,
SGGP, Tuổi trẻ Tp.HCM) và nhà quản lý: quản lý nhà nước, cán bộ quản lý giáo dụcra quyết sách (báo GD&TĐ).
Chủ đề chính của phản biện xã hội về giáo dục, cụ thể là phản biện xã hội về đổi mới giáo dục tiểu học – một vấn đề nóng và nhiều bất cập trong xã hội trở thành tâm điểm của các luồng ý kiến. Diễn đàn trên báo in càng giữ vai trò không thể thiếu trong việc duy trì hoạt động phản biện xã hội một cách tích cực và uy tín nhất để tìm ra giải pháp cuối cùng là giải quyết những bất cập của giáo dục tiểu học. Từ đó tạo đà cho những bất cập giáo dục của các bậc học khác được giải quyết, đem lại lợi ích cho toàn xã hội.