Một vấn đề báo chí đưa ra sẽ không đạt hiệu quả phản biện xã hội cao nếu không thu hút các chủ thể phản biện xã hội tham gia. Muốn chủ thể tích cực tham gia vào quá trình phản biện xã hội thì vấn đề đặt ra phải có tính thời sự cao, phản ánh bất cập của xã hội và hướng tới tới chính lợi ích xã hội chung. Một vấn đề không có tính thời sự, không gặp nhiều bất cập, chỉ dựa trên những nhóm lợi ích nhỏ sẽ không tạo được diễn đàn phản biện xã hội cao, do vậy kết quả thu được từ hoạt động phản biện xã hội (nếu có) cũng không nhiều.
Để phát hiện ra vấn đề cần phản biện xã hội, chủ thể báo chí cần đặt nó trong mối tương quan giữa chính sách, quan điểm của các chuyên gia, và thực tiễn xã hội. Nếu trong mối tương quan đó, vấn đề không thể hiện các bất cập thì không cần thiết tiến hành phản biện xã hội. Nhưng nếu đặt trong mối tương quan đó, vấn đề xem xét lại bộc lộ nhiều khiếm khuyết, thiếu sót cần phải sửa chữa ngay thì nhất thiết phải thực hiện hoạt động phản biện xã hội nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất khắc phục những khiếm khuyết, sai sót đó.
Trước hết chủ thể báo chí phải có khả năng nắm rõ, xác định chính sách quản lý nhà nước đặt ra với vấn đề mình định đưa ra phản biện là đúng hay không đúng, là thích hợp hay không thích hợp, đã đầy đủ cho quá trình vận hành phát triển của vấn đề khi triển khai hay chưa.
Sau đó chủ thể báo chí cần tham khảo ý kiến chuyên gia về vấn đề đó, vì chuyên gia là những người am hiểu vấn đề một cách rõ nhất. Chuyên gia sẽ giúp nhà báo hiểu được bản chất vấn đề, làm rõ những điểm mạnh hay hạn chế của vấn đề đó.
Từ việc hiểu vấn đề, đường lối chính sách với vấn đề định đưa ra phản biện, nhà báo cần đối chiếu với thực tế cuộc sống nơi vấn đề xã hội diễn ra. Việc đặt trong thực tế đời sống để thấy những bất cập hay hạn chế của vấn đề do đường lối chính sách hay do khâu triển khai chính sách đó gây ra. Trên cơ sở đó chủ thể báo chí xác định được vấn đề nào cần phản biện xã hội, cần phải được xã hội thảo luận, tìm giải pháp xử lý kịp thời.
Thông tin về vấn đề đổi mới giáo dục tiểu học, báo chí đã xác định đúng vấn đề phản biện xã hội, phản biện xã hội về đổi mới giáo dục tiểu hoc cần được giải quyết như một nhu cầu tất yếu, là điều không thể làm khác. Bởi với những chính sách quản lý nhà nước đặt ra, hoạt động đổi mới giáo dục tiểu học triển khai trên thực tế không thu được những kết quả như mong đợi,
lãng phí tiền của, gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia về giáo dục cũng như trong dư luận xã hội.
Tuy nhiên báo chí nói chung, báo in nói riêng không xem đổi mới giáo dục tiểu học như một hoạt động tương đối độc lập mà gộp chung đổi mới giáo dục tiểu học với đổi mới giáo dục nói chung. Việc gộp chung này có cơ sở bởi giáo dục tiểu học là một phần của hệ thống giáo dục nói chung, giáo dục phổ thông nói riêng. Song đối với vấn đề phức tạp như đổi mới giáo dục, trong một chừng mực nhất định cần phải nhìn nhận giáo dục tiểu học như một chỉnh thể trong một tổng thể, như vậy việc tìm ra bản chất vấn đề mới dễ được phát hiện, các giải pháp khắc phục từ đó cũng mang tính khả thi hơn.