Có nhiều loại hình TTĐC như báo in, phát thanh, truyền hình, báo trực tuyến (online), trong đó báo in là loại hình truyền thông có lịch sử ra đời sớm nhất. Tờ báo đầu tiên trên thế giới ra đời tại Venice, Ý với tên gọi Gazetta. Tại Anh tờ báo đầu tiên là báo tuần được xuất bản tại London năm 1622.
Khác với báo chí nhiều nước trên thế giới ra đời với mục đích trước tiên là kinh tế, báo chí nước ta ra đời trong khuôn khổ chế độ thuộc địa. Với những điều kiện tiên quyết trên cơ sở nghề in phát triển, có đội ngũ người làm báo chuyên nghiệp, có giới độc giả, tờ báo in đầu tiên của nước ta ra đời ngày 15/4/1865 là tờ Gia Định báo (ở Nam kì).
Cụ thể là, năm 1862 ở Sài Gòn đã xuất hiện công sở, người Pháp đã đưa máy in vào quân đội, giao cho giáo hội Công giáo Việt Nam, nghề in do vậy phát triển nhanh chóng, trước tiên là trong giới ngoại quốc và từng bước trong người Việt đến thế kỉ XX. Cũng trong thời gian này, Sài Gòn đã xuất hiện những người làm báo đầu tiên, đó là những trí thức Tây học thế hệ đầu tiên được đào tạo ở nước ngoài cùng với những người Công giáo được đào tạo ở Pháp hoặc ở các chủ viện nước ngoài. Mặt khác, Sài Gòn và Nam Kì cũng là nơi có giới độc giả sớm gồm những người trung lưu, quan lại, thị dân,
những người có học (biết chữ quốc ngữ) hình thành trong điều kiện khai thác thuộc địa sớm của Thực dân Pháp.
Lịch sử báo chí của ta cho đến nay chuyển từ báo chí thuộc địa sang báo chí dân chủ cộng hòa, bản thân nó là tấm gương phản ánh lịch sử từ thế kỉ XIX đến nay. Trong mỗi giai đoạn nó gắn chặt với lịch sử dân tộc, với cách mạng, chịu sự chi phối của điều kiện chính trị xã hội.
Đặc trưng không thể thay thế của báo in (so với các loại hình báo chí khác như phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử):
• Sử dụng chữ viết trên giấy, thường là khổ nhỏ dễ cầm theo. Điều này giúp người đọc nắm rõ thông tin hơn và có thời gian nghiên cứu lâu hơn các loại hình báo chí khác.
• Đối tượng công chúng biết đọc, biết viết cao. Nhìn chung công chúng của báo in có trình độ, nhận thức tương đối cao so với công chúng của các loại hình báo chí khác.
• Thông tin chiều sâu (văn bản, con chữ), có nhiều bài phân tích, bình luận. Báo in cung cấp cho bạn đọc những thông tin chuyên sâu, bình luận chi tiết và có hệ thống về một vấn đề, một sự kiện nào đó.
• Lưu giữ dễ dàng. Báo in có khả năng lưu trữ thông tin giúp cho người đọc có thể lưu trữ những bài báo, bản tin theo chuyên đề, theo mục đích của người đọc; dễ dàng chia sẻ cùng những người khác.
Thông thường khi một sự kiện xảy ra thì “phát thanh đưa tin, truyền hình giải thích, báo in bình luận”. Yếu tố phản hồi trên báo in do vậy đạt được chiều sâu, đặc biệt thích hợp với những vấn đề phức tạp của xã hội đòi hỏi tranh luận công khai.
Với đặc trưng sử dụng chữ viết trên giấy, lưu giữ dễ dàng, các nhóm công chúng tham gia hoạt động phản biện xã hội có cơ hội đọc và tìm hiểu kĩ vấn đề tranh luận cũng như đọc và hiểu kĩ các ý kiến tham gia hoạt động phản
biện đó. Cùng với các loại hình báo chí khác như phát thanh, truyền hình, báo trực tuyến, báo in tạo diễn đàn cho phản biện xã hội phát triển, tạo sự đồng thuận xã hội, giúp tìm ra giải pháp tháo gỡ vấn đề một cách triệt để.