Cấu trúc tin rành mạch, dễ tiếp nhận

Một phần của tài liệu Ngôn ngữ thể loại tin trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay (Trang 64)

Sự rõ ràng, rành mạch, dễ tiếp nhận trong cấu trúc tin trên báo mạng điện tử được thể hiện ở nhiều yếu tố: cấu trúc câu đơn giản, phân đoạn tối đa, giữa các đoạn có khoảng trống lớn, cấu trúc tin theo hình tháp ngược.

2.3.3.1. Sử dụng nhiều câu đơn

Điều này được thể hiện trước hết ở việc các tin dùng nhiều câu đơn. Câu đơn được dùng tối đa trong các tin và chiếm số lượng áp đảo. Câu ghép thường là những câu chỉ sự liên tiếp của hành động hay câu ghép chính phụ, khó có thể tách ra thành câu đơn.

Ví dụ: Tin trên Vnexpress ngày 12/3/2010

Mọi người nhanh chóng đưa em vào bệnh viện cấp cứu. Nhân chứng cho biết, nạn nhân là con của chị bán nước tại đây và đang mắc bệnh tim chờ những tấm lòng nhân đạo để cứu chữa.

Tại hiện trường, chiếc taxi 7 chỗ của Vinasun ủi nát quán cơm và quán nước vỉa hè, cày bẹp đầu xe máy Attila. Bánh sau taxi cán bẹp một xe đạp. Cách đó vài mét, ở giữa ngã tư Trương Định - Nguyễn Du chiếc taxi 4 chỗ khác cũng của hãng này bị hư hỏng ở đầu.

Theo người dân, chiếc taxi 7 chỗ chạy trên đường Nguyễn Du hướng về Cách Mạng Tháng Tám. Khi đến giao lộ Trương Định, bất chấp đèn chuyển sang đỏ, tài xế nhấn ga vượt qua. Cùng lúc đó, một taxi 4 chỗ chạy trên đường Trương Định hướng về qua công viên Tao Đàn cũng vượt qua. Hai xe húc vào nhau và chiếc 7 chỗ đã lao vào quán cơm và quán nước.

"Taxi đã húc bay chiếc xe Attila đang đậu dưới vỉa hè. Vài vị khách đang ăn thấy vậy tháo chạy. Cháu gái đang đứng phía trong nên đã bị hất văng. Tôi và mẹ cháu may mắn chỉ bị xây xát. Tài xế taxi không bị gì", chị bán cơm kể.

Cảnh sát giao thông quận 1 đã lập biên bản xử lý

Tin trên gồm 15 câu, gồm có 10 câu đơn, 5 câu ghép. Việc sử dụng các câu đơn làm cho thông tin được chuyển tải rõ ràng, rành mạch, ngắn gọn, giúp độc giả dễ tiếp nhận thông tin.

2.3.3.2. Tách đoạn tối đa và tạo khoảng trống giữa các đoạn

Ngoài cấu trúc câu đơn đơn giản, việc phân đoạn ngắn của tin trên báo mạng điện tử cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người đọc khi tiếp nhận thông

tin, phù hợp với đặc thù của loại hình báo chí này là đọc trên màn hình máy tính.

Trong khi một tin trên báo in thường được gộp vào thành một đoạn thì tin trên báo mạng điện tử bao giờ cũng được tách thành nhiều đoạn. Mỗi đoạn chỉ từ một đến hai câu.

Ví dụ, tin trên Vietnamnet ngày 30/5/2010:

Nâng quân hàm cho 3 chiến sĩ bị bắn trọng thương

Theo đó, Đại úy Nguyễn Đức Cường được phong bậc thiếu tá và đề bạt làm phó Phòng PC17, trung úy Cao Đức Long được phong bậc thượng úy, thượng sĩ Lê Viết Hùng phong bậc trung úy.

Ngoài ra, thiếu tá Nguyễn Đức Cường cũng được Công an Nghệ An đề nghị phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Rạng sáng ngày 26/5, 3 chiến sĩ này đều có mặt trong chuyên án truy bắt 3 đối tượng vận chuyển ma túy khối lượng lớn từ Lào về Việt Nam. Trong lúc làm nhiệm vụ, ngăn tội phạm trốn thoát, cả ba đã bị bắn trọng thương.

Sau đó, 3 đối tượng Lầu Vả Rùa (42 tuổi, quốc tịch Lào), Lầu Bá Xông (34 tuổi, Kỳ Sơn, Nghệ An) và Kha Thị Huệ (Tương Dương, Nghệ An) đã bị tóm gọn. Qua khám xét, công an thu được 2 bánh heroin và một quả lựu đạn.

Việc truy bắt được 3 đối tượng trong chuyên án này đã giúp lực lượng công an PC17 chặn đứng được một lượng lớn heroin tràn vào Việt Nam.

Tin chỉ có 189 tiếng với 6 câu nhưng được tách thành 5 đoạn nhỏ, trong đó tới 4 đoạn chỉ có một câu.

Không chỉ tách đoạn tối đa, giữa các đoạn còn có khoảng trống rộng, nhằm làm thoáng tin, giúp độc giả đỡ mỏi mắt.

2.3.3.3. Cấu trúc tin theo hình tháp ngược

Một yếu tố quan trọng khác là cấu trúc tin. Cấu trúc chủ yếu của thể loại tin là theo hình tháp ngược, nghĩa là thông tin quan trọng nhất được đưa lên đầu tiên, tiếp đó là các thông tin kém quan trọng hơn.

Cấu trúc tin trên báo mạng điện tử cũng tuân thủ nguyên tắc này, thậm chí còn áp dụng triệt để hơn. Điều này thể hiện ở chỗ đỉnh tháp trong tin báo giấy ở câu đầu của tin, còn đỉnh tháp trong tin báo mạng điện tử là tít, tầng tiếp theo là sapô, rồi đến các đoạn. Do tít và sapô trên báo mạng điện tử có tính độc lập cao, phải đóng vai trò là một tin ngắn đặc biệt nên chỉ cần đọc tít, hoặc tít và sapô, người đọc đã có thể nắm được nội dung chính. Vì thế, trong trường hợp bận rộn, họ có thể chỉ cần đọc tít, tít và sapô hoặc nếu rảnh rỗi hơn, đọc thêm một vài đoạn của tin chứ không nhất thiết phải đọc trọn vẹn tin.

Một phần của tài liệu Ngôn ngữ thể loại tin trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay (Trang 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)