Có lẽ, không một kênh đào tạo nào hữu hiệu bằng việc những người làm báo mạng điện tử phải tự trau dồi khả năng ngôn ngữ cho mình.
Việc tự trau dồi có thể bằng nhiều cách như thường xuyên đọc sách, tham khảo từ báo bạn, từ đồng nghiệp, từ cuộc sống hàng ngày….
Đọc sách có thể là thói quen của nhiều người khi còn đi học, nhưng khi đã đi làm, công việc bận rộn, lo toan cuộc sống nên ít người duy trì được. Việc đọc sách thường xuyên, từ sách văn học đến sách khoa học, các tiểu thuyết kinh điển, tục ngữ, ca dao đến các tác phẩm văn học hiện đại đều giúp bổ sung vốn ngôn từ phong phú cho người đọc.
Không chỉ đọc sách mà người làm báo còn cần phải đọc báo. Tham khảo từ đồng nghiệp, từ báo bạn cũng là một kênh hiệu quả để phát hiện các cách tiếp cận và chuyển tải thông tin. So sánh tin bài của mình với báo bạn để học hỏi từ cách dùng từ, đặt tít, diễn đạt sao cho thoát ý, ngắn gọn, dễ hiểu, thậm chí rút kinh nghiệm được từ chính các lỗi của tin trên báo bạn.
Người làm báo thường tâm niệm làm nghề là phải đọc, đi, nghĩ, viết. Ngoài đọc thì cần phải đi. Đi để phát hiện đề tài, để phản ánh xã hội một cách chân thực, đi cũng là để trau dồi ngôn ngữ đời sống. Không ít những tít tin, bài hay không phải do nhà báo tự nghĩ ra mà là lấy theo ngôn từ của nhân vật.
Để có thể chuyển tải thông tin tốt nhất, người làm báo mạng điện tử cũng cần phải hiểu rõ những đặc điểm riêng biệt về cách sử dụng ngôn ngữ của nó so với các loại hình báo chí khác.
Đặc điểm nổi bật của tin trên báo mạng điện tử là sự ngắn gọn, cô đọng, ngôn từ phải dễ hiểu, nhưng mang đậm hơi thở cuộc sống, phong cách phóng khoáng và trẻ trung hơn. Ngôn ngữ báo mạng ít tính quy phạm hơn so với báo in. Tuy nhiên, người làm báo cũng không nên lạm dụng đặc điểm này.
Sự cô đọng ngắn gọn của báo mạng điện tử cũng khác sự ngắn gọn của báo in. Đặc điểm tin của báo in là có sự đồng hiện của tít và thân tin. Tin của báo mạng điện tử thường có sự độc lập cao giữa các bộ phận tít, sapo và text. Vì thế, đặt tít, viêt sapô cho báo mạng điện tử yêu cầu phải ngắn gọn nhưng vẫn phải đảm bảo cung cấp cho độc giả có thể hiểu, nắm bắt được thông tin cốt lõi, đồng thời phải thu hút họ đọc toàn bộ nội dung tin ở trang trong. Viết phần thân tin, nên dùng câu chủ động, dung lượng ngắn, thường là câu đơn. Người viết nên cố gắng tách câu và tách đoạn để làm thoáng bài viết, giúp người đọc dễ tiếp nhận….
Báo mạng điện tử cũng rất có lợi thế trong việc tạo các đường dẫn tin tức để độc giả có thể tìm đọc các bài viết liên quan đã được báo đăng tải trước đó. Vì thế, khi viết tin, phóng viên nên lưu ý việc tìm các bài viết đã đăng trên báo mình có nội dung liên quan tới tin đang viết để tạo đường dẫn kết nối.
Việc tạo đường dẫn kết nối có nhiều hình thức. Hình thức thứ nhất là đặt hẳn tít tin bài đó phía dưới của sapô, trước phần thân tin. Đây là hình thức
làm phổ biến của Vietnamnet và Vnexpress. Cách này có hạn chế là nếu đưa quá nhiều đường dẫn sẽ thì phần thân tin bị đẩy xuống phía dưới màn hình, gây cản trở việc đọc tin của độc giả. Cách làm thứ hai là đặt các đường dẫn đó vào một cột, tạo thành một box trong bài, thường dùng trong các sự kiện được dư luận đặc biệt quan tâm, tòa soạn có nhiều bài viết.
Cách thứ ba là đặt đường dẫn vào các từ, cụm từ ở phần text có liên quan tới thông tin đã đăng trước đó, còn được gọi là các từ khóa. Đường dẫn khi đó đã được tích hợp ngay vào trong các từ, ngữ của phần thân tin. Các từ này có thể được độc giả nhận biết một cách dễ dàng do màu chữ sẽ chuyển sang màu khác so với các chữ còn lại. Cách làm này khắc phục được hạn chế của cách thứ hai vì tòa soạn sẽ không mất một phần diện tích màn hình cho phần đường dẫn. Khảo sát của chúng tôi cho thấy, trên hai báo điện tử Vietnamnet và Vnexpress không có hình thức này. Theo chúng tôi, đây là cách làm tốt mà tòa soạn nên vận dụng. Tuy nhiên, cũng giống như các cách trên, tòa soạn không nên đặt quá nhiều đường dẫn trong một tin vì điều đó sẽ khiến độc giả rối mắt, gây phản cảm.
Một đặc điểm khác của thể loại tin trên báo mạng điện tử là ở các tin đều có shortlead. Như đã phân tích ở chương 2, shortlead là phần thông tin được đưa ra trang ngoài cùng với tít, khi không có sự đồng hiện của phần text. Hầu hết các báo mạng điện tử ở Việt Nam đều đồng nhất giữa shortlead và sapô – phần thông tin mào đầu nằm sau tít, trên phần text, khi có sự đồng hiện của toàn bộ tin. Điều này khiến độc giả phải đọc đi đọc lại hai lần cùng một đoạn văn, đọc lần một ở trang ngoài và đọc lần hai, khi nhấp chuột vào trang trong. Vì thế, người làm báo mạng điện tử nên cố gắng viết hai loại thông tin mào đầu này theo hai cách khác nhau để tăng sự hấp dẫn với công chúng.
Nắm được các đặc điểm của ngôn ngữ báo mạng điện tử, người viết sẽ chủ động lựa chọn cách viết, ngôn ngữ viết phù hợp.
Tuy nhiên, có thể thấy việc trau dồi thêm những kiến thức kỹ năng về báo mạng điện tử cũng là một khó khăn với người làm báo. Phóng viên báo mạng điện tử chủ yếu học theo cách truyền nghề và tự học. Tuy nhiên, với một loại hình báo chí có tuổi đời khoảng 10 năm thì lượng phóng viên thực sự gắn bó và hiểu về báo mạng điện tử cũng chưa nhiều. Vì thế, có thực tế là người làm báo mạng hiện nay chưa nhận thức đầy đủ về đặc thù riêng của loại hình báo chí mà mình đang làm so với các loại hình báo chí khác. Trong số những người làm báo mạng điện tử, có rất nhiều người là phóng viên báo giấy chuyển sang và họ mang theo cả phong cách báo giấy vào báo mạng điện tử. Số những người trẻ thì hoàn toàn bỡ ngỡ và làm việc theo cảm tính, không có sự am hiểu tường tận.